Nhà công vụ, ai trả, ai còn giữ để biến thành của riêng?

Gặp những người trả lại biệt thự cho Nhà nước

Gặp những người trả lại biệt thự cho Nhà nước
TP - Có một dãy nhà trong ngõ nhỏ nằm khiêm nhường và tách biệt với cái ồn ào, náo nhiệt của phố Đội Cấn. Chẳng mấy ai biết chủ nhân của ba căn nhà nằm gần sát nhau ấy đã từng có những ngôi biệt thự to đẹp trên con đường Phan Đình Phùng – Hà Nội.
Gặp những người trả lại biệt thự cho Nhà nước ảnh 1
Bác Hồ và các cháu thiếu nhi tại căn biệt thự 59 Phan Đình Phùng. Bà Xuân Tư (người đứng cao nhất trong ảnh)

Nhưng cả ba người đều đã trả lại biệt thự cho Nhà nước sau khi chồng của mình thôi chức và  qua đời...

“Nhà công thì phải trả lại thôi”

Chủ của những ngôi nhà này từng giữ những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước như các ông Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị.

Chẳng muốn nhắc lại việc đã qua, nhưng trong một buổi trò chuyện thân tình, cởi mở, nhân nói đến hiện tượng một số cán bộ cấp cao  lợi dụng chức quyền biến nhà công thành nhà tư mà báo chí  phản  ánh, bà Phan Thị Xuân Tư, phu nhân của cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và bà Nguyễn Thị Bích Thuận, phu nhân của cố Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương, đã hồi tưởng lại câu chuyện trả biệt thự ngày nào.

Bà  Xuân Tư chỉnh lại cái quạt cây bị gãy cổ, rồi nói với tôi: “Nhà mình sống đơn giản lắm”. Tôi nhìn quanh và  chẳng thể ngờ tư gia của một Phó Thủ tướng thường trực kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày nào lại giản dị đến như vậy.

Đồ đạc trong phòng khách chẳng có gì đáng giá ngoài một bộ xa lông cũ và phía góc kia là chiếc bàn gỗ  mộc mạc mà ông Nguyễn Duy Trinh vẫn thường ngồi làm việc.

Nước sơn trên tường đã mờ và gạch lát nền đã lỗi mốt.Tất cả những điều đó có thể khiến cho chủ nhân hoài niệm về ngôi biệt thự  thuộc loại đẹp nhất Hà Nội ở 59 Phan Đình Phùng, nơi mà từ cổng vào, cầu thang đến các phòng đều được thiết kế và xây dựng đẹp đến mức hoàn hảo.

Vậy mà bà Xuân Tư lại nhất quyết ra khỏi ngôi  biệt thự đầy tiện nghi và lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp ấy để về với căn nhà trong ngõ nhỏ của phố Đội Cấn này.

Bà Tư nhớ lại: “Hồi còn ở biệt thự 59 Phan Đình Phùng, Bác Hồ có lần đến thăm gia đình chúng tôi. Tôi còn nhớ cái ghế đá và gốc cây Bác đã ngồi. Chồng tôi làm việc ở tầng hai, có bữa Bác đến, Bác đã ngồi ở cầu thang chờ cho anh Trinh đi xuống.

Một lần đến chơi, Bác gọi mấy cháu nhỏ ở các nhà xung quanh vào nhà tôi,  phát kẹo và kể chuyện cho các cháu nghe. Ngắm các cháu nhi đồng ngồi quanh Bác, tôi lặng đi vì xúc động.

Nói thực lòng phải xa ngôi biệt thự mà mình gắn bó suốt một thời gian dài, tôi cũng lưu luyến lắm”.

“Vậy vì sao bà lại tự nguyện rời khỏi ngôi biệt thự 59 Phan Đình Phùng?”.

Bà Xuân Tư trả lời: “Sau khi anh Trinh qua đời, tôi nghĩ đơn giản thế này: chồng mình mất rồi, ngôi biệt thự mình đang ở là nhà công. Như vậy không ổn lắm. Phải dọn đi thôi.

