Gặp người thu giữ con dấu của Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn

Gặp người thu giữ con dấu của Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn
Là người có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, đánh vào Bộ Tổng tham mưu nguỵ và là người thu giữ con dấu cùng phiên hiệu của Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên, năm nay, đại tá Lê Xuân Yến đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm".
Gặp người thu giữ con dấu của Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn ảnh 1
Bộ đội ta đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy vào ngày 30/04/1975. Ảnh : NSƯT Phạm Thọ. Nguồn VTV 

Hiện ông sống quây quần cùng con cháu tại tổ 12, phường Bắc Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Với dáng vẻ khoẻ mạnh và minh mẫn, ông Lê Xuân Yến kể cho chúng tôi nghe về những phút giây đáng nhớ đó. Là Chính uỷ của Trung đoàn 48, Quân khu III, lúc ấy ông Lê Xuân Yến mới tròn 35 tuổi, khi vào giải phóng Sài Gòn, ông được giao nhiệm vụ cùng các chiến sĩ trong đơn vị tìm kiếm, thu thập giấy tờ, tài liệu của địch để lại.

Khi Trung đoàn 48 cùng các cánh quân tiến vào Sài Gòn, tại cửa ngõ Sài Gòn, Trung đoàn đã tham gia đánh 2 trận với địch ở Sông Bé khi gặp 1 tiểu đoàn Bảo an và 1 trận đánh trên cầu Bình Triệu, nhanh chóng giành chiến thắng.

Vào Sài Gòn, hầu hết anh em trong đơn vị đều ngỡ ngàng vì lần đầu vào thành phố, không quen đường đi, lối lại. Việc tiến vào Bộ Tổng tham mưu nguỵ hoàn toàn phải dựa vào lực lượng du kích dẫn đường và theo bản đồ chỉ dẫn.

Sau một thời gian đánh địch tại cửa số 2 và 3, quân ta đã tiến được vào Bộ tổng tham mưu của địch. Nhìn thấy một người đàn ông đang co rúm lại vì sợ hãi, ông Yến đã tiến đến hỏi và được biết người này làm việc tại Bộ tổng tham mưu. Ông đã yêu cầu anh ta dẫn đến phòng làm việc của Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, tướng Cao Văn Viên.

Tại đây là cảnh tượng bừa bộn, ngổn ngang giấy tờ, tài liệu, bởi chủ nhân của nó đã bỏ trốn một thời gian trước đó. Ông Yến đã yêu cầu tìm con dấu, phiên hiệu của Cao Văn Viên được cất cẩn thận trong một chiếc hộp. Để kiểm tra chắc chắn, ông Yến đã tự tay cầm con dấu đóng vào một tờ giấy trắng, thấy đúng là con dấu và phiên hiệu của tướng Cao Văn Viên, ông đã cất cẩn thận và nhanh chóng đưa về nộp Sư đoàn. Với ông đây là một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên.

34 năm đã trôi qua, ông Yến vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật, hình ảnh tư liệu về những ngày lịch sử khi cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn để giáo dục thế hệ cháu con, giáo dục truyền thống chống ngoại xâm của thế hệ cha, anh. Khi về nghỉ hưu tại địa phương, ông Yến tham gia công tác Hội cựu chiến binh Phường Bắc Sơn.

Ông thường mang theo các tư liệu hình ảnh chiến đấu của đơn vị đến với các thế hệ thanh, thiếu niên và nhân dân thị xã trong các cuộc nói chuyện truyền thống, các dịp lễ, tết để cùng ôn lại những năm tháng đầy gian khổ mà hào hùng của dân tộc để có ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Vũ Khắc Cư
TTXVN

MỚI - NÓNG