Gia đình khí tượng

Trạm khí tượng thủy văn đảo Song Tử Tây (ảnh lớn); Ông Võ Thống (ảnh nhỏ). Ảnh: Nguyễn Đình Quân.
Trạm khí tượng thủy văn đảo Song Tử Tây (ảnh lớn); Ông Võ Thống (ảnh nhỏ). Ảnh: Nguyễn Đình Quân.
TP - Cả nhà ông Võ Thống ở Bình Định đều làm trong ngành “đo gió đếm mưa”, thay nhau ra Trường Sa, biền biệt xa vợ con, bầu bạn với bão to sóng dữ.

Sáu người trong đại gia đình ông Võ Thống (ở thôn Phụng Du 2, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) cùng công tác trong ngành khí tượng.

Người cô độc nhất thế gian?

Trạm Khí tượng Hoài Nhơn (xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn) có 5 cán bộ trực luân phiên, mỗi ca trực kéo dài 24 giờ, nắm số liệu về mây, gió, nhiệt độ, độ ẩm... rồi gửi về Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ ở Nha Trang để tổng hợp và đưa ra các bản tin dự báo thời tiết.

Trạm trưởng Võ Thống (56 tuổi) đang trong ca trực. Tôi đến đúng lúc ông vào “ốp” (tức OBS - thuật ngữ ngành khí tượng chỉ thời điểm đi thu thập số liệu quan trắc). Ông chỉ kịp chào khách rồi đi ra khu đất trống được gọi là vườn quan trắc. Ông đến nơi, đặt các thiết bị đo gió, đo mưa, đo nhiệt độ mặt đất, đo bốc hơi…, cẩn thận ghi vào sổ rồi chạy về phòng làm việc để nhập dữ liệu. Toàn bộ số liệu vừa thu thập được chuyển về Trạm Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ. Ông nói một ngày có 8 “ốp” như vậy, phải căn đúng giờ và nhập số liệu chính xác.

Ông Võ Thống “đo gió đếm mưa” đã được 38 năm, nhớ mãi những đêm ngày đội mưa gánh bão ở Trường Sa. Các con ông nối gót ông ra Trường Sa, để lại quê nhà bao nhung nhớ, nơi có cháu nhỏ chưa lần biết mặt cha.

Ở Trạm Khí tượng Hoài Nhơn, ông Thống là người lớn tuổi nhất, đã có 38 năm trong nghề. Trước khi về làm tại trạm gần nhà, ông từng công tác ở nhiều nơi, trong đó có Trường Sa. Tôi thắc mắc: “Có phải người làm nghề này được ví như  người “cô độc nhất thế gian” như hình ảnh anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long? Ông cười: “Chỉ đúng một nửa thôi, với những ai yêu và gắn bó được với nghề thì nhất định sẽ tìm được niềm vui với nghề và nuôi dưỡng đam mê”.

Công việc thường ngày của ông và nhân viên trong trạm là đo gió, mưa, nắng, mây, đo chấn động mặt đất để phục vụ công tác dự báo trước thời tiết hằng ngày. Nắng, mưa vẫn chừng ấy công việc, bão lũ thì phải túc trực 24/24 giờ để thường xuyên cập nhật số liệu. Gần 40 năm với công việc lặng lẽ này, ông Thống dần hình thành thói quen… nói chuyện với chính mình hoặc lẩm nhẩm vài câu thơ để làm vui.

Gia đình khí tượng ảnh 1

Trạm khí tượng thủy văn và hải đăng đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Đình Quân.

Nguy cơ bị gió cuốn xuống biển

Trong 38 năm công tác trong ngành khí tượng, ông Thống ấn tượng nhất với những ngày tháng sống và làm việc ở Trường Sa. Năm 2007, ông Thống xung phong nhận công tác Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa ở đảo Trường Sa Lớn. Năm sau, ông được chuyển sang làm Trạm trưởng Trạm Khí tượng trên đảo Song Tử Tây cho đến năm 2010. Trạm khí tượng nơi ông làm việc nằm cạnh bia chủ quyền của đảo. Trạm có 3 cán bộ, luôn gắn bó với nhau như anh em ruột thịt.

