70 năm Cách mạng Tháng Tám và Truyền thống CAND

Gặp những nhân chứng sống của huyện đầu tiên giành chính quyền

Huyện đường cũ là nơi đội thanh niên vũ trang cắm lá cờ Tổ quốc đầu tiên.
Huyện đường cũ là nơi đội thanh niên vũ trang cắm lá cờ Tổ quốc đầu tiên.
TP - Tiếng hô vang của 70 năm về trước đã qua một đời người nhưng trong kí ức của những trai tráng ngày ấy còn nguyên hào khí sôi trào của thời kỳ quật khởi. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong huyện đường và đồn bảo an làm nên một mốc son chói lọi: Can Lộc (Hà Tĩnh) trở thành huyện đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền.

Giác ngộ lý tưởng cách mạng

Chúng tôi về huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), mảnh đất địa linh nhân kiệt nơi sản sinh ra những anh hùng cùng các địa danh đã gắn liền với lịch sử đất nước. Ngôi nhà nhỏ cấp bốn, nằm sâu trong ngõ hẻm thuộc khối 2, thị trấn Can Lộc là chỗ ở của cụ Ngô Đức Mạch, nhân chứng sống cao tuổi nhất trong Mùa thu Cách mạng 1945. Cụ Mạch đã tròn 100 tuổi, nhưng trí nhớ còn minh mẫn, đặc biệt khi cụ kể về phút giây lịch sử của 70 năm về trước. Nhâm nhi ly trà đắng, ánh mắt rạng ngời, cụ kể cho chúng tôi nghe ngày các cụ được giác ngộ lý tưởng của Đảng rồi tổ chức vùng lên giành chính quyền.

Thời điểm đó, Nghệ - Tĩnh là một trong những khu vực hoạt động cách mạng sôi nổi nhất trong cả nước. Đảng bộ bí mật đóng tại địa phương từng bước giác ngộ con đường đấu tranh giành độc lập cho các thế hệ nhân dân sở tại. Nhiều thanh niên trai tráng ở làng Tập Phúc tham gia vào các lực lượng vũ trang thuộc Đoàn Thanh niên cứu quốc. Huyện đường bấy giờ thuộc tổng Đoài, Trảo Nha, nơi lá cờ đỏ sao vàng được giương cao vào ngày 16/8/1945. Huyện đường giờ trở thành di tích, được huyện Can Lộc bảo tồn, là minh chứng cho lịch sử hào hùng nơi đây.

“Sau khi được giác ngộ, tôi cùng các thanh niên trong làng đến nhiều nơi ở các huyện lân cận để tuyên truyền, phát truyền đơn cho nhân dân. Nhằm tránh tai mắt của kẻ thù, chúng tôi đi cả đêm, hoạt động cực kỳ kín kẽ rồi phân tán mỗi người một vùng khác nhau. Để nhận biết và không lộ ra sơ hở, mỗi người phải có một kí hiệu riêng. Lúc trở về, ông Lê Lộc (Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Nam Hà Tĩnh) giao nhiệm vụ cho tôi tổ chức tự vệ chuẩn bị cướp chính quyền”, cụ Mạch nhớ lại.

Hồi tưởng lại quá khứ nhưng đối với cụ Mạch, ngày còn chạy ngược xuôi chuẩn bị vũ trang như dần tái hiện trở lại. Ánh mắt cụ sáng bừng lên, lật từng trang sách chỉ cho chúng tôi thấy tấm ảnh, dòng chữ của những ngày cướp chính quyền. “Tối ngày 14/8, tự vệ 4 xã tập trung lại, chốt đóng ở các ngả đường, không cho ai ra cũng không cho ai vào. Không khí sục sôi, tưng bừng trên các ngõ ngách con đường. Từng làng, tổng, nhân dân kéo về rất đông, tôi không bao giờ quên được giây phút thiêng liêng đó”, cụ Mạch kể thêm.

Cách nhà cụ Mạch không xa là nhà của cụ Bùi Xanh (96 tuổi), cụ Ngô Đức Canh (95 tuổi), các cụ cùng trú tại thị trấn Can Lộc. Tuổi cao, sức khỏe yếu đi nhưng khi nói về những ngày trong đội tự vệ giành chính quyền, nhiệt huyết quay lại như thời tuổi trẻ. Cụ Canh xúc động nhớ lại: “Lúc anh em chúng tôi xông vào huyện đường, chỉ biết tiến lên đánh đuổi bọn sai nha chứ không hề sợ hãi gì trước vũ khí của chúng cả. Khi suy nghĩ về việc được làm chủ, được tự do là tinh thần phấn chấn lắm”.

