Gây tai biến tiêm chủng phải bồi thường

Gây tai biến tiêm chủng phải bồi thường
TP - Hôm qua (10/11), Quốc hội làm việc tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.  
Gây tai biến tiêm chủng phải bồi thường ảnh 1
Ảnh minh họa

Từ thực tế những vụ tai biến sau tiêm chủng trong thời gian gần đây, đại biểu Đặng Thị Thúy Nga (Hà Tây) cho rằng:

“Dự thảo Luật này cần quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc-xin, sinh phẩm y tế và cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng, phải chịu trách nhiệm về việc gây ra thiệt hại do những vi phạm của mình, nghĩa là phải bồi thường cho người bị rủi ro, tai biến sau tiêm chủng”.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Nguyên Phương (Bình Phước) đề nghị: “Luật nên quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của chính quyền địa phương, trong việc không khai báo, hoặc khai báo không đúng tình trạng bệnh dịch dẫn đến gây hậu quả với xã hội”.

Một số đại biểu khác lưu ý đến chính sách của Nhà nước đối với điều trị bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là với các chiến sĩ công an ở trại giam rất dễ bị phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm...

Giao TAND cấp tỉnh thẩm quyền ra quyết định dẫn độ

Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Tương trợ tư Pháp. Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, trong điều kiện hội nhập quốc tế, hoạt động tương trợ tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng.

Các quan hệ pháp luật về dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự có yếu tố nước ngoài phát sinh với quy mô ngày càng lớn, phạm vi rộng và tính chất ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh kịp thời trên cơ sở hợp tác, tương trợ tư pháp giữa Nhà nước Việt Nam với các nước có liên quan.

Theo đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An), việc dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù cũng là một phần của hình sự, do đó đưa các nội dung này trong một đạo luật là phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hoá) tỏ ra băn khoăn về việc đưa nội dung dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù vào luật này có phù hợp không, hay là tách ra thành luật riêng.

Về thẩm quyền ra quyết định dẫn độ, nhiều đại biểu nhất trí với quy định là giao cho TAND cấp tỉnh thẩm quyền ra quyết định dẫn độ. Bởi quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm cho người bị yêu cầu dẫn độ có thể tự bảo vệ mình trước toà án về yêu cầu dẫn độ của nước ngoài.

MỚI - NÓNG