Ghi ở vùng rốn lũ

Ghi ở vùng rốn lũ
TP - Sáng 5/11, mặc dù mưa đã ngớt nhưng lũ ở các sông như: Kôn, Lại Giang... vẫn vượt mức báo động 2, 3. Đặc biệt, nước rút rất chậm, khiến hàng chục ngàn căn nhà vẫn chìm trong lũ.
Ghi ở vùng rốn lũ ảnh 1
Người dân xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn phải đi lại bằng đò

Bình Định: 9 người chết và mất tích, hàng chục ngàn căn nhà chìm trong nước

Đến cuối giờ chiều ngày 5/11, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn bị chia cắt bởi nước lũ.  Tại các xã như Hoài Thanh, Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn ), hàng ngàn hộ dân vẫn bị nước lũ cô lập.

Chính quyền địa phương đang cứu trợ khẩn cấp gồm mì tôm, gạo để cứu đói cho bà con. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, công việc cứu trợ là hết sức khó khăn bởi thiếu trầm trọng phương tiện đi lại trong điều kiện nước lũ chảy xiết.

Tại huyện Tuy Phước, 13 xã, thị trấn cũng bị chia cắt hoàn toàn vì nước ngập từ 2 - 3 m, hơn 4.000 hộ dân các xã phía Đông của huyện cần cứu trợ khẩn cấp.

Hiện tại, nhiều nơi ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, An Lão, Hoài Nhơn, nhân dân phải đi lại bằng đò. Ngay tại TP Quy Nhơn, 2 phường Nhơn Bình và Nhơn Phú cũng bị ngập sâu 2 - 3 m.

Hệ thống đường sắt bị sạt lở, gây tắc nghẽn 3 đoàn tàu, khiến hàng trăm hành khách bị “ách” lại ở ga Diêu Trì (Tuy Phước). Quốc lộ 1D (Quy Nhơn – Sông Cầu) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông đường bộ.

Chiều 4/11, 2 ô tô biển số 77K – 8557 và 52Z – 2328 đang lưu thông trên QL1D đã bị đất sạt lở đè và nước cuốn trôi, may mắn không thiệt hại về người.

Ngày 5/11, hơn 300.000 HS các cấp ở Bình Định phải nghỉ học do mưa lũ. Rút kinh nghiệm 2 đợt lũ vừa xảy ra trong tháng 10, có nhiều học sinh chết đuối sau khi mưa tạnh do bất cẩn, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định đã có công văn chỉ đạo, trường nào có HS bị chết đuối trong đợt lũ này, hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật.

Đến cuối giờ chiều qua, 5/11, toàn tỉnh Bình Định đã có 7 người chết, 2 người mất tích. Như vậy, trong ngày 5/11 đã có thêm 3 người chết. Đó là em Lê Văn Nam (12 tuổi, trú Bình Tường, Tây Sơn) đi chăn bò bị nước cuốn trôi; em Nguyễn Đình Lập (1991, trú Nhơn Lộc, An Nhơn), bị lật ghe do nước xoáy và một nạn nhân ở Hoài Nhơn chưa xác định danh tính.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 ngày, tỉnh Bình Định đã có 9 người chết và mất tích, hàng chục ngàn căn nhà chìm trong nước, hàng trăm ngàn ha hoa màu mất trắng, ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.

Vùng cao Tây Trà bao giờ gượng dậy?

Trong đợt mưa lũ này, huyện vùng cao Tây Trà của tỉnh Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nhất. Đến nay, điện thắp sáng, thông tin liên lạc vẫn còn gián đoạn; đường giao thông phải mất 3 ngày mới có thể thông được xe.

Đưa chúng tôi đi thị sát, ông Hồ Bảo Xuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Lãnh lo lắng: Chỉ cần một trận mưa lớn đi qua là đường tắc nghẽn do sạt lở núi nên dẫn cán bộ đi bộ thế này sợ lắm.

Thật vậy, trên đường vào tổ 2, thôn Trà Lương chỉ có 7 km nhưng chúng tôi phải đi mất hơn 2 giờ đồng hồ, bắt gặp hơn 10 điểm sạt lở với hàng ngàn mét khối đất, đá. Nặng nhất là đoạn đèo Eo Chim. Dọc 2 bên đường cây đổ ngổn ngang, nhiều ngôi nhà xiêu vẹo, tốc mái. Theo anh Xuyên, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã khó khăn, nay gặp mưa lũ thế này thì không biết bao giờ mới gượng dậy được.

Anh Hồ Văn Vương, tổ 1 thôn Trà Linh tâm sự trong nỗi bàng hoàng: Đang lúc gia đình ăn sáng thì trời mưa dữ dội, sau đó là những cơn gió mạnh thổi liên hồi, ngôi nhà nghiêng theo chiều gió, cả nhà chạy ra ngoài thì ngôi nhà bị đổ sụp xuống trong giây lát.

Tiếp đó, một cây gòn đường kính khoảng 70cm, cao hơn 20m, đổ đè lên ngôi nhà vừa sập. Anh Vương nói tiếp: Thấy gia đình gặp nạn, chính quyền đã huy động lực lượng thanh niên xung kích đến giúp  dựng lại nhà và hỗ trợ 1 thùng mì tôm, 10kg gạo, 1 tấm bạt.

Nhà anh Hồ Văn Bộ, cách nhà anh Vương không xa, toàn bộ phần vách, mái nhà bị lốc cuốn bay hết, cột nhà thì xiêu vẹo. Bà Hồ Thị Vương thì lo lắng: Nhà bị sập, không có nơi ở, mình sang nhà bên ở tạm, nhưng ở hoài đâu được. Sáng nay, trời hết mưa, bà con trong xóm đến giúp dựng lại nhà, chính quyền cũng có hỗ trợ tấm bạt, lương thực nhưng cũng chỉ đủ nấu mấy bữa mà thôi.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện có 40 ngôi nhà bị sập, xiêu vẹo, tốc mái; hàng ngàn cây quế, lồ ô, cau bị gãy đổ. Đường từ trung tâm huyện về 8 xã chỉ có thể đi bộ, phải mất 3 ngày nữa nếu trời không mưa thì mới có thể vận chuyển lương thực hỗ trợ dân. Có một trường hợp bị mất tích là chị Hồ Thị Keo, 21 tuổi, ở thôn Kà Neo, xã Trà Phong. Chị đang theo học lớp y tế thôn bản của trường Trung cấp Y Quảng Ngãi, bị nước lũ cuốn trôi.

Quảng Ngãi: Sạt lở núi, 2 giám đốc bưu điện bị chôn vùi

Vào lúc 16 giờ chiều ngày 5/11, tại Km 15 tuyến đường Trà Bồng-Tây Trà thuộc xã Trà Lãnh, huyện Trà Bồng, hơn 15 công nhân ngành bưu điện 2 huyện Trà Bồng, Tây Trà và tỉnh Quảng Ngãi đang khắc phục hệ thống cáp quang trên tuyến đường này thì một quả núi đổ nhào xuống. Hậu quả có 2 người chết là ông Dũng, Giám đốc Bưu điện huyện Tây Trà; ông Vân, Giám đốc Bưu điện Dung Quất và 5 công nhân khác bị thương rất nặng. Do trời tối nên đến khuya vẫn chưa tìm thấy thi thể của 2 nạn nhân này. Phú Đức

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.