70 năm đã trôi qua, cụ Mạch, cụ Xanh, cụ Canh những nhân chứng sống của lịch sử vẫn luôn khắc ghi sâu sắc hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở huyện đường ngày ấy. Mỗi dịp tháng 8, cảm xúc ùa về, các cụ lại kể cho con cháu cùng thế hệ sau nghe về chiến tích huy tích huy hoàng của cha ông.

Gặp những nhân chứng sống của huyện đầu tiên giành chính quyền ảnh 1

Cụ Ngô Đức Mạch kể lại những ngày lịch sử năm 1945.

Chính quyền thuộc về nhân dân

Ngày 16/8/1945, Đoàn Thanh niên cứu quốc Can Lộc quyết định giành chính quyền huyện Can Lộc. Tất cả thanh niên thuộc Đoàn Thanh niên cứu quốc đã có mặt tại những nơi được bố trí sẵn. Một số thanh niên vào nhà lục sự Trần Văn Khơi ở ngay trước cổng huyện đường để chờ lệnh, một số cảnh giới ở ngoài. Đúng 4 giờ 30 phút cùng ngày, một số thành viên do đồng chí Nguyễn Đổng Chi, Đặng Giá và Nguyễn Hiền dẫn đầu đi thẳng vào huyện đường gặp Huyện trưởng Đặng Văn Doãn. Sau khi giải thích đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh, các thanh niên bắt Huyện trưởng đầu hàng, giao nộp ấn tín, vũ khí. Mọi người hô to “Việt Minh muôn năm”. Một thanh niên đã nhanh chóng hạ cờ địch, kéo ngay cờ đỏ sao vàng lên cột cờ trước sân huyện đường.

Đến cổng đồn, một thanh niên tuyên bố: “Huyện trưởng đã đầu hàng, chính quyền huyện đã thuộc về cách mạng, nay đồn cũng là của cách mạng”. Cánh cổng đồn được mở rộng, cả Đội hô to: “Việt Minh muôn năm”. Đội đã nhanh chóng hạ cờ Chính phủ Trần Trọng Kim, kéo ngay cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ ở chính giữa sân đồn. Sáng 17/8/1945, Mặt trận Việt Minh Can Lộc đã huy động đông đảo quần chúng tham gia cuộc mít tinh lớn nhất từ trước tới nay ở sân vận động huyện. Cả sân vận động ngập cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu để hoan nghênh cuộc giành chính quyền, tuyên bố thành lập Ủy ban khởi nghĩa và ra lệnh giành chính quyền ở các xã, tổng, nên chỉ trong vài ngày toàn bộ chính quyền các xã, tổng đã thuộc về nhân dân.

Phát huy truyền thống thời kỳ đổi mới

Kể từ ngày cắm lá cờ đỏ sao vàng tại huyện đường và đồn bảo an, 70 năm đã trôi qua là chặng đường phát triển vượt bậc của nhân dân và chính quyền huyện Can Lộc. Với dân số 138 nghìn người, 23 xã, thị trấn cùng diện tích hơn 300km2, huyện Can Lộc đang trở thành một điểm sáng của tỉnh Hà Tĩnh. Người dân nơi đây cần cù, chịu khó, chủ yếu sản xuất nông nghiệp và du lịch, dịch vụ. Can Lộc chủ trương tập trung phát triển chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đưa giống lúa năng suất cao vào sản xuất. Phát triển chăn nuôi, cây trồng cũng được huyện chú trọng. Ngoài ra, huyện Can Lộc còn có một thế mạnh là du lịch, nơi đây có Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, mỗi năm có khoảng 40 vạn du khách. “Huyện Can Lộc đề ra mục tiêu chiến lược, phấn đấu đến năm 2020, trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế”, ông Bùi Huy Cương (Phó chủ tịch huyện Can Lộc) cho biết.

“Tuổi trẻ huyện Can Lộc phát huy truyền thống cách mạng, nét đẹp nhân văn của huyện nhà đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh công tác giáo dục lòng tự hào dân tộc. Hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, thể hiện tình đoàn kết “tương thân, tương ái”. Vận động xây nhà tình thương cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tiêu biểu nhất là đoàn viên Nguyễn Văn Thái, trú tại xã Sơn Lộc có mô hình 6 hécta trồng cam, bưởi, chanh, nuôi ong, nuôi trăn, gà, mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng ”, anh Mai Khắc Sáng, Bí thư Huyện Đoàn Can Lộc cho biết.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Can Lộc là một cuộc đấu tranh vũ trang giành chính quyền mau lẹ đến bất ngờ và hoàn hảo nhất, không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu, đã đánh gục hoàn toàn một huyện đường đầy đủ quan lại, lính tráng, súng ống và một đồn lính bảo an với đầy đủ súng đạn, được quân Nhật yểm trợ.

MỚI - NÓNG