Tôi đem suy nghĩ đó bàn với chị Bích Thuận và chị Lê Thị Thanh, vợ anh Lê Thanh Nghị - cố Phó Thủ tướng Chính phủ. Thật trùng hợp, các chị ấy đều có suy nghĩ như tôi” .

Ngôi biệt thự số 74 Phan Đình Phùng còn đẹp hơn cả ngôi biệt thự số 59 nằm đối diện. Đó là tư gia một thời của ông Lê Văn Lương. Cách  đó không xa, một ngôi biệt thự  tọa lạc trong một ngõ phố rợp bóng cây vốn là nơi ở của gia đình ông Lê Thanh Nghị.

Những ngôi biệt thự ở con đường nhiều cây xanh nhất Hà Nội ấy dường như luôn cho chủ nhân của nó cảm giác bình yên, thư thái. Nhưng bà Xuân Tư, bà Bích Thuận và bà Lê Thị Thanh  đã quyết định xin được trả biệt thự  lại cho Nhà nước.

Bà Bích Thuận im lặng lắng nghe câu chuyện giữa tôi và bà Xuân Tư, giờ mới lên tiếng: “Việc chúng tôi trả lại biệt thự là hoàn toàn tự nguyện. Nhưng ngay từ hồi đó Đảng cũng đã có chủ trương trả lại nhà công và tập hợp nhà các đồng chí lãnh đạo cao cấp còn đang ở tản mạn về trên phố Đội Cấn này.

Ngày ấy, chế độ đãi ngộ cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp được quy định rất chặt chẽ. Khi các đồng chí ấy thôi chức vụ thì cũng sẽ không còn bộ máy giúp việc, không thư ký, không bảo vệ”.

Sau khi đã xin trả lại biệt thự cho Nhà nước, bà Xuân Tư  cùng bà Lê Thanh Nghị đã lên phố Đội Cấn để xem nơi ở mới. Nơi đó gồm  những dãy nhà cũ, khung cảnh khá lộn xộn, ngổn ngang.

Mặc dù đã được cải tạo, nhưng so với ba ngôi biệt thự trên đường Phan Đình Phùng  thì vẫn một trời một vực. Họ bắt tay vào dọn dẹp, sắp xếp lại nơi ở mới và tự mua sắm đồ đạc. Chuyển về phố Đội Cấn, họ vẫn là hàng xóm của nhau.

Có những lúc trời mưa, nhà bị dột, bà Xuân Tư lại nhớ đến những ngày tháng êm ấm ở ngôi biệt thự. Nhưng bà không  hề hối tiếc. Bà vui mừng khi biết rằng, ngôi biệt thự 59 Phan Đình Phùng đã được bố trí làm công sở. 

Bà Bích Thuận trả ngôi biệt thự  nguy nga cũng “nhẹ như lông hồng”. Bà nhớ lại: “Hồi đó sau khi nghỉ hưu, chính tay anh Lương viết đơn xin trả lại biệt thự.

Anh viết đại ý: Tôi đã thôi chức vụ, nên xin trả lại nhà công để dọn đến nơi ở mới. Hôm gia đình tôi chuyển nhà được hỗ trợ phương tiện chuyên chở.

Cứ thế chúng tôi lặng lẽ về phố Đội Cấn này như một điều bình thường trong cuộc sống vậy thôi”.

Khi Phó Thủ tướng thường trực... xin tiền vợ

Câu chuyện nhà cửa đã vô tình gợi lại trong hai người phụ nữ ký ức về hai người chồng chính khách và những năm tháng của thời bao cấp. Bà Xuân Tư  kể:

“Ngày đó, anh Trinh là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tiêu chuẩn có 5 cân thịt/ tháng. Anh Trinh không biết lương mình được bao nhiêu. Lương anh, tôi cũng không cầm mà do thư ký nhận và bảo vệ chi.

