Gia đình liệt sĩ phải đi ở nhờ

Gia đình liệt sĩ phải đi ở nhờ
Nhà dột nát, chị Lê Thị Tịnh đành phải khăn gói ra ở với con gái tại công sở Bưu điện xã. Thế là di ảnh liệt sĩ Lê Văn Thân và tấm bằng Tổ quốc ghi công phải nằm lại nơi ngôi nhà hoang vắng dột nát.

Chị Lê Thị Tịnh sinh năm 1953 và Lê Thị Thanh sinh năm 1980, quê ở xóm 2, xã Sơn Trà - Hương Sơn - Hà Tĩnh là vợ và con của liệt sỹ Lê Văn Thân, nhập ngũ tháng 1/1975, chiến đấu và hy sinh tại xã Bắc Xạn tỉnh Xavanakhét - nước CHDCND Lào.

Sau ngày chồng hy sinh chị Tịnh ở vậy nuôi con đến giờ.

Gia đình bên ngoại của chị Tịnh bố mẹ đã già yếu. Có một anh trai cũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bản thân chị Tịnh lại đau ốm luôn nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đây gia đình chị gây dựng vốn liếng được một con bò, bị kẻ xấu bắt trộm. Nhà làm ruộng không còn sức cày kéo. Sơn Trà lại là xã miền núi quanh năm đồng ruộng thiếu nước. Gia đình chị Tịnh càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Cháu Lê Thị Thanh gắng gỏi lắm mới học xong lớp 12. Nhà không có điều kiện cho con học lên. Thanh chấp nhận ở nhà giúp mẹ.

Năm 2000 nhờ có trạm Bưu điện văn hóa xã, Thanh được địa phương ưu tiên chọn vào trực điện thoại, ăn ở tại văn phòng, khoản tiền thu nhập hàng tháng chỉ đủ nuôi mình.

Gia đình liệt sĩ phải đi ở nhờ ảnh 1
Chị Tịnh trước ngôi nhà dột nát

Chị Tịnh lâu nay tạm trú trong túp lều làm bằng gỗ tạp lợp lá cọ. Cuối năm 2003 nhà hư hỏng dột nát không thể ở được. Phong trào ngói hóa cho những gia đình nghèo, địa phương có quan tâm nhưng cũng chỉ hỗ trợ cho mỗi hộ 700.000đ tiền mua ngói.

 Với khung gỗ như vậy không thể chồng ngói lên, chị Tịnh đành phải khăn gói ra ở với con gái tại công sở Bưu điện xã. Thế là di ảnh liệt sĩ Lê Văn Thân và tấm bằng Tổ quốc ghi công phải nằm lại nơi ngôi nhà hoang vắng dột nát.

Một ngày đầu tháng 7/2005, chúng tôi đến nhà chị Tịnh chứng kiến cảnh rất thương tâm. Ngôi nhà dột nát đến mức không thể ở được. Mái trước còn nhiều chỗ lành, mưa nắng chưa lọt vào. Mái sau của gian buồng nhiều chỗ đã rách nát phải che bằng bạt ni lông.

Trên bàn thờ liệt sĩ Lê Văn Thân gồm di ảnh và tấm bằng Tổ quốc ghi công được đặt trên mảnh ván có bề rộng chừng 20cm rồi dùng dây treo lên những thanh rui tre của mái nhà. Phía bên phải là bình cắm hương, bên trái là một lon bò húc.

Đã từng đến thăm hàng trăm gia đình liệt sỹ nhưng tôi chưa thấy một bàn thờ nào chông chênh và cám cảnh như thế.

Tôi nâng máy ảnh lên mấy lần rồi hạ xuống nước mắt cứ tự nhòe ra như đứng trước người ruột thịt của mình, với lời tự vấn: “Sao nỡ để một người đã hy sinh vì nghĩa lớn phải ở trong tình trạng này”.

 Nỗi lòng và điều mong ước

Biết rằng xã Sơn Trà còn nghèo, chính quyền địa phương không có tiền để làm nhà tình nghĩa. Vấn đề là xã đã có báo cáo về hoàn cảnh gia đình chị Tịnh lên cấp trên hay chưa?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo xã về việc đang tìm nguồn để xây nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ Lê Văn Thân.

Gia đình liệt sĩ phải đi ở nhờ ảnh 2
Di ảnh và bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lê Văn Thân

Việc phải nương nhờ ở tạm nơi cơ quan Bưu điện xã của mẹ con chị diễn ra đã gần 2 năm.

Thắp một nén nhang cho anh, chị Tịnh nghẹn ngào: “Nhà mối mọt hư hỏng hết rồi, ở lại đêm nằm sợ nó sập. Phải liều mà đi. Từ ngày lên ở với con để lại ông một mình tui thấy có tội với ông lắm. Nhưng cũng không còn cách nào khác. Muốn đưa bàn thờ ông theo nhưng nhà Bưu điện xã không thể là nơi để hương khói cho ông được...

Thôi đành thỉnh thoảng mẹ con tôi về bên nhà quét dọn sửa sang để rằm và mồng một thắp hương thờ phụng ông”. Hoàn cảnh chị là thế lẽ nào cứ để nỗi thương tâm này kéo dài thêm?

Qua báo Tiền Phong, mong rằng các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội tạo điều kiện giúp đỡ mẹ con chị Tịnh sớm có một ngôi nhà tình nghĩa để đón rước liệt sĩ Lê Văn Thân về sum họp trong gia đình cùng vợ con.

MỚI - NÓNG