Lựa chọn, xây dựng hiện vật về Hội trường Ba Đình:

Gần 400 hiện vật sẽ được bảo tồn là chưa đủ…

Gần 400 hiện vật sẽ được bảo tồn là chưa đủ…
TP - Văn phòng Quốc hội (VPQH) cần lựa chọn, sưu tập càng nhiều hiện vật về Hội trường Ba Đình càng tốt, để đỡ hối tiếc sau này; và cần nhanh chóng lập hồ sơ lý lịch cho các hiện vật đã dự kiến lựa chọn để tạo nên “phần hồn” cho các hiện vật ấy…

Đó là ý kiến đề nghị tha thiết của các chuyên gia bảo tàng tham gia Hội thảo “Lựa chọn và xây dựng sưu tập hiện vật về Hội trường Ba Đình” do VPQH tổ chức chiều qua (24/3).

Sưu tập càng nhiều hiện vật càng tốt…

Hội trường Ba Đình - công trình mang dấu ấn kiến trúc của thời đại Hồ Chí Minh- trong tâm thức của  nhiều thế hệ người Việt có một ý nghĩa lịch sử vô giá.

Chính vì vậy, một yêu cầu trong phương án xây dựng Nhà Quốc hội mới trên khuôn viên Hội trường Ba Đình mà Quốc hội đã thông qua là: Những giá trị lịch sử của Hội trường Ba Đình sẽ không mất đi mà được bảo tồn bằng hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật và mô hình trong bảo tàng để giới thiệu đến đông đảo nhân dân và  bạn bè quốc tế.

Và gần 400 hiện vật gốc (chia thành 17 sưu tập nhỏ) của Hội trường Ba Đình do VPQH tạm lựa chọn ra từ hàng ngàn hiện vật của hội trường đã được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia bảo tàng tại cuộc hội thảo. 

Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự cho rằng, con số 400 hiện vật là chưa đủ, bởi hầu hết trong đó là các trang thiết bị mới của những năm gần đây.

“Vấn đề đặt ra là cần phải sưu tầm hiện vật Hội trường Ba Đình từ những thập kỷ 60-80 của thế kỷ trước”-Ông Lương đề nghị. Các thiết bị, phương tiện trong Hội trường Ba Đình từ năm 60 đến nay.

Hiện vật đang lưu giữ chủ yếu là hiện vật thể khối và mới

Hơn 400 hiện vật của Hội trường Ba Đình đang được Trung tâm thông tin thư viện và nghiên cứu khoa học của VPQH lưu giữ  được lựa chọn từ những tài sản, đồ vật hiện có đã qua sử dụng tại Hội trường Ba Đình cũng các cấu kiện kiến trúc.

Hầu hết hiện vật lưu giữ là các bộ sưu tập hiện vật thể khối như: sưu tập tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; sưu tập Quốc huy, Quốc kỳ, Đảng kỳ; bàn ghế dành cho Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội và Đại hội Đảng, bàn ghế dành cho đại biểu  dự Đại hội Đảng và họp Quốc hội, bàn ghế sử dụng trong phòng tiếp khách của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội; hòm phiếu các loại; thiết bị âm thanh; hộp biểu quyết; máy quay camera; máy ghi âm; đầu video, tai nghe, đèn phát sóng, máy chiếu; những tặng phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội và các địa phương; những hiện vật được sử dụng trong việc tổ chức lễ tang cấp Nhà nước tại Hội trường Ba Đình và nhiều loại hiện vật khác…

Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho PV Tiền phong biết: Hiện không xác định được chiếc ghế nào Bác Hồ đã ngồi; còn một số hiện vật  của Hội trường Ba Đình được sử dụng từ thập kỷ 60 thế kỷ trước mà các chuyên gia yêu cầu sưu tầm thì nay chưa biết tìm ở đâu.

