Giá điện giờ cao điểm: Sẽ tháo gỡ cho từng đối tượng

Giá điện giờ cao điểm: Sẽ tháo gỡ cho từng đối tượng
Nhiều địa phương, đại diện các hiệp hội ngành hàng trong nước tiếp tục có văn bản phản ứng về quy định giờ cao điểm mới trong giá bán điện. Bộ Công thương phản ứng như thế nào về tình hình này.

>> Giá điện theo giờ cao điểm: Doanh nghiệp kêu khó !

Trả lời phỏng vấn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết:

- Hiện chúng tôi đã nhận được văn bản góp ý của một số địa phương, hiệp hội về giá điện mới, đặc biệt là cách tính giờ cao điểm với giá điện sản suất và Bộ Công thương đang nghiên cứu giải quyết. Những ý kiến đề xuất trên là chính đáng, xuất phát từ khó khăn thực tại.

Để giải quyết nghiêm túc những vướng mắc của doanh nghiệp (DN), chúng tôi đang chuẩn bị thành lập một đoàn công tác đi nắm bắt tình hình thực tế để tìm phương án giải quyết hợp lý.

Thưa ông, hướng giải quyết, theo chủ trương của lãnh đạo Bộ Công thương sẽ thế nào vì thực tế với giờ cao điểm được tăng lên, chắc chắn chi phí điện của DN cũng tăng lên không chỉ 6-7,5% với điện sản xuất?

- Chúng tôi đã tiếp nhận những ý kiến của DN về khung thời gian từ 9h30-11h30 là cao điểm và sẽ có văn bản trả lời báo.

Chúng tôi sẽ đi thẩm tra, nếu trường hợp nào đang phải chịu giờ cao điểm từ 9h30-11h30 trong khi thật sự không thể chuyển sang ca đêm được thì sẽ tìm biện pháp tháo gỡ riêng cho từng đối tượng.

Còn tổng thể không thể điều chỉnh được vì chủ trương nhà nước là phải chống thiếu điện, tránh giờ cao điểm. Do đó, DN trong bối cảnh còn thiếu điện hiện nay cần phải tránh sử dụng nhiều vào giờ cao điểm.

Mục đích tăng giờ cao điểm là để tiết kiệm điện, phù hợp với tình hình hiện nay chứ không phải tăng giá. Nếu DN không có đủ động lực tránh giờ cao điểm thì nhiều nơi khác sẽ phải cắt điện.

Đây là bài toán chúng ta phải giải vì các DN không ai muốn phải mất thêm tiền. Nhưng hiện có nhiều DN như bên ngành thép đã chuyển sang làm ca đêm và giảm được chi phí. Đa số DN vẫn làm ca ngày trong khi hoàn toàn có thể chuyển được sang làm ca đêm để giảm tải cho giờ cao điểm, tránh cắt điện.

Đoàn khảo sát của chúng tôi sẽ xem xét cụ thể các trường hợp.

Thực tế rất ít có DN nào điều chỉnh tránh được giờ cao điểm từ 9h30-11h30. Vì vậy, nếu chỉ xem xét cho vài DN sẽ khiến không công bằng, nhiều DN phân bì nhau?

- Giờ cao điểm là từ 9h30-11h30 có phù hợp không, thực tế triển khai có vấn đề gì...? Chờ đoàn khảo sát của chúng tôi đi kiểm tra, sau đó Bộ Công thương sẽ tổng hợp tình hình để đưa ra giải pháp.

Còn việc có thể tháo gỡ cho một số DN do đặc thù không thể chuyển sang làm ca đêm, các DN khác có thể không ủng hộ. Nhưng quan điểm của chúng tôi là DN nào có thể chuyển sang làm ca đêm thì phải có động lực để họ chuyển. Đây là vì lợi ích chung của nền kinh tế.

Thực tế các DN làm một ca ban ngày sẽ bị ảnh hưởng lớn từ quy định mới về giờ cao điểm. Còn lại các DN làm hai ca, chi phí có tăng nhưng không phải nhiều.

Bao giờ đoàn sẽ đi thẩm tra và thời gian thẩm tra kéo dài bao lâu, thưa ông?

- Chúng tôi đang tổ chức và đoàn kiểm tra sẽ đi trong thời gian sớm nhất. Tinh thần sẽ phải làm nhanh để DN sớm ổn định việc sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, Tiền Giang:

Bộ Công thương chưa thấu hiểu...

- Đến nay, sau hơn 20 ngày áp dụng, không phải chỉ có tôi mà tất cả DN sản xuất như tôi đều cho rằng quy định mới về giờ cao điểm là rất bất hợp lý.

Đặc thù của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu như chúng tôi là sản xuất liên tục, nên không thể đừng lại để né giờ cao điểm được. Ngành chế biến thủy sản còn có đặc điểm khác nữa là sản xuất theo mùa vụ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và việc khai thác, đánh bắt nguyên liệu. Khi có nguyên liệu chúng tôi phải sản xuất theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế mới xuất khẩu được chứ làm sao dừng lại né giờ cao điểm.

Việc đưa ra giờ cao điểm mới nhằm khuyến khích DN sắp xếp lại sản xuất, bởi nếu làm giờ thấp điểm tiền điện chỉ bằng 1/4 so với giờ cao điểm. Vì sao DN ông không chọn theo hướng đó?

- Không biết Bộ Công thương có sắp xếp được hay không chứ tôi và các DN chế biến thủy sản “bó tay”.

Một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với ngành chế biến thủy sản xuất khẩu là hàng phải tươi sống. Ban ngày nhập hàng về phải chế biến ngay chứ không thể chờ tới nửa đêm mới làm.

Nếu làm theo khuyến cáo của bộ, hàng không còn tươi, bị hư hỏng ai chịu trách nhiệm? Làm việc ban đêm không ai đủ tỉnh táo như ban ngày. Như vậy không ai dám đảm bảo hàng sản xuất ra đảm bảo chất lượng.

Thật ra tôi cũng hiểu quy định này buộc người sử dụng điện phải cân nhắc làm sao để khỏi bị ảnh hưởng đến túi tiền của mình. Khi đó sẽ giúp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo tôi, sản lượng điện tiết kiệm không nhiều bởi chỉ có người dân sử dụng điện sinh hoạt mới né giờ cao điểm. Mà ban ngày không phải là cao điểm sử dụng điện sinh hoạt.

Còn sản xuất theo quy trình khép kín như chúng tôi chỉ có cách chấp nhận trả tiền điện gấp đôi. Chúng tôi đã tính rất kỹ rồi. Quy định này làm Công ty Gò Đàng phải trả thêm 1,5 tỉ đồng tiền điện trong năm 2009, tăng 16,5% so với cách tính cũ. Do đó người hưởng lợi chính ở đây là ngành điện!

Theo ý kiến cá nhân ông, nên quy định về giá điện và giờ cao điểm như thế nào là hợp lý?

- Chỉ có một cách duy nhất: hãy hủy bỏ ngay quy định này! Áp dụng theo quy định cũ sẽ hợp lý hơn. Với cách tính tiền điện và giờ cao điểm mới, giá thành sản phẩm của công ty chúng tôi đã tăng thêm khoảng 17%, nên cạnh tranh rất khó khăn. 

Theo Cầm Văn Kình, Vân Trường
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG