Ông Đặng Văn Can - Chủ tịch UBND thị xã Hòa Bình:

Giả mạo mẹ liệt sĩ để nhận và bán đất

Giả mạo mẹ liệt sĩ để nhận và bán đất
Bà Nguyễn Thị Lập, mẹ liệt sĩ đã chết trước khi được nhận đất 3 năm. 2 năm sau, giấy chuyển nhượng đất mang tên bà Lập vẫn được viết?
Giả mạo mẹ liệt sĩ để nhận và bán đất ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Thà - con trai cụ Lập đang xác nhận văn bản giả mạo cụ Lập với PV Tiền Phong

Có lẽ ở nơi “suối vàng” mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Lập không biết rằng 3 năm sau ngày chết, tỉnh Hòa Bình lại thương xót cụ, một người mẹ liệt sĩ đóng góp tiền bạc và cả một phần xương máu cho đất nước nên cấp cho cụ 64,4m2 đất tại phường Phương Lâm.

Ngày 25/11/1996, “cụ Lập” vẫn vui vẻ đi nhận bàn giao đất và ký vào tờ biên bản.

Rất có thể do cần tiền tiêu nên vào ngày 28/7/1997 “cụ Lập” đã lại tự tay viết biên bản thỏa thuận chuyển nhượng lô đất cho bà Nguyễn Thị Vi với giá 40 triệu đồng. Một lần nữa, “cụ Lập” lại sống lại để nhận tiền và ký tên: Nguyễn Thị Lập!

Vụ mua bán êm xuôi, song để đủ thủ tục pháp lý giúp bà Vi chuẩn bị hồ sơ xin cấp sổ đỏ, ngày 19/3/1998 “cụ Lập” lại đứng tên viết đơn gửi UBND phường đề nghị được chuyển nhượng lô đất cho bà Vi.

Thêm nữa, trong các văn bản: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Biên bản xác định ranh giới thửa đất; Tờ khai nộp thuế; Biên lai nộp tiền vào ngân sách đều mang tên cụ Lập và tất nhiên “cụ Lập” vẫn ký tên.

Ngày 2/4/2000, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1267 cho lô đất của bà Vi.

Khuất tất chưa được làm rõ?

Sẽ chẳng có chuyện, nếu như lô đất của bà Vi (mua lại của cụ Lập) không bị chồng lên lô đất của ông Nguyễn Hữu Bách. Ông Bách nhanh chân xây luôn nhà cấp 4 trên phần đất tranh chấp. Bà Vi kiện ra tòa. TAND thị xã Hòa Bình sau đó tuyên (Bản án sơ thẩm số 10, ngày 7/8/2001): Lô đất 64,4 m2 thuộc bà Vi, ông Bách phải trả lại 24,15m2 cho bà Vi. Tất nhiên là ông Bách không “tâm phục” bản án này và kháng cáo.

Ngày 20/8/2002, TAND tỉnh Hòa Bình có bản án số 18/DSPT. Theo đó, Tòa nhận định, việc cấp đất cho cụ Lập, một người đã chết là không phù hợp với pháp luật. Tiếp theo là những thủ tục nhận đất, chuyển nhượng đất đều bất hợp pháp vì cụ Lập, người đã mất từ năm 1993 lý gì lại ký vào văn bản giao dịch trên?

Tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng không công nhận quyền sử dụng đất của bà Vi, chuyển hồ sơ đến UBND thị xã Hòa Bình để xem xét việc cấp đất cho hộ mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Lập.

Giả mạo mẹ liệt sĩ để nhận và bán đất ảnh 2
 Cụ Lập không thể ngờ rằng sau 3 năm cụ chết, tỉnh Hòa Bình chia cho cụ lô đất 2 mặt tiền như thế này. Có điều, sau 9 năm lô đất vẫn bị bỏ hoang?

Dư luận tại thị xã Hòa Bình vẫn rất bức xúc đặt câu hỏi: Vậy ai đã giả mạo mẹ liệt sĩ để nhận đất và vì sao sau gần 3 năm Tòa tuyên án, đến nay sự việc vẫn không được giải quyết?

Trước đó, VKSND tỉnh Hòa Bình có kết luận về bản án sơ thẩm của TAND thị xã Hòa Bình: Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Vi và bà Lập là hoàn toàn giả mạo. Ai là người thay bà Lập giao đất cho bà Vi? Việc cấp sổ đỏ cho bà Vi của UBND tỉnh Hòa Bình là vi phạm Luật Đất đai năm 1993.

Vậy có hay không việc con trai bà Lập đã thay bà nhận đất? Sở Địa chính Hòa Bình đã có công văn gửi đến Tòa nêu rõ: Không có yếu tố nào chứng minh ông Nguyễn Văn Thà (con trai bà Lập mà bà sống cùng cho đến khi mất) đã nhận ủy quyền để nhận đất; ông Thà trong buổi làm việc với Thanh tra Sở Địa chính cũng khẳng định không ký vào bất cứ văn bản nào không mang tên ông.

Những dấu hiệu trên cho thấy đã có biểu hiện của hành vi giả mạo giấy tờ nhằm hợp pháp hóa các thủ tục chuyển nhượng đất cần được làm rõ…

Tiếc thay, những kết luận cũng như đề nghị này đã không được TAND tỉnh Hòa Bình xem xét đến. Vậy ai là người giả mạo mẹ liệt sĩ để nhận đất?  Đằng sau lô đất cấp cho mẹ liệt sĩ đích thực là ai? 

Phải chăng việc xác định sự thật là “quá khó” nên đến nay cả UBND thị xã Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình và TAND thị xã Hòa Bình đều im lặng một cách đáng ngờ?

Ông Đặng Văn Can - Chủ tịch UBND thị xã Hòa Bình:

Hôm nay tôi mới biết vụ này

Cho dù chính UBND thị xã có tờ trình cấp đất cho bà Lập, sau đó là các phòng chức năng của thị xã đứng ra bàn giao mốc giới, hoàn thiện hồ sơ để bà Vi được cấp sổ đỏ. Đặc biệt TAND tỉnh Hòa Bình giao hồ sơ cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng không công nhận quyền sử dụng lô đất của bà Vi và giao hồ sơ đến UBND thị xã Hòa Bình để xem xét lại việc cấp đất cho bà Lập.

Vậy nhưng trong buổi làm việc với PV Tiền Phong ngày 20/7/2005, ông Đặng Văn Can, Chủ tịch UBND thị xã vẫn hồn nhiên nói: Hôm nay, lần đầu tiên tôi biết đến việc này. Để tôi yêu cầu các ngành báo cáo!

Xin nói thêm, trụ sở UBND thị xã Hòa Bình chỉ cách lô đất của bà Lập chưa đầy 1 km. Vậy mà 3 năm nay ông Chủ tịch thị xã không hề biết vụ việc thì quả là lạ.

MỚI - NÓNG