Gia đình người "1 ngón"

Gia đình người "1 ngón"
Chưa rõ nguyên nhân, một số người trong dòng họ khi sinh ra mỗi bàn tay chỉ có 1 ngón. Họ vẫn sống và làm việc bằng đôi tay kỳ lạ của mình mà khối người lành lặn say mê, khát khao.
Gia đình người "1 ngón" ảnh 1
Ông Nguyễn Hữu Tiến dùng 2 ngón tay để rót nước

Căn bệnh bí ẩn

Năm nay đã ngót 70 tuổi, nhưng ông Nguyễn Hữu Tiến, ở thôn Hoàng Lý, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vẫn không biết vì sao gia đình, dòng họ nhà ông lại bị căn bệnh lạ lùng này.

Thời bố mẹ, ông bà của ông đều bình thường. Gia đình có 6 người con, thì ông và người em thứ ba đều có "tứ chi lạ": Mỗi bàn tay chỉ có một ngón, bàn chân có 2 ngón. Trong khi đó, người em trai thứ hai và 3 người chị em gái đều bình thường.

Tưởng rằng đó là khuyết tật "tức thời" nên cũng không ai để ý. Lớn lên, ông lấy vợ và sinh được 7 người con gái, trong đó 1 người có bàn tay y hệt bố. Người em trai của ông sinh được 2 người con thì cả hai đều bị chứng "tay một ngón".

Khi ấy mọi người mới thực sự lo sợ và câu hỏi "Vì sao thế?" luôn được đặt ra và ám ảnh gia đình ông và cản những người dân trong khu vực.

Chuyện càng trở nên nặng nề hơn khi vợ ông qua đời, ông lấy người vợ thứ hai. Ông đã vui mừng khôn xiết khi biết vợ sẽ sinh con trai. Nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn vì tay cậu bé cũng chỉ có một ngón.

Ông không tin vào chuyện bói toán, nhưng nhiều người trong gia đình giấu ông đi xem bói ở nhiều nơi. Mỗi thầy phán một kiểu và không ai biết vì sao căn bệnh lạ lùng ấy xuất hiện và nó còn trở lại nữa hay không.

Ông kể rằng, cũng đã một vài lần có người về "nghiên cứu" và cho rằng chắc chắn đây không phải do ảnh hưởng của chất độc hóa học, cũng không phải là bệnh phong, nhưng cụ thể là gì thì...chịu.

Bởi lẽ các em gái, và hầu hết các con gái của ông đều có gia đình, sinh con khỏe mạnh, bình thường. Thế nhưng cụ thể căn bệnh "1 ngón" của gia đình ông là do đâu, nó có trở lại ở thế hệ sau nữa không thì vẫn còn là điều bí ẩn!

Tài hoa..."1 ngón"

Gia đình người "1 ngón" ảnh 2

Hai bố con đều "1 ngón" nhưng rất hạnh phúc

Thoát khỏi những mặc cảm tật nguyền, ông Tiến có vẻ rất "tự hào" về hai ngón tay của mình. Ông bảo, người xưa có câu "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay". Nhưng với ông thì câu đó... không đúng lắm!

Chẳng biết có phải do trời bù đắp hay không nhưng chỉ với 2 ngón tay,ông có thể làm bất cứ việc gì một cách rất chuẩn. Thậm chí, lúc nhỏ ông còn là tấm gương về học tập để nhiều bạn lành lặn học theo.

Ông kể, hồi nhỏ nhìn người ta đi xe đạp, ông luôn mơ làm được như thế. Nhưng chỉ với "chân 2, tay 1" (chân 2 ngón, tay 1 ngón) thì đi được làm sao. Thế rồi với quyết tâm phi thường ông cũng làm được cái việc bị coi là hoang đường ấy. Thậm chí sau này ông còn đi xe máy như ai.

Tốt nghiệp trường Ngoại ngữ ở Hà Nội, ông từng làm phiên dịch tiếng Trung một thời gian dài cho nhiều đoàn công tác. Sau đó, ông giảng dạy ở trường Nguyễn Huệ, Hà Đông để rồi lại chuyển sang công tác ở ngành ngân hàng.

Tại Ngân hàng Công thương Hà Nam, ông nhiều năm giữ chức Trưởng phòng Tổ chức. Rất nhiều lớp cán bộ được ông tuyển chọn, đào tạo hiện nay đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong ngành ngân hàng, kho bạc ở tỉnh, Trung ương và Hà Nội.

Mỗi tay chỉ có 1 ngón nhưng ông tự hào là người viết chữ đẹp nhất vùng. Chả thế mà một thời gian dài, có bao nhiêu giấy khen, bằng khen ở tỉnh rồi cả huyện nơi ông sinh sống đều do một tay ông viết.

Nhưng ông khoái nhất là chuyện từng tự cắt, vẽ trang trí phông đám cưới cho tổng số 150 đôi bạn trẻ. "Một người tật nguyền mà vinh dự góp phần se duyên cho từng ấy bạn trẻ thì mấy ai bằng" - ông Tiến cười đầy tự hào.

Ước mơ...

Gia đình người "1 ngón" ảnh 3

Cô con gái "1 ngón" đang làm đồ lưu niệm

Đang vui vẻ là thế, bỗng nhiên ông Tiến trầm hẳn xuống. Ông bảo "cuộc đời mình coi như...xong", những đứa con khỏe mạnh đều có công ăn việc làm, có gia đình, các cháu cũng khỏe mạnh. Ông chỉ lo cho hai đứa con "một ngón"  như mình.

Cô con gái "một ngón" của ông rất chăm làm, lại khéo tay nên tự làm được nghề may để sống. Giờ thì cô làm việc tại một trung tâm dạy nghề, tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật ở Hà Nội. Tháng nào nhiều việc cũng kiếm được hơn triệu đồng. Ông bảo "thế cũng là ấm rồi", không phải lo mấy nữa.

Giờ ông lo nhất là cậu út Nguyễn Duy Đạt. Ông đã 69 tuổi rồi, mà "cậu" thì mới 6 tuổi, học lớp 1 trường làng. Hàng ngày, ông vẫn miệt mài bên cuốn từ điển Hán Việt cũ để dịch tài liệu kiếm tiền, phụ với mấy trăm tiền lương để nuôi con.

Nhưng ông đùa là "thời gian biết còn bao lâu nữa", nên ông đang làm mọi cách để truyền cho cậu quý tử những "ngón" nghề như cắt, vẽ, đánh máy, chơi đàn piano... để sau này đỡ khổ.

Ông bảo ước muốn có một chiếc máy tính để "cậu" làm quen với công nghệ hiện đại. Về sau này, ông mong được giúp đỡ để "cậu" tham gia chương trình phẫu thuật chỉnh hình, lắp thêm ngón tay giả để thuận tiện hơn trong cuộc sống.

Ông cũng cầu trời cho chứng bệnh lạ kỳ này đừng trở lại trong những thế hệ sau. Tôi biết, ước mơ nhỏ bé đó đối với ông là quá lớn.

Theo Hà Phương
An ninh Thủ đô

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.