Gặp chị 'Năm khùng' ngoài đời

Gặp chị 'Năm khùng' ngoài đời
TP - Mới đây, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Phụ, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng Không - Không quân có gọi điện cho tôi nói về chuyện chị Năm Nghĩa giúp ông tìm được hài cốt 2 người cậu liệt sĩ, mà gia đình ông đã hàng chục năm qua đã đi tìm nhưng vẫn không thấy.

Thiếu tướng nói: “Cậu nên tìm hiểu và viết việc chị Năm Nghĩa đi tìm hài cốt liệt sĩ, chị ấy giúp người nhưng không đòi hỏi điều gì, mà cũng chẳng được hưởng chế độ gì đâu…”.

Theo lời ông, tôi để tâm tìm cách gặp chị Năm Nghĩa, nghe bảo chị ở xa tận Bà Rịa-Vũng Tàu, lại rất bận công việc…

Thật tình cờ, tôi đến nhà chị Trương Thị Nở, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em tàn tật TP Hồ Chí Minh chơi, thì gặp chị Năm Nghĩa ở đó.

Nghe chị Nở giới thiệu, tôi ngỡ ngàng trước thân hình gầy gò, nước da đen nhẻm, khuôn mặt đầy nếp nhăn và mái tóc pha sương của chị. Chị ăn mặc giản dị trong bộ quân phục bạc mầu, trên vai khoác chiếc khăn rằn.

Chị Vũ Thị Minh Nghĩa sinh năm 1952, ở xã Thái Sơn, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị tình nguyện lên đường tòng quân.

Chị được đi học y tá ba tháng, sau đó được điều về trạm quân y Sư đoàn 5, chiến đấu ở Đức Huệ, Long An. Những năm tháng đánh Mỹ đầy cam go, khốc liệt.

Tại trạm quân y, chị đã bao lần phải cùng anh em đi chôn xác đồng đội. Mỗi lần như vậy, chị lại ngồi hàng giờ bên mộ các anh khóc ròng.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, chị Năm Nghĩa được điều chuyển về Đoàn An điều dưỡng 251 ở Hải Hưng. Đến năm 1978, cựu chiến binh  Vũ Thị Minh Nghĩa chuyển ngành  về đại học y Thái Bình.

Năm 1992, chị về nghỉ  do yếu sức khỏe. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng êm đềm trôi qua với hạnh phúc bên chồng và 3 con yêu quí. Một thời gian, chị mắc bệnh đau đầu kinh niên, mà không rõ nguyên nhân.

Thời gian này, chị tự nhiên rất nhớ về đơn vị cũ, về những trận đánh, về những đồng đội đã hy sinh, về những cánh rừng già… Mọi người tưởng chị bị điên, từ đấy chị có biệt danh “Năm Khùng”.

Chị quyết định ra đi với hành trang của một người lính, với những mét nilon để gói hài cốt đồng đội, với 5 kg mì sợi, 5 kg gạo để sống trong rừng hàng tháng trời.

Nơi chị trở về là những cánh rừng sông Bé, Chiến khu D, Trị An, năm xưa. Hết gạo, hết mì chị phải đào củ mài, ăn lá tàu bay, tranh với khỉ từng quả trái trên cây cao.

Khi màn đêm xuống, chị mắc võng vào hai thân cây ngủ. Trong rừng mối nguy hiểm luôn đe dọa từ rắn rết, các loài thú dữ. Nhưng chị vẫn không cảm thấy cô đơn.

Chị Nghĩa tâm sự: “Năm 1996, tôi tình nguyện trở lại chiến trường để tìm hài cốt của đồng đội. Đói, rét, một mình sống trong rừng, có lúc cơm chẳng có mà ăn. Có lúc tôi tưởng không thể vượt qua. Có ngày tôi đào được 15 hài cốt liệt sĩ, có lúc 20 liệt sĩ. Lần nhiều nhất là 7 ngày tôi đào được 54 hài cốt.

Tôi tìm một cái hang, để quy tập hài cốt các đồng đội vào đó. Lúc được vài trăm bộ hài cốt, tôi tìm cách chuyển ra ngoài. Có lúc thì đeo ba lô đằng trước, đằng sau để mang ra, có lúc bó lại từng bó để gánh.

Qua suối sâu, tôi phải đội từng đội lên đầu để các đồng chí khỏi ướt. Khi lấy xương các đồng chí, tôi cuốc lớp đất cứng trên mặt, rồi lấy tay bới đất mềm ở dưới, vì sợ dùng cuốc chạm vào xương các đồng chí sẽ thêm đau đớn”.

Chị thuê một gian phòng nhỏ ở bìa rừng, chứa hài cốt liệt sĩ. Nhưng nhiều người chưa hiểu việc làm của chị, gây khó khăn. Song trước tấm lòng nhân ái, tận tuỵ hết lòng vì đồng đội, dần dần mọi người hiểu và quí trọng chị.

