Gặp người tham gia bảo vệ đèo Pha Đin

Cựu thanh niên xung phong Lại Minh Tâm ở khu phố mới, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Phạm Nhài
Cựu thanh niên xung phong Lại Minh Tâm ở khu phố mới, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Phạm Nhài
TPO - “Địch thả bom ban ngày, đêm đến đại đội chúng tôi lại hành quân lên đèo, chỗ nào hư hỏng là phải sửa chữa ngay cho người và xe phục vụ chiến dịch…” - ông Lại Minh Tâm nhớ về kỷ niệm cách đây 60 năm tham gia làm nhiện vụ bảo vệ con đèo Pha Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Địch thả bom ban ngày, đêm đến đại đội chúng tôi lại hành quân lên đèo, chỗ nào hư hỏng là phải sửa chữa ngay cho người và xe phục vụ chiến dịch…” - ông Lại Minh Tâm (sinh năm 1930), ở khu phố mới, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa) nhớ về kỷ niệm cách đây 60 năm tham gia làm nhiện vụ bảo vệ con đèo Pha Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cuốc xẻng trên vai xẻ núi, bạt đồi…

Pha Đin là một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày nay, Pha Đin thuộc địa giới hành chính của tỉnh Sơn La và Điện Biên. Nơi đây đã nhuộm không biết bao là mồ hôi, máu xương của lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đảm bảo thông xe, thông tuyến phục vụ kịp thời cho việc chuyển quân, chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm phục vụ chiến dịch.

Dù đã 84 tuổi, thấy chúng tôi hỏi về thời gian bảo vệ đèo Pha Đin, cựu TNXP Lại Minh Tâm nở nụ cười tươi, ánh mắt sáng lên niềm vui khó tả. Những hồi ức ùa về đầy ắp, ông Tâm tự hào nói: “Cả cuộc đời tôi không thể quên được quảng thời gian tham gia nhiệm vụ đó…”.

Gặp người tham gia bảo vệ đèo Pha Đin ảnh 1

Ông Lại Minh Tâm là Bí thư đoàn đầu tiên khối cơ quan tỉnh Thanh Hóa (vào tháng 3/1958). Ảnh: Phạm Nhài

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo hiếu học thôn Phượng Đình, xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa (nay là phường Tào Xuyên thuộc TP.Thanh Hóa).

Ông Tâm mong muốn trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Thế rồi, ước mơ của ông đã trở thành hiện thực vào năm 1952, ông xin vào học lớp học y tá ở huyện Hậu Lộc.

Sau khóa học kết thúc, ông được điều về bệnh viện Đa khoa Hà Lũng, xã Thọ Dân, huyện Thọ Xuân cũ (nay là huyện Triệu Sơn) làm việc. Đây cũng là thời gian nhân dân cả nước đang dốc toàn lực vào chiến dịch Điên Biên Phủ. Khi đó chàng trai Lại Minh Tâm mới tuổi đôi mươi hừng hực khí thế xin tình nguyện đi phục vụ chiến dịch.

Tháng 3/1954, ông Tâm lên đường nhập ngũ. “Để tránh sự phát hiện của quân địch, ban ngày nằm nghỉ ở lán trại với dân công hỏa tuyến, còn đêm đến ba lô trên vai xuyên rừng hành quân. Sau 10 ngày, tôi mới đến được đơn vị nhận nhiệm vụ…”- ông Tâm kể.

Ngày ấy, ông Tâm được phân công Đại đội C293 thuộc đội 36 đoàn TNXP Trung ương. Năm 1954, nhằm chặn đứng đường tiếp viện lương thực, vũ khí của quân ta từ miền xuôi lên chiến dịch Điện Biên Phủ, địch ra sức tăng cường cho máy bay hoạt động thường xuyên từ 10 giờ sáng tới 5 giờ chiều do thám, thả bom hòng phá sập con đèo Pha Đin.

Để phá tan âm mưu của địch, đại đội của ông Tâm được giao nhiệm vụ bảo vệ con đèo Pha Đin nhằm khắc phục sự cố bom đạn cày xới con đèo. Hằng ngày, từ 5 giờ chiều, ông Lại Minh Tâm cùng đồng đội ngày đêm cuốc xẻng trên vai bám đường xuyên rừng, trèo đèo, lội suối hơn 20 cây số lên đèo “xẻ núi, bạt đồi” san lấp hố bom, sửa đường, đảm bảo cho giao thông thông suốt.

“Không chỉ ném bom ban ngày, địch còn thực hiện ném bom cả ban đêm. Có những đêm máy bay địch thả bom bắn phá ác liệt, tôi cùng đồng đội phải ẩn ấp trong vách đá với cái rét thấu xương nơi núi rừng. Khi ngừng tiếng bom, chúng tôi lại chia nhau ra 2 bên chân đèo để làm nhiệm vụ”- Ông Tâm kể.

Ngày 7/5/1954, ông Tâm cùng nhiều đồng đội trở về quê hương trong niềm vui nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ lẫn nỗi buồn có những đồng đội đã hy sinh… 

Gặp người tham gia bảo vệ đèo Pha Đin ảnh 2

Cựu thanh niên xung phong Lại Minh Tâm

Sống mãi với tinh thần thanh niên xung phong

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc ông trở lại bệnh viện Đa khoa Hà Lũng công tác. Đến năm 1955, ông được cử đi xã Hương Hóa, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) làm nhiệm vụ cải cách ruộng đất.

Sau năm 1956, ông điều về trở về bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa công tác và được bầu làm Chủ tịch công Đoàn bệnh viện tỉnh. Tại đây, ông được cấp trên trao trọng trách vận động các tổ chức, ban ngành thành lập khối Đoàn cơ quan cấp tỉnh.

Sau một năm chuẩn bị, đến tháng 3/1958, Đại hội khối Đoàn cơ quan cấp tỉnh được tổ chức với 39 cơ quan và có hơn 2.000 đoàn viên thanh niên. Và ông được tín nhiệm đề cử làm Bí thư Đoàn khối cơ quan đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Dù không có trụ sở, không tài chính, không cán bộ chuyên trách, nhưng với sự linh động, sáng tạo của mình, ông đã đưa Đoàn khối cơ quan tỉnh ngày một đi lên. Đến năm 1965 ông chuyển về công tác tại Công đoàn tỉnh.

Vào năm 1983 ông về hưu. Trong thời gian công tác, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau, nhưng dù ở cương vị nào, với tinh thần thanh niên xung kích, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Tâm vinh dự được Đảng - Nhà nước trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, huy hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ và nhiều bằng khen khác.

MỚI - NÓNG