Ghế Thống đốc chưa bao giờ hết... nóng!

Ngày 9/1/2018 thay mặt Ðảng, Nhà nước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Thống đốc Lê Minh Hưng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những thành tích đóng góp trong điều hành lĩnh vực ngân hàng.
Ngày 9/1/2018 thay mặt Ðảng, Nhà nước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Thống đốc Lê Minh Hưng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những thành tích đóng góp trong điều hành lĩnh vực ngân hàng.
TP - Tháng 8/2016, ông Lê Minh Hưng được Quốc hội bầu vào vị trí Thống đốc với tỷ lệ tín nhiệm cao 81,58%. Khi đó, đi kèm với những lời khen ồn ào về tân Thống đốc trẻ nhất lịch sử ngành - thành viên ít tuổi nhất Chính phủ (nhiệm kỳ 2016 - 2020) có cả hoài nghi: liệu người trẻ này có “đủ trình” và bản lĩnh để điều hành một trong những lĩnh vực nóng nhất nền kinh tế bấy lâu nay? Và chiếc ghế Thống đốc, trong nhiệm kỳ này có bị...” đốt” nóng?

2 năm làm “nguội” vàng, đô

Năm 2017, “trái ngọt”  thành công trong điều hành chính sách tiền tệ đã đến với toàn ngành ngân hàng.

Sau hơn một năm, người ta không còn nghe những ồn ào về ngân hàng “đi đêm” xé rào lãi suất. Câu chuyện về lợi ích nhóm và “sở hữu chéo” phía sau các nhà băng vốn rối như canh hẹ nay cũng được gỡ dần. Mùa đại hội cổ đông 2017, trái với “đồn đoán” ông trùm bất động sản này, “cha đẻ” nhà băng kia với cục tiền to ôm sẵn sẽ được ngồi vào ghế nóng chủ tịch Hội đồng quản trị hay “nhóm lợi ích” này sẽ “thâu tóm” nốt ngân hàng kia thì  cuối cùng tất cả đều diễn ra trong... trật tự. “Ai có tiền tươi thóc thật, nguồn tiền rõ ràng, có đủ đầy chuyên môn nghề và không vi phạm pháp luật, hãy làm ngân hàng”- Thông điệp của Thống đốc buộc thị trường và các nhóm lợi ích phải thực thi!

Năm 2017, thị trường vàng, ngoại tệ “êm dịu” đến bất ngờ. Kết thúc năm, sóng tỷ giá VND/USD lang thang mãi tận xa tít; vàng không có một cơ hội nào “ngóc đầu dậy” và Ngân hàng Nhà nước không phải  can thiệp “một xu ngoại tệ” nào cho việc nhập vàng. Đặc biệt hơn, nhà điều hành đã làm nên “kỳ tích” mà suốt 1 thập kỷ qua những người tiền nhiệm đều khát khao - nâng dự trữ ngoại hối Việt Nam lên mức hơn 53 tỷ USD! Trước mức dự trữ cao chưa từng có, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong phiên dự hội nghị ngành của Ngân hàng Nhà nước ngày 9/1/2018 đánh giá: Theo kế hoạch chúng ta mong đến năm 2020 dự trữ sẽ đạt 50 tỷ USD. Vậy mà đến nay đã đạt được 53 tỷ USD. “Tôi rất ngợi khen việc ngân hàng đã giữ ổn định đồng tiền Việt và tạo niềm tin cho người dân, cho xã hội đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại”, Thủ tướng nói.

Ghế Thống đốc chưa bao giờ hết... nóng! ảnh 1 Tiền đồng ổn định đang tạo niềm tin cho người dân, xã hội.

“Ghế nóng” đăng đàn

Tháng 11/2017, Thống đốc Lê Minh Hưng lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội sau một năm rưỡi ngồi ghế nóng. Sau này, trả lời Tiền Phong về cảm giác lần đầu, Thống đốc nhớ lại: “Cũng run lắm, hơn cả thi vấn đáp”!

Cữ ấy, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 14 phiên chiều 16/11/2017, có 48 đại biểu đăng ký chất vấn Thống đốc. Là thành viên trẻ nhất của Chính phủ, lần đầu “thi sát hạch” nhưng cuối cùng ông Hưng đã vượt qua với các câu trả lời khá ổn. Sau này dù có được đại biểu khen gây ấn tượng khi dẫn lại nhanh, chính xác đầy đủ họ tên mỗi đại biểu và các vấn đề trả lời “trúng” thì như Thống đốc Hưng thừa nhận: khá run bởi câu hỏi gửi trực tiếp, thời gian trả lời thì ngắn, chỉ kịp nhóm lại. “Nhìn xuống thấy hàng trăm ánh nhìn nghiêm ngắn về phía mình nếu không bình tĩnh rất dễ... ngợp”, ông Hưng kể.

