Gặp 'phù thủy' sinh thái và người đỡ đẻ cá hồi

Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Kathryn Sullivan thuyết trình về biến đổi khí hậu trên quả cầu di động khổng lồ
Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Kathryn Sullivan thuyết trình về biến đổi khí hậu trên quả cầu di động khổng lồ
TP - Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Kathryn Sullivan phụ trách về đại dương và khí quyển thực sự mê hoặc và khiến chúng tôi choáng với màn trình diễn như một đạo sĩ hô phong hoán vũ, làm phép thuật với một quả cầu khổng lồ lơ lửng quay giữa không trung…

Nỗi ám ảnh biến đổi khí hậu

Trước khi đặt chân tới Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tôi tặc lưỡi thầm nghĩ: Ôi dào, lại chủ đề tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái và nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tới đời sống con người. 

Nghe sao mà xa vời đâu đâu và cũng mông lung làm sao. Tuy nhiên, màn thuyết trình với quả cầu khổng lồ lơ lửng giữa phòng, sử dụng máy tính và máy chiếu video biểu diễn các dữ liệu kỹ thuật số bằng hình ảnh, màu sắc, biến thiên nhiệt độ cực kỳ chân thực theo từng kịch bản quá thuyết phục và sinh động tựa một màn pháp thuật cực kỳ ảo diệu của thầy phù thủy, nhưng cũng đầy tính thực tiễn.

Bà Sullivan nêu ra các kịch bản khác nhau và cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ làm trái đất nóng lên, mực nước biển dâng, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến thế giới thiệt hại tới 6.000 tỷ USD/năm. 

Chính vì thế mà Mỹ đang đổ ra hàng núi tiền và tập trung một đội quân hùng hậu gồm các nhà khoa học hàng đầu vào mặt trận chống biến đổi khí hậu. Ngay từ cái tên NOAA cũng đã toát lên tinh thần người Mỹ không chỉ lo lắng cho những gì xảy ra trên đất Mỹ, mà còn để ý bao quát, giám sát trên quy mô toàn cầu.

Bà Sullivan và các quan chức Mỹ chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ quan ngại về việc khai thác tài nguyên quá mức, hành vi hủy hoại môi trường và hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Mỹ đang vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm quản lý ngành công nghiệp đánh cá cũng như thị trường tiêu thụ hải sản trên khắp thế giới.

Washington muốn xây dựng một hệ thống toàn cầu kết hợp công nghệ giám sát hiện đại như vệ tinh và chính sách phối hợp với chính phủ các nước cũng như các tổ chức phi chính phủ để theo dõi, ngặn chặn việc đánh bắt và tiêu thụ cá bất hợp pháp.

Các tàu thuyền đánh bắt cá trái phép sẽ bị giám sát chặt chẽ ngay trên biển, chúng đi đâu, trao đổi với tàu nào, mua bán những gì đều sẽ được ghi nhận. Nếu xác định là đánh bắt bất hợp pháp, các tàu này hoặc sẽ bị lực lượng bảo vệ bờ biển bắt giữ. 

Nếu tàu có định ghé vào các cảng để tiếp liệu, mua lương thực, nước uống cũng sẽ bị từ chối. Mỹ cũng sẽ không cho phép nhập khẩu các sản phẩm hải sản được coi là hải sản đen từ các nước hay khu vực này…

Những gì mà bà thứ trưởng Sullivan nói không khác mấy với những gì mà bà Virginia Burkett, phó giám đốc phụ trách về biến đổi khí hậu và sử dụng đất thuộc Cơ quan giám sát Địa sinh thái quốc gia Mỹ (USGS) đã khuyến cáo.

Điều khiến chúng tôi khá ngỡ ngàng là hai cơ quan tập trung tới hàng ngàn các nhà khoa học này lại trực thuộc những bộ mới nghe qua dường như chả có gì dính tới khoa học: NOAA thuộc Bộ Thương mại còn USGS lại do Bộ Nội vụ quản lý.

Có tới tổng hành dinh của USGS ở bang Virginia mới vỡ lẽ vì sao nước Mỹ hàng năm cứ tằng tằng ẵm gần hết các giải Nobel khoa học danh giá. Nói Virginia xa xôi quá, thực ra chỉ chạy qua cầu sang bên kia sông Potomac là địa phận Virginia.

Xe chúng tôi chạy hàng chục cây số đường nhựa xuyên rừng xanh mướt mới tới trụ sở USGS như vào nơi tu tập của các “ẩn sĩ” vậy. Bãi đậu xe bạt ngàn ô tô, chứng tỏ đội ngũ chuyên gia, khoa học gia làm việc ở đây cực kỳ đông đảo.

Các chuyên gia đầu ngành chúng tôi gặp đều giản dị, cởi mở, dễ gần. Rõ ràng chính phủ Mỹ trả lương rất hậu nên họ chẳng phải bận tâm tới những vấn đề cơm áo, gạo tiền. Ở họ đều toát lên sự tận tâm và một vẻ đẹp phóng khoáng khó tả của tinh thần tự do sáng tạo, dường như đây mới chính là điều cốt yếu làm nên sức mạnh Mỹ. 

Bà Burkett rất bận rộn và đã được chỉ định vào hơn 60 các ủy ban, hội đồng khoa học trong suốt mấy chục năm nghiên cứu. Nhà khoa học hàng đầu này nằm trong số những người vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình cho những cống hiến của mình năm 2007.

Bà dành hàng chục năm để nghiên cứu về hiện tượng trái đất nóng lên và cùng các cộng sự dày công xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu gây ra cho tới năm 2100 trên quy mô toàn cầu, dựa trên 200 nghiên cứu để đưa ra các dự báo về các tác động của nó.

