Gây lãng phí phải bồi thường

Gây lãng phí phải bồi thường
TP - Ngày 18/7/2006, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 68/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiền phong đã trao đổi với ông Ngô Hữu Lợi - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), một trong những người trực tiếp chủ trì soạn thảo văn bản này.

Trên thực tế, vừa qua có tình trạng nhiều cơ quan sử dụng công quỹ làm quà biếu, quà tặng sai quy định. Trong trường hợp này, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào?

Điều 8 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhấn mạnh: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm về tình trạng lãng phí trong cơ quan, tổ chức mình”.

Như vậy, ngoài việc phải chịu trách nhiệm cá nhân với tư cách là một cán bộ, công chức nếu tự mình vi phạm gây lãng phí, người đứng đầu cơ quan, tổ chức còn phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra tình trạng lãng phí trong cơ quan, tổ chức của mình.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tới đây sẽ quy định cụ thể về các hình thức và mức xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong trường hợp để xảy ra tình trạng lãng phí trong cơ quan, tổ chức.

Nhìn chung thì tất cả các trường hợp vi phạm mà gây lãng phí thì đều phải bồi thường thiệt hại, đây là một chế tài xuyên suốt.

Đồng thời, người vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật nếu là cán bộ, công chức vi phạm trong thi hành công vụ hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu là tổ chức, cá nhân khác, trường hợp vi phạm đến mức cấu thành tội phạm thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổ chức Đảng, Chính phủ cũng vừa yêu cầu các địa phương, bộ ngành xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Để đưa Luật vào cuộc sống, chúng ta có cần một lộ trình thực hiện. Nếu có, sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào?

Thực hành tiết kiệm chống lãng phí là một cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước ta, được thể chế hoá bằng luật pháp. Cần phải có một lộ trình xuyên suốt để đạt đến kết quả là chúng ta sẽ có một xã hội tiết kiệm, không lãng phí.

Điểm xuất phát của lộ trình đó là phải bắt đầu từ việc xây dựng cho được ý thức tiết kiệm trong mỗi công dân, mà trước hết là trong đội ngũ cán bộ công chức, những người trực tiếp có trách nhiệm quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên trong từng cơ quan, đơn vị.

Đồng thời với quá trình nâng cao nhận thức phải phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm gây lãng phí thất thoát ngân sách, tài sản Nhà nước, tài nguyên thiên nhiên. Việc tôn vinh khen thưởng kịp thời các tấm gương tốt cũng cần được quan tâm.

Xin cảm ơn ông

Trong quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản Nhà nước hiện nay tình trạng lãng phí còn khá phổ biến, nhiều cơ quan đơn vị không thực hiện đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định.

Vi phạm phổ biến ở các lĩnh vực: Sử dụng kinh phí sai mục đích, vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Mua sắm, trang bị phương tiện, thiết bị làm việc sai đối tượng, vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Mua sắm, trang bị và sử dụng phương tiện đi lại vượt quá tiêu chuẩn quy định và quản lý, sử dụng còn nhiều lãng phí (sử dụng không đúng đối tượng, không đúng mục đích); Bố trí kinh phí chương trình, kinh phí nghiên cứu khoa học còn dàn trải, kém hiệu quả, nhiều đề tài giá trị thực tiễn thấp hoặc không khả thi; Việc quản lý sử dụng các nguồn vốn dự án, vốn viện trợ còn lãng phí, nhiều dự án chưa được xem xét, đánh giá cụ thể về chất lượng và hiệu quả...

MỚI - NÓNG