Giá

Giá
TP - Bà cụ bán nước nơi tôi ở trọ trước đây rất lạ. Tuy bị câm nhưng cụ vẫn nghe, vẫn hiểu khách cần gì thật nhanh. Nhưng lạ hơn là chuyện cùng một cốc trà đá, khi giá chung là một ngàn cụ chỉ lấy năm trăm đồng đối với một số người đặc biệt.

Người đặc biệt cũng không… đặc biệt gì lắm, họ chính là những sinh viên nghèo, anh lái xe ôm, bác đạp xích lô, mấy anh thợ xây hay là người mà cụ xác định là người lao động nghèo, bất kể quen hay không.

Bây giờ một cốc trà đá lên giá hai nghìn thì những người đặc biệt ghé hàng cụ vẫn được bán giá ưu đãi một nghìn đồng.

Đi ra khỏi con ngõ lại nghe, lại thấy bao chuyện trái ngược. Người nghèo bị ăn chặn tiền chính sách, ngư dân, nông dân đều đã từng bị ăn chặn, thuốc suy dinh dưỡng của trẻ em cũng bị rút ruột.

Trong những đợt bão lũ, khó khăn chồng chất khi nhà cửa tan hoang, đói rét thiếu thốn trăm bề thì lại phải đối mặt với những kẻ quen trục lợi người yếm thế: Gói mỳ tôm, miếng tôn lợp nhà sau bão bán gấp hai, ba lần, thậm chí còn cao hơn...

Một địa phương bị sạt lở núi giao thông bị ách tắc khiến cho người dân qua lại khốn khó. Muốn có người đẩy hộ xe phải chi mất mấy chục ngàn, thậm chí cả mấy trăm ngàn.

"Vượt dốc năm chục, qua hục ba trăm". Nỗi khổ vì tai họa do trời đã lớn nỗi đau vì người bắt chẹt người xót xa như xát muối vào lòng.

Bây giờ đang ở những ngày áp Tết lại nghe bao chuyện chặt chém, cứa cổ người tiêu dùng, mà số đông là người nghèo. Đi tàu xe giá gấp đôi.

Hành khách là sinh viên, công nhân, bộ đội về quê gấp cho kịp Tết. Lên xe, họ bị nhồi nhét vô tội vạ bao nhiêu người cũng vừa…

Nơi bến tàu, bát phở cũng thét giá trên trời, người ăn số đông cũng vẫn là những người nghèo xa nhà tha hương.

Mới hôm qua thôi, khi tôi chờ xe buýt liền tạt vào một quán nước gọi một cốc trà đá, uống xong bà chủ quán thét giá năm nghìn. Chén trà chát đắng. Không có hậu.

Cảm giác ấy không phải vì tôi mất thêm ba nghìn so với giá ngày thường mà tôi mất đi cái gì đó khó gọi thành tên.

Bỗng nhớ bà cụ bán trà ở ngõ nhà tôi quá đi! Giá mà…

MỚI - NÓNG