Gần 34 vạn hộ dân thiếu nước sinh hoạt do hạn, mặn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến gần 340.000 hộ dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên và Nam Trung bộ thiếu nước sinh hoạt.

Ngoài ra, đến nay hạn mặn cũng gây thiệt hại trên 240.000 ha  lúa; trên 18.300 ha hoa màu, trên 55.600 ha cây ăn quả, trên 100.000 ha cây công nghiệp; trên 4.600 ha thủy sản… ước tính tổng thiệt hại gần 5.600 tỷ đồng. Những địa phương thiệt hại nhiều nhất là Kiên Giang với gần 1.500 tỷ đồng, Đắk Lắk khoảng 1.110 tỷ đồng…

Theo dự báo, trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm nay (cuối tháng 4 đến tháng 8/21016), dòng chảy các sông ở Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục giảm; cụ thể lượng nước các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 30-60%; Quảng Bình đến Bình Thuận và Tây Nguyên thấp hơn 40-65%; riêng ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thấp hơn 80-90%.

Tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ lan rộng ra ở các tỉnh miền Trung, trong đó khô hạn tại khu vực từ Nghệ An đến Bắc Bình Thuận khả năng kéo dài tới tháng 8-9/2016. Ở khu vực Nam Bình Thuận và Tây Nguyên tình trạng thiếu nước sẽ kéo dài đến đầu tháng 6 tới. Xâm nhập mặn sẽ lấn sau vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Trung bộ.

Trong khi đó, tại Nam bộ, trong tháng 4, khả năng lưu lượng nước thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long được duy trì. Từ nay đến cuối tháng 5 đỉnh triều giảm, nên độ mặn trên hệ thống sông Mekong và sông Đồng Nai-Sài Gòn và Vàm cỏ có xu thế giảm dần, nhưng vẫn cao hơn năm 2015. Riêng vùng bán đảo Cà Mau-Kiên Giang độ mặn cao nhất năm sẽ xuất hiện vào cuối tháng 4 đầu tháng 5.

Trước tình trạng trên, Bộ trưởng NN&PTNT- Trưởng Ban T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương trước mắt tập trung đảm bảo lương thực, nước sinh hoạt cho người dân, không để thiếu nước, hoặc phải mua nước với giá cao.

Các địa phương rà soát, kiểm kê nguồn nước và dự báo sát tình hình thời tiết, thông tin đến người dân để chủ động đối phó với khả năng hạn hán kéo dài và mở rộng. “Các địa phương tiến hành điều chỉnh cơ cấu mùa vụ tại các nơi không đảm bảo nguồn nước, không để người dân sản xuất tại những nơi thiếu nước và có nguy cơ thiệt hại kép”, ông Phát đề nghị.

Theo số liệu ban đầu các địa phương đề xuất hỗ trợ trước mắt trên 4.000 tỷ đồng, hỗ trợ lâu dài gần 15.200 tỷ đồng và khoảng 12.064 tấn gạo để khắc phục tình trạng hạn mặn. Các địa phương cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ thuốc sát khuẩn, khử trùng, các thiết bị lọc nước, chứa nước.

MỚI - NÓNG