Già làng kể chuyện heo rừng

Già làng kể chuyện heo rừng
TP - Già làng Konrơbang ở thị xã Kon Tum nói với tôi rằng, ngày xưa heo rừng ở Tây Nguyên nhiều như... nấm. Làng ông đã từng tổ chức một cuộc săn ở ngay rìa thị xã, bắt được nguyên một đàn 397 con.

Thuở nhỏ, có thời tôi sơ tán ở làng Phong Mục, xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá và phải ở trọ nhà dân. Một lần nhà tôi được bác chủ nhà biếu một bát thịt, mà như bác nói thì đấy là thịt lợn lòi.

Sự tích con lợn này như sau: Bên kia sông có một cánh rừng. Rất nhiều gia đình bên này sông thường xuyên sang bên kia sông lấy củi, cắt bổi. Bên kia sông cũng là nơi lâu lâu lợn lòi xuất hiện. Hôm ấy con lợn này bơi qua sông, lạc vào cái làng tôi ở.

Tất nhiên là nó bị cả làng cầm gậy gộc dao cuốc ra đuổi. Trên đường chạy nó đã cắn bị thương 2 người, trong đó có một đứa bé trạc tuổi tôi bị nó cắn mất nguyên cả... đùm chim. Cảm giác của tôi khi ăn bát thịt này là nó hoi hoi, không ngon. Sau này lớn lên, tôi biết lợn lòi chính là lợn rừng, miền Nam gọi là heo rừng, một món... khoái khẩu của dân nhậu và cả dân... không biết nhậu.

Bây giờ thì thú thật, tôi đã có thể biết được miếng thịt heo rừng ngon là như thế nào, ở bộ phận nào? Phân biệt rất rành heo rừng và heo... nuôi trong rừng, heo rừng và heo... nái, heo rừng và heo cọc, không lớn được, dù nuôi đến... 3 năm, dẫu nó đã được hấp chín, đang nghi ngút khói…

Heo rừng ngon nhất là ở gáy. Đây là chỗ da dày nhất, thậm chí cỡ 2 đốt tay. Nhưng da ở đây lại mềm và giòn chứ không dai và cứng như ở các chỗ khác. Phân biệt heo rừng và heo nhà, heo... không phải rừng cũng khá dễ, ấy là lông heo rừng bao giờ cũng ba chân chụm một trong miếng da trong suốt.

Có lần lên Kon Tum, tôi được đãi món... tiết canh lòng lợn rừng buổi sáng. Ai cũng biết, muốn có tiết canh phải có lợn rừng sống để chọc tiết và hãm tiết. Ở Kon Tum hình như có cả một... “mỏ” thịt rừng. Có một đường dây từ đây bỏ mối cho các nhà hàng ở Gia Lai và một số tỉnh khác...

Theo như tôi biết thì bây giờ rất nhiều nơi nuôi heo rừng, giống nhập chủ yếu ở Thái Lan, Philippine, Indonesia... Nuôi heo rừng thế này có nhiều cái lợi, thứ nhất là được ăn thịt tươi, có cả tiết canh, lòng dồi, chắc chắn không phải thịt giả, hoặc thịt ôi (từ khi con heo rừng thật bị bắn trong rừng cho tới khi lên đĩa nhiều khi phải cả tháng trời.

Bắn được con heo, người đi săn đào hố chôn nó xuống rồi đi săn tiếp, sau đó mới quay lại đào lên làm các thủ thuật ướp tẩm rồi mang về bỏ sỉ, từ bỏ sỉ đến bán lẻ là hàng chục ngày nữa nằm trong... tủ lạnh). Thứ hai là an tâm không sợ phạm luật...

Lần đầu tiên tôi lên thị xã Kon Tum, vào nhà rông Konrơbang nổi tiếng ấy vẫn còn chứng kiến 397 chiếc sọ heo rừng được xâu treo khắp nhà rông. Việc săn được nhiều heo rừng như thế chứng tỏ sức mạnh của cộng đồng làng. Nhờ việc ấy mà trai làng rất có giá, cộng đồng làng được các làng khác vì nể.

Heo rừng thường đi ăn theo đàn. Chỉ trừ những con heo già hoặc bị thương mới đi một mình, gọi là heo độc. Loại này rất dữ, gặp chúng rất nguy hiểm. Còn heo bầy thì săn chúng tương đối dễ. Vấn đề là phải biết đường đi của chúng, sau đó là rào, quây lưới, đào hố... nhiều miếng phối hợp.

Chiêng trống nổi lên. Tiếng người hú hét. Lửa phừng phừng. Chó xung trận... các chú heo chạy trối chết theo đường đã được rào. Phía trước là lưới và hố... Thế là xong. Nhưng bây giờ đến nấm cũng không còn huống gì heo nên chỉ còn... nhặt từng con lẻ bằng bẫy hoặc súng săn, già làng Konrơbang bảo.

Nhân năm mới, kể chuyện vui về... lợn rừng thế thôi, chứ tôi hoàn toàn không khuyên các bạn tìm ăn. Bởi một lẽ đơn giản: Nó đã là loại động vật đang được bảo vệ. Những chú lợn rừng đáng thương của tôi, các chú phải biết cách tự bảo vệ mình, đừng để chúng ta phải gặp nhau trong... nhà hàng nhé. Đau lòng lắm...

Giáp Tết

MỚI - NÓNG