Thấy gì từ trả lời chất vấn đầu tiên của Thống đốc? Nhận xét chung của các đại biểu đó là khá ấn tượng với việc ông Hưng luôn trả lời thẳng. Nói về  giá trị các dự án BOT giao thông trước mong muốn được “gỡ” về vốn, Thống đốc tỏ quan điểm: “Nhu cầu vốn cho đường cao tốc rất lớn và quan trọng, nhưng rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém. Ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng sẽ kiểm soát từng dự án, đảm bảo tránh rủi ro”.

Cũng tương tự về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong khi các đại biểu chung băn khoăn: đầu năm Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18%, có linh hoạt, nhưng đến nay Chính phủ yêu cầu nâng lên 21%, đặc biệt là tốc độ dự kiến cao trong hai tháng còn lại, liệu có gây áp lực đến lạm phát và chất lượng tín dụng trong tương lai, Thống đốc trả lời: mức tăng trưởng tín dụng 21% nói trên không phải chỉ đạo của Chính phủ. Và đây không phải chỉ tiêu bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải làm và ngành sẽ linh hoạt nắn vốn đi đúng vào trọng điểm của nền kinh tế.

Cảm nhận về lần đăng đàn đó của Thống đốc với những người lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng: ngoài bản lĩnh tốt, ông Hưng còn thể hiện nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, nắm kỹ tận “gốc rễ” vấn đề.

Chơi đúng luật!

Nói về những vụ đại án trong hoạt động ngân hàng đưa ra xét xử suốt hai năm qua, người đứng đầu ngành nói gì? Lần đầu xuất hiện trên cương vị đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, tại hội nghị toàn ngành giữa năm 2016, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu quan điểm: kiên quyết loại trừ những cá nhân "có vết", hay những trường hợp đã có vi phạm tuyệt đối không được trở lại tham gia quản trị, điều hành ngân hàng thương mại.

Cũng năm 2017, hệ thống ngân hàng phấn khởi khi nhờ quyết tâm của Chính phủ, lần đầu tiên, ngành đã thuyết phục được Quốc hội. Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được thông qua với tỷ lệ tán thành cao của các đại biểu. Còn nhớ trong phiên giải trình trước Quốc hội về dự thảo Nghị quyết nợ xấu, ông Hưng lần đầu công bố thông tin về số vụ vi phạm pháp luật của ngành trong thời gian qua, số cán bộ ngân hàng phải dính vòng lao lý. Thống  đốc nói: “Không có chuyện ngân hàng thủ tiêu nợ xấu, ai vi phạm người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngành chúng tôi đã phải trả giá và rất thấm điều này”.

Nghị quyết xử lý nợ xấu được ban hành kịp thời, hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu được giải phóng. “Khối băng” nợ xấu rã dần khiến các ngân hàng có điều kiện cho doanh nghiệp vay thêm và tiếp tục đẩy vốn vay ra nền kinh tế.

Nung nấu và nhuần nhuyễn

Năm 2017 tín dụng tăng 18,1% và trong tầm kiểm soát, tất cả những lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Không có chuyện ngân hàng vượt tăng tín dụng, các dự án “ảo”  hay doanh nghiệp “lởm” tiềm ẩn nhiều nợ xấu đều được dõi theo chặt chẽ. Năm 2018 và những năm sau, trọng tâm hoạt động ngành vẫn theo bài bản: tăng tín dụng lên 17% bơm vốn cho nền kinh tế; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống, rốt ráo xử lý nợ xấu, xây hàng rào pháp luật, đề cao đạo đức ngành, nâng quản trị ngân hàng lên một tầm cao mới; thực hiện một loạt các Đề án như Thanh toán không dùng tiền mặt; Chống đô la hoá...

Ở bên ngoài, ai đó sẽ chợt hỏi: Những “bước đi” trong điều hành quy củ như đã được lập trình? Nhưng thực chất, tất cả được “rút tỉa” từ quyết tâm và suy nghĩ, trăn trở của những lãnh đạo ngành bấy lâu nay.

“Vậy ghế Thống đốc với ông cho đến giờ này đã nguội?”-  Ông Hưng mở lòng: “ Nói thật, với tôi, ghế Thống đốc chưa bao giờ hết... nóng”.

“Hai năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cố gắng định hướng ngành đi theo một quỹ đạo bài bản. Tất cả kế hoạch, hành động, chương trình, chúng tôi đều phải “nung nấu” rất nhiều”.  

  Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

 

Tháng 11/2017, Quốc hội nhất trí thông qua sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng. Từ đây sẽ không có chuyện các ông bà chủ nhà băng “vung vít” cho vay “sân sau”, cũng không có chuyện ai muốn làm chủ ngân hàng cũng được; thậm chí các ông chủ doanh nghiệp buộc phải lựa chọn giữa ngân hàng hoặc doanh nghiệp. Hỏi Thống đốc: Làm vậy có căng quá không? - Trả lời: “Nghề ngân hàng vẫn có nhiều hấp dẫn và họ sẽ không từ bỏ, nhưng phải theo luật chơi của Ngân hàng Nhà nước”. Quả đúng vậy!

MỚI - NÓNG