Gia Lâm phát huy thế mạnh để lên quận trước năm 2025

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ phát biểu tại đại hội, trong đó nhấn mạnh: Gia Lâm cần phát huy thế mạnh để lên quận trước năm 2025
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ phát biểu tại đại hội, trong đó nhấn mạnh: Gia Lâm cần phát huy thế mạnh để lên quận trước năm 2025
Với các chỉ số phát triển vượt bậc, hạ tầng hoàn thiện và có nhiều “dư địa” để xây dựng huyện thành quận trong tương lai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ cho rằng, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Gia Lâm cần phát huy các thế mạnh, tận dụng cơ hội để trở thành quận trước năm 2025.

Thu ngân sách vượt trên 67% kế hoạch

Trong 5 năm qua, với tinh thần đoàn kết, chủ động, huyện Gia Lâm đã hoàn thành 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều vượt cao so với dự toán thành phố và huyện giao, trung bình đạt 2.772 tỷ đồng/năm, vượt 67,0% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 62,5 triệu đồng/người, tăng gấp 1,88 lần so với năm 2015.

Các chỉ tiêu về kinh tế trên địa bàn huyện Gia Lâm đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu thuộc huyện quản lý có mức tăng bình quân 11,03%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng hàng năm tăng 9,4%, toàn huyện đã có 1.110 doanh nghiệp, 2.226 hộ sản xuất tiêu dùng, gia dụng, công nghiệp… Huyện có 5 làng nghề truyền thống với các sản phẩm, thương hiệu đã khẳng định được trên thị trường như sản xuất gốm sứ, sản phẩm từ da, chế biến gỗ, dược liệu.

Thương mại dịch vụ trên địa bàn tăng trưởng khá với giá trị sản xuất tăng bình quân 16,58%/năm. Huyện đã xây dựng được hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích vừa tiêu thụ sản phẩm vừa quảng bá thương hiệu các làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; may da và quỳ vàng Kiêu Kỵ; thuốc nam Ninh Hiệp…

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2020, đến nay Gia Lâm đã triển khai thi công 306/424 dự án với kinh phí 5.506 tỷ đồng, tiêu biểu như: đầu tư cải tạo nâng cấp 190,5km tuyến đường giao thông trục chính, hoàn thành xây dựng đường liên thôn, liên xã; rà soát, đầu tư xây dựng đồng bộ 411,8 km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao, tiết kiệm điện, tiêu thoát nước; chất lượng vệ sinh môi trường được nâng cao, nhiều tuyến đường kiểu mẫu xuất hiện tạo bộ mặt sáng - xanh - sạch - đẹp…

Về việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong 5 năm tới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, các chỉ tiêu về đô thị phấn đấu đến năm 2025 trở thành quận, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Về kinh tế, huyện đặt chỉ tiêu thu ngân sách bình quân 2021-2025 đạt 3.200 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2025, huyện Gia Lâm tự đảm bảo cân đối thu chi ngân sách.

Gia Lâm phát huy thế mạnh để lên quận trước năm 2025 ảnh 1

 Ban Chấp hành và Bí thư khóa mới Ðảng bộ huyện Gia Lâm ra mắt tại đại hội

Đi sau nhưng cần về đích sớm

Để đạt được các chỉ tiêu đại hội đề ra, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm nêu rõ: tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, duy trì mức tăng trưởng nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành kinh tế chủ yếu. Đồng thời chuyển dịch mạnh cơ cấu ngành kinh tế và trong nội bộ ngành theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng nhanh ngành dịch vụ.

Đánh giá về việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển đồng bộ huyện Gia Lâm trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, Gia Lâm đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, trong đó kinh tế phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá. “Đặc biệt, toàn huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ trao quyết định công nhận. Thu nhập dự kiến năm 2020 đạt trên 62,5 triệu người/năm vượt 1,8 lần so với năm 2015, huyện có chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 4 toàn thành phố", ông Huệ nhấn mạnh.

Đảng bộ huyện Gia Lâm là đơn vị được Thành ủy lựa chọn là đơn vị đầu tiên tổ chức đại hội cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 và được chọn là đơn vị thực hiện bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. “Thành công của đại hội, cũng như hình thức bầu bí thư trực tiếp tại đại hội sẽ có đóng góp rất quan trọng vào thành công chung của Đại hội Đảng bộ cấp quận, huyện và toàn thành phố”, ông Huệ đánh giá.

Đề cập đến các nhiệm vụ sau đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm nhiệm kỳ mới, tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, giáo dục để Gia Lâm đủ điều kiện trở thành quận trước năm 2025. “Tuy là đô thị đi sau nhưng Gia Lâm đang có nhiều dư địa để về đích sớm. Đơn thuần không chỉ là những đường hướng phát triển kéo dài trong quá khứ, mà phải đi tắt đón đầu trên một số lĩnh vực để về đích trước một số quận nội đô lịch sử. Các lĩnh vực Gia Lâm có thể đạt được kết quả sớm, bao gồm quản trị đô thị thông minh; phát triển kinh tế - xã hội dựa vào nền tảng công nghệ và thành quả của cuộc cách mạng 4.0…”, ông Huệ dẫn chứng.

Tổ chức thành công đại hội đảng

Gia Lâm là huyện đầu tiên tại Hà Nội tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở và bầu Bí thư tại Đại hội. Với kết quả phiếu bầu cao, đồng chí Lê Anh Quân bí thư - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm khóa XXI đã được Đại hội bầu vào chức danh Bí thư Huyện ủy Gia Lâm khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

l Một số kết quả nổi bật của nhiệm kỳ 2015-2020:

    - Kinh tế tăng trưởng 11,03%/năm; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,4%/năm; Các loại hình dịch vụ cũng tăng trưởng khá với giá trị sản xuất tăng bình quân 16,58%/năm.

- Đầu tư xây dựng: Triển khai 306/424 dự án, hoàn thành đầu tư cải tạo nâng cấp 190,5km tuyến đường giao thông trục chính, đường liên thôn, liên xã; hoàn thành “Chương trình xây dựng nông thôn mới” trước thời gian yêu cầu.

-Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.772 tỷ đồng/năm, vượt 67,0% so với kế hoạch; Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 dự kiến đạt 62,5 triệu đồng/người, tăng gấp 1,88 lần so với năm 2015.

- 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 94,6% số trường công lập đạt chuẩn Quốc gia.

Gia Lâm phát huy thế mạnh để lên quận trước năm 2025 ảnh 2

Bỏ phiếu Bầu Ban chấp hành khóa mới tại Ðại hội huyện Gia Lâm                 Ảnh: Trọng Ðảng

MỚI - NÓNG