Gần 100% người tham gia BHXH được đồng bộ hóa dữ liệu

BHXH Việt Nam được xem là đại diện tiêu biểu trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của cách mạng công nghiệp 4.0.
BHXH Việt Nam được xem là đại diện tiêu biểu trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của cách mạng công nghiệp 4.0.
TP - Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, nhờ tích cực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tới nay đã có 99,9% người tham gia BHXH được cấp mã số quản lý thu, sổ, thẻ đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình.

Trọng tâm cải cách hành chính

Năm 2018, ngành BHXH xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Ðể triển khai, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, như Kế hoạch 145 ngày 15/1/2018; Kế hoạch 1926 thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Công văn 2289...

Thực hiện các kế hoạch trên, BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện, loại bỏ hoặc sửa đổi thủ tục không phù hợp, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã cắt giảm từ 32 thủ tục hành chính xuống còn 28 thủ tục như hiện nay. Mọi thủ tục hành chính được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia và công khai trên cổng thông tin của BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương. BHXH Việt Nam cũng chuẩn hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu và quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN và thực hiện trả sổ cho người lao động. Tính tới 30/6 vừa qua, BHXH đã bàn giao hơn 14,38 triệu sổ BHXH cho người lao động (đạt 95,41%).

BHXH Việt Nam cũng phối hợp với ngành thuế để đồng bộ mã số thuế doanh nghiệp đang đóng thuế với các doanh nghiệp tham gia BHXH, tiến tới việc sử dụng chung một mã số doanh nghiệp duy nhất. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan để đơn giản hóa thủ tục, giảm kê khai của doanh nghiệp, cá nhân với BHXH.

Trong hoạt động tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam tiếp nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH; thông qua giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu điện. Nhờ đó, tới nay đã có hơn 1,2/1,3 triệu đơn vị thực hiện giao dịch điện tử (đạt 92% số đơn vị); qua bưu điện đã tiếp nhận hơn 2 triệu hồ sơ, giải quyết trả hơn 3,5 triệu hồ sơ (cả những hồ sơ năm trước chuyển sang)...

Ðột phá trong ứng dụng công nghệ

Triển khai thực hiện Nghị định 166/2016 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam sửa đổi, nâng cấp các phần mềm hỗ trợ kê khai thủ tục BHXH, BHYT. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHXH, BHYT. Tính đến hết tháng 4/2018, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát, cấp mã số BHXH đồng bộ cơ sở dữ liệu quản lý thu, sổ - thẻ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình (đạt 99,9%). Cơ sở dữ liệu quản lý người hưởng các chế độ BHXH đã được tập trung toàn quốc.

Ðặc biệt, qua Cổng thông tin điện tử, các doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH, như nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu hồ sơ. Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối dữ liệu giữa cơ quan BHXH với cơ sở khám chữa bệnh đạt 97,6%. Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ khách hàng của BHXH Việt Nam đã kịp thời tư vấn, giải đáp cho người dân các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT...

Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục xác định cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, chuẩn hóa các hướng dẫn về thủ tục thu, quản lý, giải quyết chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; Tiếp tục nghiên cứu, triển khai cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử và hoàn thiện cấp sổ BHXH, BHYT theo mã số BHXH. Ðồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Tăng cường công tác kiểm tra thực thi công vụ, nhiệm vụ của công chức viên chức tại BHXH, chuyển đổi tác phong làm việc theo hướng phục vụ...

Tính đến hết tháng 5/2018, thanh tra toàn ngày BHXH đã thực hiện thanh kiểm tra với 3.599 đơn vị sử dụng lao động. Qua thanh kiểm tra, đã phát hiện hơn 4.700 lao động chưa được đóng BHXH hoặc đóng thiếu thời gian, với số tiền truy đóng hơn 10 tỷ đồng; hơn 10.000 lao động bị đóng không đúng mức quy định, với số tiền phải đóng bổ sung hơn 13 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra BHXH đã lập biên bản và xử phạt 79 đơn vị, với số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 6/2018, cả nước đã có 2.290 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH, đạt tỷ lệ 97,4%. Tuy nhiên, còn nhiều tỉnh có tỷ lệ gửi dữ liệu khám chữa bệnh BHYT đúng hạn thấp, như: Hà Nội (22,6%), Bình Dương (23,1%), Long An (23,2%), Bình Thuận (27,4%), TPHCM (30,1%)... Việc mã hóa, gửi dữ liệu khám chữa bệnh BHYT chậm, không đầy đủ khiến việc giám định BHYT thông qua Hệ thống giám định bị ảnh hưởng, như chỉ định trùng lặp khi người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở khác nhau, khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày...
MỚI - NÓNG