Khi biết tôi đến từ Việt Nam, bà Burkett bắt tay, nở nụ cười rất hồn hậu. Tôi hỏi liệu bà có thể đưa ra dự báo về tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực Đông Nam Á, nhất là Việt Nam hay không.

Bà Burkett bảo, khu vực đồng bằng lưu vực sông Mekong cũng là một trong những điểm nóng về biến đổi khí hậu, rất dễ bị tổn thương và đang có nguy cơ bị ngập vì nước biển dâng và đồng bằng bị nhiễm mặn. USGS đã tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề này…

Những người đỡ đẻ cá hồi Thái Bình Dương

Gặp 'phù thủy' sinh thái và người đỡ đẻ cá hồi ảnh 1

Một phòng thí nghiệm của Trung tâm khoa học ngư nghiệp tây bắc Mỹ ở Seattle

Nếu ai từng theo dõi các chương trình truyền hình thực tế như “Dealiest Catch” (Những chuyến săn bão táp) và “Alaska: Battle on the Bay” (Alaska: Cuộc chiến trên vịnh) trên kênh Discovery hay “Wicked Tuna” (Tranh bắt cá ngừ) trên kênh National Geographic Chanel mới thấy người Mỹ khắt khe như thế nào trong việc bảo vệ các nguồn lợi biển.

Nếu cua hay cá ngừ không đủ kích cỡ quy định, các ngư dân đều thả trở lại đại dương để chúng lớn thêm. Còn chính quyền quy định rất chặt chẽ về đăng ký ngư trường, thời gian đánh bắt  trong ngày và số ngày đánh bắt cũng như hạn ngạch được cấp trong mùa đánh bắt. Nếu ngư dân nào dù chỉ vi phạm các quy định trên chút ít thôi, cũng sẽ bị cảnh sát phạt rất nặng…

Tuy nhiên, việc chừa những lối đi và khoảng thời gian cho lũ cá hồi Thái Bình Dương vượt qua vẫn chưa đủ để giúp chúng trở về thượng nguồn những con sông ở bang Washington hay Alaska, đẻ trứng duy trì nòi giống trước khi kết thúc vòng đời.

Chúng tôi may mắn được vào thăm những “bà đỡ” cho loài cá hồi tại Trung tâm khoa học ngư nghiệp tây bắc (thuộc NOAA) và Trung tâm nghiên cứu Ngư nghiệp miền Tây (thuộc USGS) và Trung tâm khoa học ngư nghiệp Alaska. Mỗi nhà khoa học ở đây đều là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực của họ. 

Người chuyên nghiên cứu về môi trường biển và các sinh vật ngoại lai. Người chuyên nghiên cứu về khí hậu Bắc Cực, biển Bering và hệ thống sinh thái Alaska. Người tìm hiểu về công nghệ gien. 

Có chuyên gia tập trung giám sát các lưu vực các con sông Mississippi hay Columbia xem biến động nhiệt độ nước và các chất độc hại ảnh hưởng thế nào tới môi trường sống của các loài thủy sinh…

Chúng tôi được dẫn đi tham quan hàng loạt phòng thí nghiệm cực kỳ hiện đại, nơi ấp trứng cá và các bể nuôi cá con theo từng cỡ tuổi, mô phỏng sát thực điều kiện tự nhiên. 

Các chuyên gia ở đây còn dùng các mẫu nghiên cứu chu kỳ vòng đời cá hồi để tiên lượng trước tác động của các con đập thủy điện xây trên sông đối với loài cá hồi, ước tính năng suất và đa dạng sinh học, giúp các nhà quản lý ra quyết định đúng.

Một vị tiến sĩ cho biết, trên toàn nước Mỹ có tới 87.035 con đập các loại được thống kê. Dọc theo sông Mississippi có vô số các đập nước cao hàng chục mét, ngăn cản cá hồi về thượng nguồn đẻ trứng và đây là một vấn đề lớn.

Để giúp cá hồi sinh đẻ duy trì nòi giống, các nhà khoa học Mỹ dày công tính toán, nghĩ ra cách giúp chúng vượt qua các con đập cao vào đúng thời kỳ chúng di cư theo tập tính từ đại dương quay về các con sông.

Thậm chí, có những đập nước bị phá hủy để mở lối, khai thông đường sinh tồn cho cá hồi Thái Bình Dương. Một nữ chuyên gia vui vẻ hỏi tôi, ở Việt Nam có cá hồi không.

Tôi bảo chỉ có một ít được nuôi ở vùng núi phía Bắc chứ không có cá hồi tự nhiên, còn lại đều phải nhập ngoại. Chị cười bảo, vậy thì nên tranh thủ ra chợ cá Seattle thưởng thức món cá hồi đỏ Alaska nổi tiếng đi, ngon lắm!

TS John Stein, giám đốc Trung tâm khoa học Ngư nghiệp Tây Bắc Mỹ cho biết, chỉ trong năm 2014, các nhà khoa học ở đây đã dành 524 ngày khảo sát các con sông, 250 ngày khảo sát biển, thậm chí bỏ cả tháng trời bám theo một con cá voi sát thủ, công bố tới 105 bài báo khoa học… 

Nhưng một trong những công việc thú vị và cũng cực kỳ công phu, khiến nhiều người dành cả đời để theo đuổi chính là làm bà đỡ cho cá hồi Thái Bình Dương.

Họ xây dựng chương trình giám sát hơn 300 địa điểm với các thiết bị quan trắc, phân tích thông tin tinh vi, có thể chuyển dữ liệu và hình ảnh về trung tâm theo thời gian thực, nhằm giúp các nhà quản lý duy trì, phục hồi quần thể cá hồi gặp nguy hiểm.


MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.