Gặp người hơn 20 năm vớt xác trên sông Hồng

Gặp người hơn 20 năm vớt xác trên sông Hồng
Gần thế kỷ qua, ở điểm có hàng trăm xác chết trôi dạt về trên sông Hồng vẫn có một người ngày ngày âm thầm đứng ra “cứu vớt”…

Gặp người hơn 20 năm vớt xác trên sông Hồng

> Người 30 năm vớt xác chết trên sông Hồng
> 'Hiệp sỹ' sông Lô

Gần thế kỷ qua, ở điểm có hàng trăm xác chết trôi dạt về trên sông Hồng vẫn có một người ngày ngày âm thầm đứng ra “cứu vớt”…

Gần thế kỷ qua, ở điểm “hứng xác” trên sông Hồng thuộc địa phận xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có hàng trăm xác chết trôi dạt từ nơi khác về đều được Ông Hoàng Văn Qúy đứng ra “cứu vớt” và lo chôn cất, hương khói chu toàn…

Chân dung ông Hoàng Văn Quý
Chân dung ông Hoàng Văn Quý.

“Dị nhân” với hơn 20 năm vớt xác…

Với 50 năm "ăn cơm trần làm việc âm", ông Qúy nhà ở thôn Việt Thắng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà được mọi người dân xa gần biết đến là “lão nông chuyên đi làm việc thiện, giúp đời”.

Nhà ông Qúy cách khúc sông Hồng khoảng 2km nhưng mỗi khi được người dân báo tin cho biết vừa mới phát hiện ra xác chết tại bãi Nổi thì dù bận mấy chăng nữa ông cũng tức tốc ra ngay để “xắn tay” xuống mò. Đối với ông, việc làm đó coi như một “sứ mệnh” đặc biệt.

Do đặc thù riêng của sông nước nên khúc sông Hồng chảy qua địa phận xã Hồng An đã tạo thành những vòng xoáy luẩn quẩn, khiến mỗi năm nơi đây hứng nhận rất nhiều thi thể của các nạn nhân xấu số. Những xác chết đó chủ yếu ở nơi đầu nguồn trôi dạt về bị mắc kẹt, đều chết bởi giết hại phi tang hay quyên sinh.

Theo chân ông Quý, chúng tôi ra bãi nổi Sông Hồng, nơi ông đã chôn cất, lo hương khói chu toàn cho số phận những con người chết thảm. Tại đây, có rất nhiều nấm mộ kề cạnh nhau, nay cỏ đã mọc xanh rờn. Thắp vội nén nhang thơm, ông Quý đứng lặng người tâm sự: “Đây toàn là những mộ được chính tay tôi chôn cất. Mỗi lần ra đây tôi lại cầu mong cho họ sớm được về với gia đình của mình. Cũng là kiếp người sao chịu cay đắng thế. Ở bãi Nổi này, tôi muốn nhớ rõ cũng không được vì quá nhiều rồi, đã có hàng trăm nạn nhân phải chết lạnh lẽo nằm xuống nơi đất khách quê người, mà người thân họ chưa biết để đến tìm ”.

Những xác chết vô danh sau khi được cơ quan chức năng khám nghiệm xong sẽ bàn giao lại để ông Quý chôn cất
Những xác chết vô danh sau khi được cơ quan chức năng khám nghiệm xong sẽ bàn giao lại để ông Quý chôn cất.

Con đường đất gồ ghề, ngoằn nghèo, sâu hun hút dẫn chúng tôi tìm đến những nấm mộ mới chôn cất. Ông lão (Ông Qúy – PV) chỉ tay ra một nấm mộ mới an táng rồi bảo: “Nấm mộ vô danh này là của một thiếu nữ chết trẻ, khoảng 18 – 22 tuổi, lúc vớt lên trên người cô gái đó có mặc chiếc áo sơ mi kẻ, quần màu ghi nhạt được phát hiện vào đầu tháng 5. Sau khi khám nghiệm tử thi xong, lực lượng chức năng cùng chính quyền xã bàn giao lại cho tôi chôn cất. Nghĩ thật tội nghiệp, xót xa...”

Bước sang tuổi ngoài 60, với kinh nghiệm 50 năm bốc mộ. Đôi mắt của ông bao giờ cũng tinh tường, rõ ràng, đặc biệt trong việc tìm kiếm xác chết. Ông vẫn nhớ như in trường hợp gần đây nhất, lúc đi làm đồng về ông cùng một số người dân xã Hồng An ngửi thấy mùi thối bốc nồng nặc. Ông đoán ra ngay đó là mùi xác chết. Ngay lập tức, ông hô hào mọi người cùng tìm kiếm và phát hiện một thi thể nam giới không rõ tên tuổi, đang chết nổi, dạt vào bờ trong tình trạng phân hủy.

Cái chết của nam thanh niên này may mắn hơn nhiều nạn nhân khác. Lúc đó, ông chợt nhớ mình đã xin được số điện thoại của phóng viên. Nghĩ vậy, ông liền chạy bộ về nhà để kịp báo tin. Và chỉ trong thời gian ngắn vụ việc được báo chí đăng tải, người nhà của nạn nhân ở Quốc Oai, Hà Tây đã đọc thông tin qua mạng biết được đã tìm đến hiện trường nhận dạng ra người thân của mình và xin đưa về quê mai táng.

