Gặp người nông dân chế tạo máy diệt rầy nâu

Gặp người nông dân chế tạo máy diệt rầy nâu
TP - Từ Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu, Tây Ninh), hỏi thăm nhà ông Thắng “chế máy diệt rầy” mấy anh xe ôm nhanh nhảu: “Nhà ông ấy cách đây chừng 5 km, ai mà không biết!”.
Gặp người nông dân chế tạo máy diệt rầy nâu ảnh 1
Ông Lâm Văn Thắng (áo sẫm) và anh Trần Quốc Trung bên chiếc máy diệt rầy nâu     

Nông dân thành giảng viên

Người nông dân ham mê sáng tạo ấy là  Lâm Văn Thắng, sinh năm 1950, ngụ tại ấp Tân Lập, xã Tân Thuận, huyện Bến Cầu -Tây Ninh. Với dáng người nhỏ thó, miệng cười khá tươi, lão nông “sát thủ rầy nâu” phân bua:

“Các chú thông cảm, liên tục cả tuần nay đêm nào tôi cũng mở máy, rầy nâu và bọ cánh cứng chết nhiều quá, chôn không xuể nên có mùi...thúi. Mỗi đêm tôi “thu” được cả thúng rầy đó!”.

Ông Thắng kể tiếp:“Tôi học hết đệ nhị (tương đương lớp 11 bây giờ) rồi quay về làm nông dân thứ thiệt, hàng ngày nấu cơm giúp bà “cán bộ xã” (vợ ông là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã)”.

Ông Thắng có 4 con, con út hiện là kỹ sư bảo vệ thực vật. Là nông dân thực thụ nhưng ông thường nghĩ cách làm thế nào để bảo vệ mùa màng hiệu quả nhất, giá rẻ nhất.

Năm 1991, ông được chọn đi học lớp bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức. Lớp có 36 người có trình  độ trung cấp, 14 kỹ sư và 3 nông dân.

Kết thúc khóa học, ông Thắng đạt kết quả cao nhất. Liên tục 3 năm sau đó,  ông được chọn làm giáo viên giảng về bảo vệ thực vật (do FAO tài trợ).

“Nhưng nói thật, mình cũng vẫn phải diệt sâu rầy bằng cách vác bình đi phun thuốc (cười). Tôi đã từng có nhiều sáng chế như cày đẩy bằng tay, máy sấy thuốc lá… nhưng vẫn tức là chưa làm cách nào diệt được lũ côn trùng phá hại mùa màng.

Tình cờ một lần thấy máy diệt muỗi (vợt bắt muỗi của Trung Quốc) trên thị trường, tôi liền nảy ra ý định làm một cái máy “thu” côn trùng hại lúa. Tôi sực nhớ đến cháu Trần Quốc Trung (em ruột “Hai lúa” Trần Quốc Hải - người chế tạo máy bay trực thăng tại Tây Ninh – Trung gọi ông Thắng bằng chú- PV) để nhờ lo phần điện. Hai chú cháu bàn bạc và quyết định sẽ làm cho bằng được”- Ông Thắng tâm sự.

Gặp người nông dân chế tạo máy diệt rầy nâu ảnh 2
Ông “Hai lúa” Lâm Văn Thắng (áo sẫm) và anh Trần Quốc Trung bên máy diệt rầy nâu

Máy diệt rầy: Giá rẻ, hiệu quả cao

Trong bức thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề ngày 26/10/2006, ông Thắng viết:  “Qua thông tin đại chúng những ngày gần đây về dịch rầy nâu gây tác hại trên những đồng lúa, làm ảnh hưởng 10% diện tích, khả năng thất thu trên 2,5 triệu tấn lúa…

Tôi là nông dân say mê sáng tạo khoa học, phục vụ cho nông nghiệp, đã từng chế tạo thành công “thiết bị cấp nhiệt cho lò sấy thuốc lá bằng than tổ ong” đạt giải 3 Hội thi Khoa học tỉnh Tây Ninh năm 2001 và giải khuyến khích của Hội thi Nông dân sáng tạo khoa học của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Vào ngày 20/6, tôi đã sáng chế thành công lưới diệt rầy nâu, muỗi bướm và côn trùng. Đã được thực nghiệm trên những đồng ruộng tại ấp Tân Lập và thông báo cho các ngành liên quan trong tỉnh.

Báo và Đài Phát thanh truyền hình Tây Ninh đã phát, nhưng thông tin loan chậm, cho đến nay chưa phát huy tác dụng rộng rãi. Tôi là nông dân nghèo, không có điều kiện để phát huy nhanh công trình này.

