Gặp bạn gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc

Gặp bạn gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc
Người con gái đã đi vào giấc mơ màu xanh của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc có cái tên như tiền định: Phạm Thị Như Anh. Đó cũng là cái tên mà tác giả "Mãi mãi tuổi 20" thường xuyên nhắc đến trong nhật ký...
Gặp bạn gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc ảnh 1
Chị Như Anh và Đại tướng Chu Huy Mân cùng di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc

Cách đây hơn 35 năm, có một cuộc gặp gỡ giữa cô con gái "rượu" của luật sư nổi tiếng Phạm Thành Vinh (nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Đông Dương, nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng), là cháu ngoại cụ Hồ Đắc Điềm (nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Hành chính Hà Nội) với anh học sinh nhà nghèo ở làng Bưởi - Nguyễn Văn Thạc.

"Khi đó Thạc học lớp 9, tôi học lớp 8 cùng Trường Yên Hòa B. Thạc là Bí thư Đoàn trường, còn tôi cũng là một trong những học sinh A1 (giỏi toàn diện) của trường.

Năm 15, 16 tuổi tôi có viết một số truyện ngắn và được NXB Kim Đồng in. Thạc để ý đến tôi từ khi đó nhưng cũng để ý thế thôi. Trong trường, Thạc nổi tiếng học giỏi văn, khi biết tin anh đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc năm học 1969 - 1970, chúng tôi phục lăn"...

Đã bao giờ chị tự hỏi anh Thạc thích... rồi yêu chị từ lúc nào chưa?

Hình ảnh về tôi trong cách nhìn nhận của Thạc khi ấy là "một cô bé cao lêu nghêu, có hai cái tóc đuôi gà ngắn cũn cỡn".

Khi ấy tôi cũng là Bí thư chi đoàn và hoạt động Đoàn rất tích cực, vậy mà "chỉ là những cảm giác" mà Thạc "phê" tôi: "Từ trước đến nay mình vẫn suy nghĩ tốt về Như Anh, một cô bạn gái học giỏi, nhiều năng lực, có quyết tâm cao.

Có lúc Như Anh là thần tượng, là mức phấn đấu của bọn mình phải tiến đến. Nhưng bên cạnh đó một ý nghĩ còn ám ảnh mình, cách đối xử của Như Anh đã thật chân thành, thật bình đẳng, thật tình đồng chí chưa. Cách sống của Như Anh đã thật hòa hợp với các bạn chưa... Có lúc Như Anh trong ký ức của mình hiện ra thật giản dị, đáng yêu, đáng quý, nhưng có lúc bạn lại thể hiện những nét chẳng Như Anh chút nào...".

Đó là bức thư đầu tiên Thạc viết cho tôi ngày 8/11/1970, nhưng lá thư đã "rơi" vào tay bố tôi...

Cắt ngang câu chuyện, chị Như Anh khệ nệ bê ra một chiếc cặp đen nặng trĩu để lấy bức thư. Trong một chiếc cặp nhựa màu xanh, chị từ từ rút ra hai tập thư dày cộp ngả màu được cất giữ cẩn thận. Có điều lạ, hai chồng thư của anh Thạc và chị Như Anh lại được viết cùng một kiểu chữ. "Tôi luyện chữ theo anh Thạc đấy!" - chị Như Anh cười giải thích.

Gặp bạn gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc ảnh 2
Phạm Thị Như Anh khi còn con gái

Sau đó điều gì đã xảy ra?

Bình thường bố tôi sẽ xé ngay bức thư hoặc viết thư trả lời thay tôi vì không cho tôi nhận thư con trai, nhưng lần này ông lại cất bức thư.

Đến tháng 12 tôi mới tìm được lá thư, ngày 4/3/1971 tôi viết trả lời anh: "Hôm nay thức học khuya, tôi bỗng nhớ đến Thạc, không có chút gì lãng mạn đâu. Trời mưa, khó mà định nghĩa được mưa xuân, mưa thu hay mưa đông... Cơn mưa quyến rũ tôi đến mức tôi phải mở cửa đi ra đường.

Không còn ai nữa. Mặt hồ đen lặng lẽ và mênh mông. Những cơn gió lạnh se se và những giọt mưa nhớ mong. Một sự nhớ nhung kỳ quặc sau những gì xa xăm, mơ hồ... Thạc ơi, Thạc ở đâu, tôi đắm mình trong những tiếng thầm thì xao động của những câu văn của Thạc trong hai bài văn năm ngoái (bài văn anh Thạc đoạt giải nhất miền Bắc). Thạc viết câu ngắn, nhẹ nhàng, thường buông dấu chấm lửng.

Thạc ơi, phút giây này tôi mới thấy cần Thạc biết chừng nào, dường như chúng ta đã nói chuyện được với nhau nhiều lắm. Tôi khát khao muốn viết lại những cảm xúc của mình. Nhớ đến Thạc và viết cho Thạc là hơn cả... Thạc là người tôi rất cảm phục và rất quý tuy ít gần gũi trong môi trường phổ thông, nhưng tôi ít tìm được một người nào đó tin tưởng và cảm phục như Thạc. Có thể nói là chưa có ai...".

Thạc đã viết câu thơ bên lề bức thư này của tôi: "Trời có mưa không mà mưa mưa, gió gió/Có lẽ nào trăng ở giữa mùa đông".

Trong nhật ký của mình anh Thạc viết "Không biết từ khi nào tôi cảm thấy có trách nhiệm với đời từ cái ngày 9/3", đó có phải là ngày anh nhận được bức thư này của chị không ?