Bản thân gia đình chị có 5 anh em, 2 người anh của chị đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Chị lặn lội tìm ra Phú Quốc, nơi anh mình xưa kia chiến đấu, tự tay đi tìm được hài cốt của anh đưa về quê hương.

Hết lòng đi tìm liệt sĩ

Cặm cụi trong rừng tìm được hài cốt liệt sĩ, phân biệt được họ tên quê quán, chị lại làm thư báo về cho các gia đình đến nhận. Chị đã đem lại niềm vui cho nhiều người.

Bà Nguyễn Thị Năm ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi vui mừng nói: “Nhờ chị Năm Nghĩa tôi tìm được hài cốt của ông ấy, đưa từ rừng về nghĩa trang liệt sĩ để ông ấy được nằm cùng với các đồng đội, đồng chí. Từ nay ông ấy không còn cô quạnh nữa…”.

Còn anh Nguyễn Văn Thành ở Củ Chi sau hơn 30 năm lặn lội đi tìm hài cốt của cha mà không thấy, gặp được chị Năm Nghĩa chỉ đường anh đã đưa được hài cốt của cha về.

Anh tâm sự: - Bao nhiêu đêm tôi trằn trọc không ngủ được vì nhớ tới ông già còn nằm đâu đó lạnh lẽo. Cũng may nhờ cô Năm Nghĩa chỉ giúp, cho nên tôi được đoàn tụ với cha tôi. Từ nay tôi đã có điểm tựa tinh thần để vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống.

Năm 2003, chị Năm Nghĩa ra giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tìm được rất nhiều hài cốt liệt sĩ. Thấy điều kiện sống của chị hết sức khó khăn, lãnh đạo tỉnh đã quyết định cấp cho chị một miếng đất. 4 công ty xây dựng: Đông Nam, Đại Việt, Thái Dương và An Nam đã giúp chị xây dựng ngôi nhà tình nghĩa.

Chị vừa sống ở đây vừa giành một gian lớn để thờ các liệt sĩ. Nhà của chị nằm trên trục QL 56 Bà Rịa - Long Khánh. Chị Năm Nghĩa thường làm việc vào các ngày 7 và 17 âm lịch, thường thì ngày 6 và 16 mọi người liên hệ trước để đến gặp (vì ngày thường chị hay đi tìm mộ các liệt sỹ còn nằm trong rừng...).

Mới đây nhất, ngày 26/9 (ngày 16 âm lịch), chúng tôi đã đến thăm chị tại căn nhà tình nghĩa này. Trong gian thờ, chị để những tủ kính lưu giữ các kỷ vật liệt sĩ, mà chị đã tìm thấy: những chiếc bi đông đựng nước bị gỉ sét, những tấm ảnh còn dính máu, những băng đạn bắn nửa chừng và có cả những trang nhật ký của những người ngã xuống.

Chúng tôi xúc động trước quyển nhật ký chiến trường của liệt sĩ Bùi Văn Rung, nguyên trợ lý tuyên huấn trung đoàn 270 QK5, thông tin viên báo Quân đội nhân dân, báo Quân Khu 5.

Mở đầu trang nhật ký chiến trường, vào ngày 4/3/1974, anh viết: “Chiến đấu - nhiệm vụ nặng nề và cao cả hơn hết. Chào tất cả làng xóm quê hương, nơi ta đã sống đã lớn lên và nơi sinh ra ta. Chào tất cả mẹ chiến sĩ đang gửi gắm niềm tin vào con bằng cả khoé mắt. Sẽ trở lại! Chúng con sẽ có ngày trở lại”.

Anh Rung đã hy sinh ngày 19/9/1974 tại Ba Tơ, Quảng Ngãi, và anh nằm tại cánh rừng già hơn 30 năm, ước nguyện trở về quê hương của anh mãi đến gần đây nhờ chị Năm Nghĩa mới thực hiện được.

Chúng tôi được chứng kiến rất đông các gia đình liệt sĩ đợi chờ đến lượt nhờ chị Năm Nghĩa giúp đỡ. Họ đa phần từ các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ… vào hoặc từ các thành phố Hồ Chí Minh lên. Có mấy gia đình ở Thái Bình thuê cả ô tô vào đi tìm mộ.

Trong buổi sáng, chúng tôi được chứng kiến anh Khương Minh Phú nhà ở Đồng Nai đi tìm cha mình là Khương Thành Triệu, nguyên là tiểu đội trưởng hy sinh tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Chị Năm Nghĩa đã chỉ bảo kỹ lưỡng ngôi mộ của bố anh đang ở đâu. Thế là cả nhà anh, vội vàng lên đường ngay, không kịp ăn uống gì. Khoảng 3 giờ chiều, gia đình anh đã tìm được ngôi mộ của bố nằm cạnh một ngôi mộ có cây dừa cạn…

Còn đồng chí Võ Dũng, phóng viên báo Quân đội nhân dân đi cùng đoàn lên chỉ mong tìm được mộ ông nội (hy sinh 1946), đã được chị chỉ tường tận trong nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi, tên của ông nội đồng chí Dũng còn được khắc trong đền Bến Dược.