Ở đảo, không khí, gió mang độ mặn cao nên máy móc tại đây cũng dễ bị hư hỏng, cán bộ phải kiêm luôn việc bảo dưỡng thiết bị. Mùa mưa bão, họ phải thực hiện “ốp” thường xuyên, khoảng 30 phút một lần. Nhiều đêm bão lớn, gió giật ầm ầm, bước ra ngoài có thể bị gió cuốn đi mất, nhưng các cán bộ vẫn ra vườn nắm số liệu để kịp thời báo cáo về đất liền.

Quần đảo Trường Sa là một trong những nơi đầu tiên hứng chịu bão trên biển Đông trước khi bão đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Nhiều đảo ở đây có âu tàu - chỗ neo đậu tránh trú bão của tàu thuyền ngư dân đánh bắt trên biển. Do vậy, những số liệu về thời tiết mà hai trạm khí tượng trên quần đảo này cập nhật đóng vai trò quan trọng trong công tác dự báo thời tiết.

“Làm công tác khí tượng ở đảo thì phải luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn, gian khổ. Nhưng khi ý thức được công việc của mình góp phần bảo vệ hàng vạn ngư dân đang hoạt động trên biển thì càng yêu mến nó hơn. Và khi đã ở Trường Sa rồi thì càng nhận thức rõ hơn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Thống nói.

Gia đình khí tượng ảnh 2

Ông Thống và con trai giờ là đồng nghiệp.

Thay nhau ra Trường Sa

Sau thời gian công tác trên đảo, năm 2010, ông Thống về lại đất liền, nhận công tác tại Trạm Khí tượng Hoài Nhơn. Hồi đó, trạm còn đóng ở xã Hoài Hảo gần nhà nên ông thường dẫn các con nhỏ đi theo. Riết rồi quen, các con ông dần “lây” bệnh nghề nghiệp của bố, thích ngó nghiêng trời đất, xem những con số. Lúc đó, do hoàn cảnh gia đình nên mấy người con cũng chỉ tốt nghiệp THPT. Ông Thống vẫn đau đáu với việc học của các con. Đến khi dành dụm đủ tiền, ông thúc giục các con đi học tiếp. Cả 3 anh em đều chọn học ngành khí tượng tại Trường Cao đẳng Tài nguyên - Môi trường TPHCM.

Năm 2010, khi ông Thống từ đảo Song Tử Tây về đất liền, con trai đầu là Võ Thanh Hải nhận công tác tại Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa ở đảo Trường Sa Lớn. Hơn một năm sau, khi anh Hải xin về đất liền công tác (vì mới cưới vợ), em trai Võ Thành Tín ra đảo Trường Sa Lớn công tác. Tháng 4/2014, anh Tín về đất liền, công tác tại Trạm Khí tượng Hoài Nhơn cho đến nay.

Anh Tín kể, hồi đó, anh và người yêu quen nhau đã hơn 7 năm, đang tính chuyện cưới xin thì nhận được lệnh công tác tại Trường Sa. Khi thấy anh tính chuyện hoàn thành 3 năm công tác tại Trường Sa rồi mới về đất liền làm đám cưới, cô người yêu khóc miết không chịu. Cuối cùng, anh cưới vội để kịp đi công tác. “Đằng đẵng 3 năm nhớ nhung mới được đoàn tụ, giờ vợ chồng mình vừa mới sinh được đứa con đầu lòng”, anh Tín chia sẻ.

Anh Võ Thanh Hải về đất liền được một năm, chào đón con đầu lòng ra đời, rồi lại ra đảo nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Khí tượng đảo Song Tử Tây. Ở nhà, vợ anh tiếp tục sinh con trai, nay đã hơn 1 tuổi, nhưng vẫn chưa được gặp cha.

Con gái ông Thống, chị Thu Hương, hiện là cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ. Chồng chị Hương, anh Đào Bá Cao, hiện là Phó trạm trưởng Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa. Em trai ông Thống là ông Võ Thái Hoàng, đang công tác tại Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ.

“Cả nhà đều trong nghề này nên cứ luân phiên nhau đi miết, ít khi gặp mặt đông đủ. Tết nhất cũng cứ điện thoại chúc Tết nhau từ trạm này qua trạm kia. Ấy thế mà ai cũng vui, yêu nghề, vậy cũng là hạnh phúc, đáng hãnh diện phải không cô”, ông Thống cười giòn tan.

MỚI - NÓNG