Giá điện giờ cao điểm: DN bị đội chi phí cao hơn dự tính của Bộ

Giá điện giờ cao điểm: DN bị đội chi phí cao hơn dự tính của Bộ
TP - Kết quả kiểm tra ảnh hưởng của cơ chế giá điện giờ cao điểm tại các tỉnh Tiền Giang, Long An và thành phố Hà Nội do Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương công bố cho thấy nhiều doanh nghiệp bị đội chi phí ở mức trên 10-22 phần trăm.
Giá điện giờ cao điểm: DN bị đội chi phí cao hơn dự tính của Bộ ảnh 1
Hình minh họa. Ảnh: Trần Việt

Kết quả kiểm tra bốn doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang cho thấy chi phí tiền điện tăng thêm ở Cty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương là 10 phần trăm; của Cty cổ phần Gò Đàng tăng thêm 2 phần trăm; Cty TNHH Nam of London tăng khoảng 12 phần trăm và Cty TNHH Thuận Phong tăng thêm 10 phần trăm.

Tại tỉnh Long An, chi phí tiền điện của Cty TNHH Giầy Ching Luh bị đội thêm 7 phần trăm và của Cty TNHH Thủy sản Simmy là 7 phần trăm.

Tại thành phố Hà Nội, đáng chú ý việc áp dụng giá điện giờ cao điểm mới làm tăng chi phí tiền điện của Cty cổ phần May 10 lên tới 22 phần trăm còn với Cty cổ phần Khóa Việt Tiệp là 12 phần trăm. Tại Cty Dệt kim Đông Xuân, giá điện giờ cao điểm làm tăng chi phí tiền điện của đơn vị này lên thêm 6 phần trăm.

Theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, đối với các doanh nghiệp sản xuất một ca, chi phí tiền điện theo tính toán tăng thấp nhất là 2 phần trăm và cao nhất 22 phần trăm; và mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất hoặc tổng doanh thu của doanh nghiệp khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm mới là rất nhỏ (0,04 phần trăm - 0,76 phần trăm).

Cục Điều tiết Điện lực cũng đề nghị, để đánh giá chính xác ảnh hưởng của cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng đến toàn bộ nền kinh tế, cần khảo sát toàn diện trên cả nước để có được tỉ trọng số đơn vị sản xuất làm việc một ca so với tổng số các đơn vị sản xuất của cả nước.

"Cơ chế giá điện giờ cao điểm sáng vừa được áp dụng trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp hiện đang bắt đầu sắp xếp, tổ chức lại sản xuất nên việc đánh giá ảnh hưởng chưa thể xét đến khả năng có thể giảm mức tăng chi phí tiền điện của doanh nghiệp sau khi tổ chức lại sản xuất"- Cục Điều tiết Điện lực cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia am hiểu về ngành điện cũng cho rằng cần phải có một cuộc điều tra đầy đủ trên diện rộng ở các tỉnh thành về tác động của giá điện cao điểm.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, không hoạt động được hết công suất do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế.

Chính vì vậy chi phí tăng thêm của giá điện giờ cao điểm có thể còn ở mức cao hơn nếu như doanh nghiệp hoạt động hết công suất như trước đây.  

Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp FDI tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp đã kêu về việc chi phí tiền điện bị tăng khá cao. Đại diện một doanh nghiệp FDI ở Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cho biết chi phí tiền điện bình quân của đơn vị này vào khoảng hơn 400 triệu/tháng và sau tháng đầu tiên áp dụng giá điện mới chi phí tiền điện của đơn vị này đã bị đội thêm gần 50 triệu đồng.

Chi phí giá điện tăng thêm này được doanh nghiệp tính vào giá thành sản phẩm và như vậy sản phẩm bị tăng giá đáng kể.

MỚI - NÓNG