Chúng tôi còn được nghe chị kể về việc ông Võ Văn Hoa (ông nội đồng chí Dũng), một chiến sĩ cộng sản kiên cường đã bị giặc giết chết như thế nào. Thật là bất ngờ, vì đã hơn 50 năm qua, gia đình đồng chí Dũng đã đi tìm nhiều nơi mà không biết mộ ông nội nằm đâu.

Nghĩa trang Củ Chi là nơi đồng chí Dũng thường xuyên lui tới viết bài trong những dịp thương binh liệt sĩ 27/7.

Những mong ước

…Trong các nghĩa trang liệt sĩ hiện nay có rất nhiều mộ liệt sĩ chưa có danh tính, như nghĩa trang Củ Chi còn  hơn 300 nấm mộ liệt sĩ chưa có tên, nghĩa trang Cầu Xe, Trảng Bàng, Tây Ninh còn 468 liệt sĩ được gọi là “tên anh đã gắn liền tên đất nước”,... Thật xót xa, khi bao nhiêu người con chưa được khắc tên cha, tên mẹ   trên những bia mộ kia.

Thật khó giải thích mối giao cảm giữa chị Năm Nghĩa và những người chiến sĩ đã hy sinh, chỉ có thể hiểu được tấm lòng của một người lính, tấm lòng của người đã trải qua sự khốc liệt của cuộc chiến tranh và trở về vẹn nguyên luôn canh cánh hướng về bao đồng đội còn nằm lại đâu đó nơi chiến trường xưa.

Có lẽ chẳng ở đâu tập trung được nhiều di ảnh liệt sĩ khắp mọi miền đất nước như ở gian thờ này. Nếu như có một thế giới tâm linh, thì gian thờ nhỏ bé này là nơi ấm cúng cho những hương hồn liệt sĩ, những chiến sĩ trẻ mãi ở tuổi 20 và sẽ mãi sống trong lòng dân tộc. Chị tâm sự:

- Mong làm sao các đồng chí được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình, có một nấm mồ để cho người thân có nén hương lòng thành trong những ngày lễ tết, ấm lòng người nơi chín suối.  Nhiều đồng chí trên 30 năm, 40 năm, thậm chí 50 năm mới được trở về gia đình, đó là niềm vui nhất của tôi.

Việc làm mà chị Nghĩa cho là bình thường, nhỏ nhoi ấy đã đem đến cho nhiều gia đình liệt sĩ hạnh phúc lớn lao. Anh Đỗ  Văn Đức ở xã Hòa Long thị xã Bà Rịa, lộ rõ niềm vui: “Gia đình tôi nhờ cô Năm Nghĩa tìm được 4 hài cốt: một là anh vợ, vừa là bạn cùng học phổ thông với tôi, vừa là đồng đội chiến đấu năm xưa; một là anh con cậu và hai hài cốt  các anh con ông bác ruột. Trước đây bao lần gia đình tôi đã cất công đi tìm khắp nghĩa trang miền Đông Nam Bộ, nhưng rồi biệt vô tăm tín".

Hồ sơ thân nhân liệt sĩ  cứ ngày càng dầy lên, đã có hàng ngàn hồ sơ chị tìm thấy mộ và còn rất nhiều hồ sơ khác đang chờ đến lượt. Cuộc hành trình đi tìm mộ liệt sĩ còn rất dài, còn không ít gian truân, nhưng chị đã nguyện gắn cuộc đời mình với liệt sĩ, chị cũng chỉ cầu mong sao, đủ sức khỏe, đủ ý chí. 

Còn chúng tôi mong sẽ có những mạnh thường quân hảo tâm giúp đỡ chị một chút kinh phí để cho chị phương tiện  hoạt động trên mọi nẻo đường của Tổ quốc.

Ngôi nhà nhỏ của chị Năm Nghĩa trong vườn thoáng mát, đã trở thành nơi hội tụ đầy tình nghĩa. Cứ chiều đến, chim từ đâu bay về rợp trời, ríu rít trên những cây cau, cây nhãn. Chúng tôi mong rằng, có đơn vị nào đó tài trợ cho chị xây một ngôi đền, để là nơi thờ tự và lưu giữ các kỷ vật của liệt sĩ.

Mong Cục Chính sách Bộ Quốc phòng tạo điều kiện cho chị và phối hợp với chị trong việc tìm hài cốt, cũng như  xác định danh tính các liệt sĩ còn “vô danh” trong các nghĩa trang. Việc làm của chị đã được Hội đồng Trung ương.

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA tặng nhiều bằng giấy khen, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương cũng đã tặng chị Bằng khen vì đã có thành tích quy tập nhiều mộ liệt sĩ cho địa phương.

Tuy nhiên, vẫn mong rằng những đóng góp của chị Năm Nghĩa, một cựu chiến binh với việc đi tìm hài cốt liệt sĩ hơn 10 năm qua, sẽ được tiếp tục ghi nhận, có những phần thưởng xứng đáng hơn.

MỚI - NÓNG