Bởi từ hơn chục năm trở lại đây VPQH mới quản lý Hội trường Ba Đình- Hội trường của Quốc hội- nên VPQH hiện chỉ quản lý được các hiện vật đã và đang sử dụng tại Hội trường.

Trước đó, Hội trường được quản lý bởi cơ quan khác.   Và thực ra thì quan niệm về lưu giữ các hiện vật của Hội trường từ thời trước đây cũng khác.

Đặc biệt là các hiện vật  của Hồ Chủ tịch  và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự các sự kiện quan trọng đã diễn ra tại Hội trường này. Còn TS Chu Đức Tính (GĐ Bảo tàng Hồ Chí Minh) nêu ra quan điểm: Sưu tập càng nhiều hiện vật càng tốt.

TS Phạm Quốc Quân (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) thì cho rằng với  400 hiện vật  mà VPQH lựa chọn bước đầu vẫn còn có một cảm giác đơn điệu về loại hình.

“Dường như những người lựa chọn mới chỉ quan tâm tới những hiện vật hiện diện ở Hội trường Ba Đình dưới dạng thức đang được sử dụng hoặc lưu giữ trong kho, mà chưa để tâm tới những hiện vật bị chuyển dịch  qua nhiều thời kỳ. Có hay không chiếc ghế Bác Hồ đã ngồi, chiếc bút Bác đã viết? Những đồ dùng  của các vị chủ tịch Quốc hội qua các thời kỳ… chắc chắn  sẽ hữu ích không chỉ đối với bảo tàng Quốc hội sau này”- TS Quân nói.

Phải nhanh chóng có “phần hồn” cho các hiện vật!

GS Lê Mậu Hãn  cho rằng, Hội trường Ba Đình là  một di tích lịch sử vô giá, song Hội trường không còn lưu giữ được vì thế  phải chọn lựa, đánh giá giá trị các hiện vật của Hội trường được sưu tập để đưa vào bảo tàng Quốc hội, hoặc các bảo tàng khác của đất nước.

“Hiện vật được sưu tập phải có lý lịch rõ ràng mới có giá trị  và ý nghĩa, nếu không nó chỉ là đồ  vật bình thường, vì vậy phải nhanh chóng lập hồ sơ cho từng hiện vật một”-GS Lê Mậu Hãn nói.

Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, những danh mục sưu tập mà VPQH dự kiến chưa đủ các yếu tố để hình thành bộ sưu tập hiện vật bảo tàng.

Vì vậy, ông Lương đề xuất: Cần phải sưu tầm cả bản vẽ, thiết kế, nguyên vật liệu, công cụ xây dựng  ngôi nhà và những con người tham gia công trình và đề nghị, VPQH và Trung tâm thông tin tư liệu và nghiên cứu khoa học của VPQH  phải sớm lập hồ sơ khoa học cho tất cả  số hiện vật hiện có và hiện vật sẽ sưu tầm (lập sổ sách, mẫu biểu quản lý, đánh số cho từng hiện vật); đồng thời có hệ thống nhà kho cùng phương tiện thiết bị quản lý theo tiêu chuẩn  kho bảo tàng; phải có đội ngũ  cán bộ và  nguồn kinh phí để bảo đảm các hoạt động này.

Chủ trì hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng đồng tình với đề nghị này khi cho rằng “hồ sơ lý lịch làm nên “phần hồn” cho hiện vật”, và ông khẳng định việc lập hồ sơ cho từng hiện vật sẽ được VPQH sớm triển khai”. 

 Kết thúc buổi hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPQH  Nguyễn Sĩ Dũng đã ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia. Ông Dũng khẳng định sẽ sớm thành lập Hội đồng thẩm định xét chọn hiện vật sưu tập.

Trước mắt VPQH tiếp tục liên hệ với đơn vị đang tháo dỡ Hội trường Ba Đình để sưu tập thêm hiện vật theo gợi ý của các chuyên gia bảo tàng.

MỚI - NÓNG