Nay tôi viết thư này kính trình Thủ tướng xem xét, mong lãnh đạo quốc gia quan tâm tới công trình này nhằm bảo đảm an ninh lương thực và đời sống của nông dân”.

Ông Thắng đưa ra một tờ giấy có ghi đầy đủ và chi tiết về chiếc máy “thu” côn trùng của 2 chú cháu như sau: “Nguồn điện từ 220V và 12V (acquy) chuyển ra 2.000V, sử dụng điện cao nhất 1 KW/đêm, bình acquy 50A cứ 2 đêm sạc một lần”. Mỗi đêm máy có thể diệt được 5kg rầy nâu, bọ cánh cứng.

Còn anh Tư Ngọc – hàng xóm gần đó thì cho rằng: “Tôi khoái nhất là từ ngày có máy này, bọn muỗi bị “thu” hết vào máy, ngủ khỏi cần mắc mùng. Ngoài việc bắt côn trùng, tối tối bọn tôi còn được lai rai rượu đế mà mồi nhậu là lũ ve sầu non, cào cào, cà cuống… bị máy “dụ” đến”.

Ông Thắng dẫn chúng tôi ra chỗ đặt máy. Máy được  làm bằng lưới kim loại vuông vức mỗi chiều 1,2 mét với 3 lớp. Côn trùng bị “dụ” bằng ánh sáng vàng và tím, sau đó sẽ bị giết chết và rơi xuống phía dưới.

Từ khi đưa  thiết bị này vào thực nghiệm, tỷ lệ rầy nâu trên cánh đồng của ông Thắng (rộng khoảng 3ha) giảm đến 90%. Ông Thắng cho biết, nếu áp dụng thiết bị này  và phun thêm thuốc Applaud 10wp, thì khả năng tiêu diệt được dịch rầy nâu đang hoành hành hiện nay là rất cao.

Thiếu vốn để làm khoa học

“Hiện đại như vậy nhưng giá của máy diệt rầy nâu này chưa đến 2 triệu đồng. Chúng tôi đã bán được 1 máy cho trang trại Đoàn Kết ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) và có hàng chục đơn đặt hàng mà chúng tôi chưa thực hiện được. Tôi vừa mới nhờ vợ bán một vườn tầm vông (một loại tre) được gần 2 triệu lấy vốn làm máy khác”-Ông Thắng nói.

“Vậy ông đã nghĩ đến việc đăng ký bản quyền chưa?”. “Nói thật là làm máy chúng tôi toàn xin tiền vợ. Hôm trước hỏi thủ tục nghe nói hết 4,5 triệu đồng mới đăng ký được nên hai chú cháu tạm gác chuyện đó lại ”.

Anh Trung (42 tuổi) hiện đang ngụ ở thị trấn Chơn Thành, Bình Phước cũng tâm sự: “5 năm trước tôi cũng chế tạo một máy quạt khí i-on vừa diệt muỗi, côn trùng, vừa khử mùi… nhưng không có tiền nên chưa thực hiện được”.  

Hy vọng rằng qua bài báo  này, hai nông dân ở Tây Ninh ham sáng tạo sẽ có được những nhà Mạnh thường quân giúp đỡ để những ý tưởng sáng tạo trở thành hiện thực, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Anh Trần Quốc Trung cho biết: “Máy của chúng tôi hoàn toàn tự động. Hệ thống điện của thiết bị được thiết kế khá đơn giản, nhưng hiệu quả: Dùng đèn i-on để dụ rầy nâu, bướm, muỗi đến với thiết bị và chạm vào lưới điện rồi chết.

Nguồn điện cũng được thiết kế rất thông minh, thiết bị sẽ tự phát sáng khi màn đêm buông xuống (thời điểm mà côn trùng đi phá lúa) bằng “mắt thần” gắn bên cạnh hộp điện.

Trên hộp điện có một mảnh kim loại “nhạy cảm” với nước, chỉ cần vài giọt nước rơi vào (hoặc nước mưa) là hệ thống điện tự động tắt để  thiết bị và nông dân được an toàn.

Chính vì thế, sau khi đặt cố định, nông dân không cần phải mở công tắc cho thiết bị. Thêm nữa, máy đặt cao khoảng 2 m , lớp lưới kim loại ở giữa mang điện dương, 2 lớp bên ngoài mang điện âm và tất cả có hộp bảo vệ bằng kim loại, có tiếp đất nên rất an toàn”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.