Giá giấy cao, hoạt động in ấn "thắt lưng buộc bụng"

Giá giấy cao, hoạt động in ấn "thắt lưng buộc bụng"
TP - Giá giấy tăng nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu để in báo và xuất bản ấn phẩm. Và đương nhiên, giá cả các loại ấn phẩm, báo chí cũng phải tăng.
Giá giấy cao, hoạt động in ấn "thắt lưng buộc bụng" ảnh 1
Nhiều tờ báo đã phải tăng giá vì giá giấy liên tục tăng 

“Tiết kiệm, phải tiết kiệm hơn nữa” - Đó là giải pháp cứu vãn mà Cục Xuất bản cũng như Hiệp hội in Việt Nam đưa ra trong Hội nghị tổng kết hoạt động in ấn 2006 - 2008 tổ chức tại Đà Nẵng vào hôm qua, 15/8, trước tình hình giá giấy tăng phi mã hiện nay.

Theo ông Nguyễn Điểm - Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong hai năm 2006 - 2007, cả nước có 104 cơ sở in tham gia in được gần 207 triệu bản sách giáo khoa, gần 1 triệu bản sách giáo viên và gần 200 triệu bản sách tham khảo; sản lượng toàn ngành in tăng 12%. Và đó là một con số ấn tượng trong hoàn cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, ông Điểm cũng cho rằng, trong số gần 50 đơn vị in hiện nay (chủ yếu đã được cổ phần hóa), hầu hết đều mang tính tự phát, chất lượng in ấn thấp, không có tính cạnh tranh với nhau và với nước ngoài.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho ngành in vừa yếu vừa thiếu cũng là một nguyên nhân khiến hoạt động in ấn gặp không ít khó khăn trong thời gian gần đây.

Mặc dù vậy, theo ông Điểm, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là giá giấy tăng quá cao, chủ yếu là giá giấy nhập khẩu bởi chính sách thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này không hợp lý.

Được biết, mỗi năm nước ta có nhu cầu sử dụng nguyên liệu giấy là khoảng 2 triệu tấn. Mặc dù vậy, sản xuất giấy trong nước chỉ đáp ứng được 40%, tức khoảng 800.000 tấn, 60% còn lại (khoảng 1,2 triệu tấn) phải nhập khẩu.

“Chúng ta chỉ sản xuất được các loại giấy thông thường, còn loại giấy cao cấp phải nhập khẩu. Mà chính sách thuế đối với nhập khẩu giấy rõ ràng là bất hợp lý, cao đến 32% so với các nước trong khu vực. Từ cuối năm 2007 đến nay, đã 5 lần điều chỉnh việc tăng giá giấy” - Ông Nguyễn Điểm nói.

Giám đốc một cơ sở in ở TP HCM nêu nghịch lý, rằng giá giấy tăng nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu để in báo và xuất bản ấn phẩm. Và đương nhiên, giá cả các loại ấn phẩm, báo chí cũng phải tăng. Tiết kiệm - đó là giải pháp mà Cục Xuất bản cũng như Hiệp hội in Việt Nam nhắc đến như là một giải pháp tối ưu cho chặng đường sắp tới của ngành in.

“Chúng ta mới chỉ sản xuất được 40% giấy, còn các thiết bị in ấn, dây chuyền công nghệ … đều phải nhập từ nước ngoài. Mà hiện nay công nghệ in ấn cũng chưa cao, đó là nguyên nhân khiến ngành in gặp khó khăn khi giá giấy tăng” - Ông Nguyễn Điểm nói.

Ông Điểm cũng đưa ra con số tiêu thụ điện trong ngành in của Việt Nam gấp 1,5 lần Thái Lan, gấp 2 lần Philippines và 5 lần so với Hồng Kông (Trung Quốc), trong khi sản lượng vẫn thấp hơn các nước này nói riêng và trong khu vực nói chung. Nguyên do là thiết bị cũng như dây chuyền công nghệ còn thấp.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cũng cho rằng tiết kiệm, nâng cao công nghệ là giải pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện nay, khi giá giấy đã tăng trên dưới 50% so với cuối năm 2007. 

MỚI - NÓNG