Có lần một người cháu ở trong Nghệ An ra Hà Nội học, đến nhà tôi chơi.  Anh Trinh hỏi: “Em có tiền không, anh cần một ít để cho đứa cháu”. Tôi nói đùa: “Lương anh em có nhận  đâu, anh hỏi cậu thư ký ấy”. 

Bà Bích Thuận cười tươi, nhớ lại: “Anh Lương là Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhưng nhà tôi sống cũng như các gia đình Hà Nội khác. Có cơm thừa tôi bảo các con cất đi, bữa sau mang ra rang để ăn. Anh Lương cũng chỉ có hai bộ quần áo để thay đổi”.

“Hồi đó bác trai giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương có nhiều người đến biếu quà cáp hay đi “cửa sau” không?”- Tôi hỏi.

Bà Bích Thuận nói ngay: “Làm gì có chuyện đi “cửa sau”, khách đến chơi cũng chẳng bao giờ mang quà biếu xén. Cả khách lẫn chủ đều không nghĩ đến chuyện đó.

Tôi chẳng nhờ gì cái chức to của chồng cả. Không có chuyện võng anh đi trước, võng nàng theo sau. Hồi đó, chồng tôi có được tiêu chuẩn xe đưa đón. Một chiếc xe com-măng-ca cũ. Nhưng vợ con không bao giờ ngồi nhờ”.

Bà  Xuân Tư tiếp nối câu chuyện: “Chồng tôi tiếng là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nhưng cũng chỉ có ba bộ quần áo thôi. Tôi thường dự các buổi chiêu đãi  khách quốc tế với chồng, cũng chỉ có hai bộ áo dài tự sắm lấy theo tiêu chuẩn 5 thước vải/ năm.

Tôi tháp tùng anh Trinh đi công tác nước ngoài,  Đại sứ ta cho vải đề nghị may thêm một chiếc áo dài nhưng anh Trinh bảo: “Thôi, hai cái đủ rồi”.

Hồi ở Phan Đình Phùng anh Trinh còn đi làm  bằng xe đạp. Bây giờ tôi vẫn còn giữ được cái đăng ký xe đạp ngày đó”.

Hỏi về các cuộc đi công tác nước ngoài, có lúc nào Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh mang quà biếu về nhà không? Bà Xuân Tư mỉm cười, bảo:

“Chưa bao giờ anh Trinh nhận một chai rượu Tây mà các Đại sứ biếu. Đi công tác nước ngoài cũng chẳng bao giờ mang quà về nhà.

Bác Hồ đã căn dặn kỹ về việc này: “Các chú đi quốc tế mọi chi phí đã có Đảng lo, cái gì của Đảng phải trả lại cho Đảng”.

“Chồng bà làm chức to như vậy, chắc các con được nhờ cậy nhiều?”. Bà Tư lắc đầu bảo: “ Các con tôi, cũng như các cháu nhà chị Bích Thuận đây đều tự thân vận động, không nhờ bóng bố. Anh Trinh vẫn thường dặn: “Các con tự bước đi bằng đôi chân của mình, nhưng phải bước cho thẳng”.

Tôi hỏi bà nghĩ gì về hiện trạng một số cán bộ đã lợi dụng chức vụ để biến nhà công thành nhà tư mà báo chí vừa phản ánh, giọng bà Xuân Tư trầm hẳn xuống: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm đúng khi trả lại biệt thự cho Nhà nước. Vì thế chúng tôi sống thanh thản, nhẹ nhõm vô cùng”.

Tôi cảm nhận được sự thanh thản ấy trong tiếng cười của hai người phụ nữ đã bước vào buổi hoàng hôn của cuộc đời. Chắc gì, nếu vẫn còn ở trong  những ngôi biệt thự to đẹp trên đường Phan Đình Phùng, hai bà đã có được nụ cười ấy?  

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.