Mỗi lần như vậy, khi có chút thông tin manh mối nhỏ nhoi ông lại tìm mọi cách để liên lạc với người nhà của nạn nhân để đến đón nhận. Từ thông tin ông cung cấp, nhiều gia đình nạn nhân sau khi đến đưa thi thể con em của mình, họ đều hậu tạ rất hậu hĩnh nhưng ông vẫn cương quyết từ chối, không tơ hào của cải.

Vẫn câu nói ấy, ông bảo: “Hơn 20 năm vớt xác trên sông Hồng, công việc đó tôi nên làm, gắn bó. Tôi luôn quan niệm mình sống là phải làm phúc, tích đức cho con cháu sau này chứ không phải vì vật chất. Ở đời, mỗi người có một cái danh, cái phận nhưng khi chết đi rồi họ đều đáng thương giống nhau cả. Những nạn nhân không may mắn phải chết đau đớn, tủi nhục, dạt về nơi viễn xứ như vậy thì mình đứng ra lo liệu, giúp linh hồn họ được an ủi, thanh thản dưới suối vàng”.

Ông Quý chỉ cho PV điểm
Ông Quý chỉ cho PV điểm "hứng xác" trên sông Hồng.

Những ký ức vẹn nguyên về “nghiệp”

Ông Quý sinh ra và lớn lên tại vùng đất quê hương Hưng Hà. Nghề chính của ông là bốc mộ. Năm 14 tuổi, ông lên Hải Phòng kiếm cơm thật may mắn gặp được một người Hoa Kiều chuyên đi tắm rửa xương cho người đã khuất nhận ông làm con nuôi, rồi truyền nghề lại cho. Kể từ đó cái tên thường gọi “Quý cõi âm” gắn liền với cuộc hành trình làm phúc của ông.

Trở về quê, nhờ đôi bàn tay làm việc có tâm nên ông Qúy được mọi người xa gần biết đến, tin tưởng nhờ giúp. Cứ hễ nhà nào sang cát đều đến tìm. Lắm đêm một mình ông phải sang cát gần cả chục ngôi. Công việc ông chỉ bớt vất vả hơn từ khi lấy được bà Vũ Thị Huệ về làm vợ. Bà Huệ, hiểu cái tâm, cái đức của chồng mình đang làm nên cũng tham gia đỡ đần ông trong công việc này, kể cả chuyện vớt xác.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà cấp 4 xây cất khang trang, bà Huệ tâm sự về những ký ức không quên của đời mình với lần đầu tiên tham gia cùng chồng vớt xác trên sông Hồng. Đó là vào năm 1994, bà cùng ông đi vớt một nạn nhân nữ khoảng 30 tuổi, không rõ danh tính. Hai vợ chồng ông bà vật lộn mãi mới kéo được thi thể này đem lên bờ. Người phụ nữ rất to béo, được nhận định chết khoảng gần 3 tháng. Do bị bán âm, bán dương lâu ngày lên xác phân hủy mạnh: “Khi ấy đi vội quá, chúng tôi không đem theo gang tay nên lúc kéo xác lên thịt bị vỡ ra, bám từng miếng dính cả vào tay. Chôn cất xong đó, tối về dù đã tắm rửa, khử khí nhưng mùi tử thi vẫn còn ám ảnh khiến hai vợ chồng phải bỏ cơm mất nhiều ngày, đang khỏe mạnh bỗng phát ốm. Con cái thấy thế cũng phát hoảng ” – Bà Huệ nhớ lại.

Rồi cũng trường hợp nữa khiến bà không quên: “Vào năm 2008, vớt được người đàn ông khác nữa khoảng 25 tuổi. Lúc chết mặc quần kẻ ka rô, áo trắng trong người có 5 lai vàng trái tim. Nạn nhân được hai vợ chồng chúng tôi mang chôn cất theo cùng số vàng. Những ngày lễ tết vẫn hương khói đều đặn cho những linh hồn xấu số ấy, nhiều ngôi cũng đã được sang cát chu toàn cả”.

Đến nay, tại bãi Nổi sông Hồng đã trở thành “nghĩa địa” chôn cất cho những nạn nhân xấu số. Cụ Trần Minh Thành ngoài 80 tuổi, một cao niên trong làng cho hay: “Từ lâu lắm rồi, ngày tôi còn bé đã được tận mắt chứng kiến xem họ vớt những xác chết: trẻ có, già có trôi dạt về địa phương này. Ở đấy phần lớn những cái chết đều bị oan khúc nên linh thiêng lắm. Vì vậy Bãi Nổi hay còn tên gọi khác nữa là “bãi thiêng”, trẻ con trong xã ai cũng khiếp không dám lại gần chơi. Trước kia, chưa có vợ chồng ông Qúy đứng ra nhận làm phúc, những xác chết được chôn cất sơ sài thì đến nay họ đã được mồ yên mả đẹp”.

Theo Bùi Thanh Tuyển
VOV

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG