Gặp người đầu tiên trả biệt thự

Gặp người đầu tiên trả biệt thự
TP - Trong khi Hà Nội đang lên cơn “sốt đất, sốt nhà”, thì bà Thục Trinh – vợ của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng lại tình nguyện trả biệt thự to đẹp (số 5 – Thiền Quang)...

Loạt bài về vấn đề quản lý, sử dụng nhà công đăng tải trên báo Tiền phong thời gian gần đây được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.

Gặp người đầu tiên trả biệt thự ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (ngoài cùng bên trái) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây ngày 16/2/1969

Tòa soạn tiếp tục nhận được rất nhiều thông tin do bạn đọc cung cấp liên quan đến vấn đề này, trong đó có thông tin về việc gia đình cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng trả lại biệt thự cho Nhà nước cách đây 13 năm.

Sau khi tìm hiểu, báo Tiền phong được biết thời gian đó, nhà báo Trương Thị Kim Dung đã có bài viết về vấn đề này.

Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin đăng nguyên văn bài viết của chị nhằm nêu một tấm gương liêm khiết để mọi người noi theo:

Trong khi Hà Nội đang lên cơn “sốt đất, sốt nhà”, nhiều gia đình, cơ quan đã tranh thủ lấn chiếm, cơi nới thêm diện tích và buôn bán bất hợp pháp nhằm kiếm lợi thì bà Thục Trinh – vợ của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng lại tình nguyện trả biệt thự to đẹp (số 5 – Thiền Quang).

Điều ấy gây xôn xao dư luận. Ngạc nhiên xen lẫn tò mò, tôi đã đến gặp “người phụ nữ khác thường” để rõ thực hư.

Nghe nói bà là người đầu tiên ở Hà Nội trả biệt thự?

Đúng thế! Không chỉ là người đầu tiên trả mà còn là người đầu tiên đề đạt chuyện này từ hơn chục năm. Năm 1979, sau khi anh Nguyễn Lương Bằng mất, tôi viết thư gửi Tổng bí thư Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ xin trả biệt thự để Nhà nước sử dụng.

Khoảng 20 ngày sau, các đồng chí lãnh đạo cao cấp đã trả lời: “Chị và các cháu cứ ở biệt thự như lúc anh Nguyễn Lương Bằng còn sống, yên tâm, đừng băn khoăn nghĩ ngợi gì nữa.

Vì những công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước quyết định biệt thự số 5 Thiền Quang là nhà lưu niệm Nguyễn Lương Bằng và phố Nam Đồng đổi tên thành phố Nguyễn Lương Bằng”.

Tôi rất cảm động vì sự quan tâm và đánh giá chí nghĩa chí tình đó nhưng một lần nữa tôi lại đề nghị Đảng, Nhà nước chấp nhận nguyện vọng của mẹ con chúng tôi: Không nên đặt tên đường phố Nguyễn Lương Bằng vì có thể làm cho bưu tá và mọi người tìm địa chỉ khó khăn hơn là giữ nguyên tên phố cũ. Còn nhà lưu niệm thì chỉ cần gắn bảng nhỏ trước cổng là được.

Vậy rồi ra sao ạ?

(Cười buồn). Không một yêu cầu nào của mẹ con chúng tôi được thực hiện.

Ưu tiên, đãi ngộ đó quá đáng chăng?

Bà Thục Trinh nghẹn ngào lau nước mắt khiến tôi vô cùng bàng hoàng, kính nể trước tâm hồn thanh khiết không tham danh vọng tiền tài.

Thưa bà, những chiến sĩ một lòng vì nước, vì dân như ông Nguyễn Lương Bằng được cấp phát nhà cửa đàng hoàng hơn cũng chưa xứng đáng nếu so với cống hiến của họ. Bà có thể cho biết lý do  gì và suy nghĩ của mình về vấn đề trả biệt thự?

- Đất nước còn đang khó khăn, thiếu thốn, mỗi công dân phải có bổn phận gánh  vác, chia sẻ. Biệt thự số 5 Thiền Quang cho nước ngoài thuê mỗi năm Nhà nước thu lãi hơn tỷ đồng. Số tiền đó có thể dùng vào việc xây dựng hoặc các chương trình nhân đạo khác.

Tôi nghĩ chồng tôi còn sống chắc cũng tán thành ý kiến trả biệt thự. Ông ấy vốn là người trung hậu, liêm khiết đến mức lý tưởng. Mẹ con chúng tôi suốt đời theo gương: “Làm thì nhìn lên. Hưởng thụ thì nhìn xuống”, điều mà ông Nguyễn Lương Bằng thường tự nhủ.

