Gia Lai: Dân quay quắt vì thiếu nước

Người dân xã Ia Sao ra sông lấy nước uống.
Người dân xã Ia Sao ra sông lấy nước uống.
TP - Cuối mùa khô, tỉnh Gia Lai vẫn hứng chịu đợt nắng hạn gay gắt, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt phải đi xin, mua nước dùng từng bữa.

Nhiều tháng nay, tại sông Bờ (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) từ sáng đến chiều đều thấy cảnh người dân ra bờ sông lấy nước về dùng. Anh Kpă Dao cho biết: “Gần hai tháng nay giếng ở nhà cạn, đục ngầu chỉ dùng để tắm thôi. Riêng nước nấu ăn, nước uống thì phải ra sông đào hố cát, chờ nước trong rồi múc vào can, ngày nào cũng phải đi lấy”.

Ngay tại thành phố Pleiku, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt cũng diễn ra khá phổ biến. Nhiều hộ dân phải “chạy đôn, chạy đáo” lo nước dùng từng bữa. Ông Lê Đình Ánh (tổ 7, phường Ia Kring) cho biết: Xung quanh đây hầu như nhà nào cũng có giếng nhưng thiếu nước dùng, đi xin nước lại khó vì ai cũng sợ nước không đủ. Mọi sinh hoạt hằng ngày phải giảm mức tối đa, nước rửa chén, tưới cây thì dùng lại bằng nước đã rửa rau, vo gạo. Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri hằng năm, bà con nhân dân các tổ 7, 8, 9, 10 kiến nghị cấp nước máy nhưng vẫn chưa được giải quyết. Để có đủ nước dùng, bà con đành chờ trời mưa.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, mùa khô 2014-2015 tỉnh Gia Lai đối mặt với hạn hán nặng nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây do lượng mưa ít, trong khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Đến nay, dù có vài cơn mưa đầu mùa trên diện rộng nhưng tình trạng khô khát vẫn chưa giảm: Nhiều hồ, đập, sông, suối… gần như trơ đáy. Theo ước tính, ngành nông nghiệp thiệt hại hơn 105 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người dân ở một số địa phương như: Chư Sê, Chư Pứh, Krông Pa… bị thiếu nước sinh hoạt, có nơi cả làng không có nước dùng.

Ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Pứh ngao ngán: Năm nay có lẽ là năm mà địa phương bị hạn nặng nhất, hơn 400 ha cây trồng bị thiệt hại. Một số nơi, hạn còn gây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, người dân phải đi xin nước, mua nước về dùng.

Trầm trọng nhất là thiếu nước xảy ra tại làng Plei Lốp (xã Chư Đôn) với trên 80 hộ bị khát. Do không có nước nên nhiều hộ phải đi mua nước uống và ra trụ sở UBND xã để xin nước giếng khoan về dùng. Huyện đã báo cáo tình hình thiếu nước sinh hoạt lên tỉnh, dự kiến sang năm nơi đây sẽ được xây dựng giếng khoan theo dự án 755 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - cán bộ Kỹ thuật Công ty cấp thoát nước Gia Lai cho biết: “Để đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch cho người dân, chúng tôi đã hợp tác với Công ty cấp nước Sài Gòn - Pleiku khảo sát, thiết kế mở rộng đường ống cấp nước trên địa bàn thành phố thêm 78 km. Tuy nhiên, dự án phải chờ Sở Xây dựng thẩm tra và UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt mới có thể tiến hành thi công, lắp đặt đường ống”.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.