Đúng đấy. Ngay sau đó anh viết một lá thư rất tình cảm: "Nhận được thư của bạn chiều nay, chao ôi cái nắng chạng vạng của buổi chiều cũng run lên... Mình bồi hồi, xao xuyến như gặp một điều gì từ lâu lắm đã nằm sâu trong kỷ niệm ngọt ngào của tâm hồn mình...".

Sau đó Thạc viết thư liên tục cho tôi. Số thư Thạc viết cho tôi cũng bằng cuốn nhật ký của anh.

Trong nhật ký anh Thạc rất nhiều lần nhắc đến màu xanh. Đó có phải là màu anh chị cùng yêu thích?

Anh ví tôi như màu xanh của bầu trời, người ta vừa có thể nhìn thấy được nhưng lại không nắm bắt được. Có bức thư Thạc viết: "Như Anh có biết câu thơ này của Bằng Việt không nhỉ: Mùi hương mật lẫn mùi hương cỏ đắng, bay thì thào trong không gian xanh". Thư của Như Anh chính là không gian xanh ấy...

Như Anh đem lại cho Thạc một điều gì thật ngọt ngào như mùi hương cỏ đắng... Ngoài vòng tay ôm ấp của mẹ, Thạc chưa bao giờ được những vòng tay vỗ về, an ủi của một người con gái...

Biết bao nhiêu người con gái mình đã quen biết nhưng tâm hồn họ chưa có được những sợi tơ tâm hồn thật mảnh khiến Thạc quý trọng. Thư của Như Anh đã bù lại sự trống trải trong tâm hồn mình...".

Tại sao trong cuốn nhật ký, có lúc anh Thạc viết những dòng chữ yêu thương cho Như Anh, khi lại viết cho P...?

Gặp bạn gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc ảnh 3
Nguyễn Văn Thạc (phải) và bạn học

P là Phạm, họ của tôi. Chúng tôi thường phải viết tắt, Thạc hay lấy tên con gái là Lan, Thảo... Thư từ chúng tôi gửi cho nhau qua bạn bè vì sợ gia đình biết.

Trong những bức thư gửi chị, có vẻ như anh Thạc có đôi chút tự ti về hoàn cảnh gia đình?

Trước khi tham gia cách mạng, ông ngoại tôi từng làm Tỉnh trưởng Hà Đông. Gia đình tôi khá giả và phong kiến. Tôi từng nói với anh, tôi rất cảm phục anh. Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông con (Thạc là con thứ 10 trong số 14 anh em), nhưng anh vẫn học rất giỏi. Tôi tự hào được anh yêu và không thấy có khoảng cách nào giữa chúng tôi. Chỉ có anh thấy tự ti và hay buồn bã.

***

Lá thư cuối cùng anh viết cho chị ngày 30/5/1972, nhưng phải chờ đợi đến... 33 năm mới đến tay chị, do một người bạn thân tình cờ mượn cuốn sách có kẹp bức thư của anh gửi qua gia đình cho chị.

Trong thư, anh Thạc viết: "Thạc của Như Anh đang trải qua những ngày gian khổ nhất kể từ khi đi bộ đội đến nay. Hai đêm hành quân suốt đến sáng. Mắc võng vội vàng và ngủ như chết. Nước mưa rừng làm ướt hết võng. Vắt bám chi chít có biết gì đâu...

Thạc đã đến Quảng Trạch, Quảng Bình. Đêm nay qua đường 22 pháo địch thả đỏ cả đất trời mà xe vẫn đi... Thạc đã gặp nhiều bạn cùng lớp đánh ở Quảng Trị bị thương đi xe ra Bắc. Chúng nó gào lên, sao vào chậm thế, chỉ còn ống bơ thôi. Vào giải phóng Huế nhé, làm bọn Thạc cứ nao cả người lên, vừa vui vừa buồn...

Chỉ nay mai thôi Thạc sẽ được vào giải phóng thành phố mơ mộng của Như Anh, được tròng AK trước ngực và gõ cửa ngôi nhà chúng ta chưa hề biết nhưng vô cùng thân thuộc...".

Tháng 9/1973, gia đình sợ chị quá đau buồn chỉ báo tin anh Thạc bị mất tích... Chị vẫn viết thư đều cho anh, những bức thư không bao giờ gửi vì không có địa chỉ.

Ngày dài lê thê và buồn bã trên xứ người, chị vẫn mòn mỏi viết, viết thay cho những dòng nước mắt đã cạn khô vì nhớ anh, viết cho niềm hy vọng một ngày mai anh sẽ trở về trong vòng tay yêu thương khắc khoải của chị: "... Tất cả mọi ý nghĩ cứ cháy trong đầu không nằm, không ngủ được... Chúng ta phải sống, Thạc phải sống.

Cuộc sống đang ở phía trước, tất cả đang chờ đợi chúng ta. Thạc, Như Anh yêu Thạc hơn tất cả mọi thứ trên đời. Thạc là cuộc sống, là hy vọng, là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà cuộc đời trao cho Như Anh...

Không biết đến một lúc nào đó trái tim Như Anh có chứa đựng nổi tình yêu của Như Anh đối với Thạc không... Chưa bao giờ và chưa ai Như Anh yêu đến thế... Yêu Thạc hết cả cuộc đời này không đủ. Yêu Thạc, yêu anh bộ đội, yêu dũng sĩ đâm lê dịu dàng của em...".

MỚI - NÓNG