Những kỷ niệm lại hiện về như nước lũ. Bà Thục Trinh kể:

- Những năm (1940 – 1944), khi nhận nhiệm vụ gây quỹ cho Đảng hoạt động, ông đã phải làm đủ nghề kể cả kéo xe mật mía từ Hà Đông ra Hà Nội bán được một món tiền, song hai người chỉ dám ăn 2 xu  khoai, 1 xu nước uống. Nhờ sự giúp đỡ của quần chúng và tiết kiệm như thế mà trong một thời gian đã mua cho Đảng chín ngôi nhà (biệt thự số 5 Thiền Quang là một).

Biệt thự số 5 Thiền Quang phải nhờ ông bà chủ hiệu thuốc lào Giang Ký đứng tên trước bạ tránh sự theo dõi của mật thám Pháp. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông bà Giang Ký vẫn bám trụ tại Thủ đô giữ gìn nguyên vẹn tài sản ngôi nhà.

Hòa bình lập lại, ông bà Giang Ký đã mang toàn bộ tiền, biên lai thuê và giấy tờ trước bạ của biệt thự giao cho Đảng, Nhà nước. Hành động cao cả của ông bà Giang Ký thật đáng  học tập. Họ đã sống thanh bạch như thế đấy.

Bà Thục Trinh trầm tư:

- Tôi mong sao những đóng góp của mọi công dân không bao giờ bị biến thành những trận bia xả láng, những tiệc tùng phù phiếm xa hoa hay chui vào túi riêng của bất cứ ai.

Nếu Đảng – Nhà nước xóa sạch tệ tham nhũng và có chính sách hợp lý đối với đời sống công dân thì tôi tin chắc nước ta sẽ thoát được những tình thế hiểm nghèo hiện nay, đưa cộng đồng tới tương lai phồn vinh, lấy lại lòng tin cho mọi người.

Tác giả bài báo - nhà báo Trương Kim Dung:

Cá nhân tôi vô cùng khâm phục

Chị tiếp cận và viết bài báo này trong hoàn cảnh nào?

Trước đây tôi đã được biết gia đình bác Nguyễn Lương Bằng vì tôi học cùng khóa với chị Tường Vân, con gái lớn của bác. Việc mẹ trả lại ngôi biệt thự, chị Vân giấu không nói, nhưng tôi biết tin này qua một số người hàng xóm.

 Hôm đến gặp bác Thục Trinh để hỏi chuyện, bác đã kể tôi nghe một chi tiết rất cảm động:  Khi ông Nguyễn Lương Bằng còn làm Phó Chủ tịch nước, về thăm quê (xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Con đường làng vốn là đường sống trâu, rất lầy lội.

Địa phương nhờ ông xin giúp cho làm đường mới, nhưng ông trả lời bây giờ ông đã là người của Nhà nước, không còn là người của làng nữa, việc công cứ phải theo phép công mà làm...

Dư luận bấy giờ xung quanh việc trả biệt thự của gia đình cố Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng như thế nào ?

Nhân dân rất hoan nghênh. Nhiều người ca ngợi, nhưng phải nói thật cũng có ý kiến cho là gàn dở: “Ở cho sướng, trả lại làm gì”. Cá nhân tôi thì vô cùng khâm phục vì đến nhà, tôi tận mắt thấy gia cảnh rất nghèo. Đồ đạc trong nhà đều cũ kỹ, chẳng có một thứ gì đáng giá.

Bác gái giữ tôi lại ăn trưa, cơm rau muối, rất đạm bạc. Người sống liêm khiết cũng có cái khổ. Cô con gái út tốt nghiệp ĐH Ngoại giao 2 năm rồi nhưng vẫn chưa xin được công ăn việc làm. Hai mẹ con phải sống bằng lương hưu khá eo hẹp của bác gái.

Thế nhưng bác vẫn nhận thức rằng “đất nước còn đang khó khăn, mỗi công dân phải có bổn phận gánh vác, chia sẻ. Biệt thự này cho nước ngoài thuê, mỗi năm Nhà nước có thể thu về hàng tỷ đồng...”. Và quan trọng hơn là tất cả các thành viên của gia đình đều thống nhất như thế.

Bác Trinh nói đại ý: Ngày xưa đi làm cách mạng, có tính toán gì với Nhà nước đâu. Nay ông nhà tôi không làm việc nữa thì tôi trả lại nhà cho Nhà nước. Mong rằng những người vì việc công đến đây ở, sau này rời khỏi chức vụ thì tiếp tục trả lại nhà này cho người khác sử dụng. 

MỚI - NÓNG