Giá tăng cao do…ngành nông nghiệp chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng

Giá tăng cao do…ngành nông nghiệp chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng
TPO - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 27/3 về những tác động của tăng giá đối với ngành nông nghiệp hiện nay.
Giá tăng cao do…ngành nông nghiệp chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng ảnh 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong những tháng đầu năm tăng quá cao ảnh hưởng đến đời sống người dân và góp phần làm tăng lạm pháp. Bộ NN&PTNT đã có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Giá lương thực, thực phẩm thời gian qua tăng cao nên đã tác động đến thị trường trong nước, Thủ tướng đã có chỉ đạo cân đối xuất khẩu, đảm bảo lợi ích người sản xuất trong nước vừa giữ ổn định thị trường, đảm bảo cuộc sống của người tiêu dùng, bà con nông dân nghèo.

Thứ hai, về giá các loại thực phẩm, đối với rau ở miền Bắc do đợt rét đậm kéo dài nên rau sinh trưởng kém dẫn đến thiếu nguồn cung, giá tăng cao. Hiện nay bà con đã phục hồi sản xuất, giá rau xuống.

Đối với giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao, năm 2007 do dịch bệnh nhiều nên ngành chăn nuôi tăng trưởng chậm lại ở mức 4,6%/năm, trong khi nhu cầu về sản phẩm chăn nuôi của người tiêu dùng là 7-8%. Cung giảm, cầu tăng dẫn đến giá tăng cao.

Cùng với đó, giá rét làm cho 180.000 gia súc tại nhiều địa phương thiệt hại nặng dẫn đến các loại thịt, trứng giá cao. Hiện Bộ đang hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp cấp bách khôi phục phát triển chăn nuôi như: Đẩy mạnh công tác giống, làm tăng tỉ lệ sinh sản và chất lượng con giống; Tập trung giải quyết vấn đề thức ăn đẩy mạnh sản xuất các loại cây làm thức ăn trong nước như ngô, đỗ tương, cỏ…

Bộ cũng giao triển khai hướng dẫn bà con sử dụng thức, ăn công nghiệp, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện để bà con phát triển chăn nuôi.

Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng việc đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu để phục vụ sản xuất, tiêu dùng nhiều khi thiếu khiến giá tăng rất cao. Bộ trưởng giải thích thế nào về việc này?

Nền nông nghiệp nước ta là nông nghiệp mở. Chúng ta cũng đã gia nhập WTO nên giá cả nông sản trong nước cũng  biến động theo giá quốc tế. Hầu hết các loại nông sản chính của chúng ta như lúa gạo, cao su, hồ tiêu, chè, điều…là giá trong nước biến động theo giá thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều mặt hàng chúng ta sản xuất chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước như chăn nuôi, ngô, đỗ tương, bông thuốc lá...

Còn tại sao giá vẫn lên cao? Đó là do chúng ta sản xuất chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Nói cách khác tốc độ tăng trưởng chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Điều này dẫn đến thiếu cung đẩy giá lên cao.

"Giải pháp chính hiện nay là tập trung cao độ hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất có hiệu quả. Đối với các loại nông sản chính và đang có thị trường tốt, chúng ta phải tranh thủ thời cơ để làm ra nhiều sản phẩm, nâng cao thu nhập, trang trải các chi phí lên cao"- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

Một trong những mặt hàng tăng giá nhiều nhất hiện nay là vật tư phân bón. Sắp tới nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng để bảo dưỡng vậy chúng ta có kế hoạch nhập khẩu phân bón trong thời gian tới?

Đúng là thời gian qua các loại vật tư nông nghiệp lên rất cao. Bao gồm phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y và cả xăng dầu. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thu nhập của người nông dân. Giá cả của chúng ta hiện phụ thuộc vào giá thế giới. Vấn để là vẫn phải thúc đẩy sản xuất trong điều kiện giá vật tư tăng cao như vậy.

Các biện pháp mà Bộ NN&PTNT đưa ra là chỉ đạo các địa phương điều chỉnh cơ cấu sản xuất, sử dụng tối ưu các loại vật tư. Ví dụ đối với thủy sản thì một mặt chúng ta hỗ trợ cho ngư dân đồng thời khuyến khích họ chuyển đổi sang làm nghề tiêu thụ ít xăng dầu...

Về việc Nhà máy Đạm Phú Mỹ nghỉ một thời gian để bảo dưỡng, điều này chúng tôi đã biết và đã có kế hoạch để cân đối, đảm bảo nguồn cung. Chúng tôi luôn theo dõi sát sao các doanh nghiệp để đảm bảo cung ứng đủ cho bà con.

Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, Bộ NN&PT cũng có vai trò quan trọng trong việc này. Bộ NN&PTNT có biện pháp thế nào để góp phần giảm bớt lạm phát?

Lạm phát có nguyên nhân tổng quát từ hai phía: tăng nhu cầu và nguồn cung các loại hàng hoá. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm lớn trong đảm bảo nguồn cung các loại lương thực thực phẩm cho xã hội. Khi chúng ta có nguồn cung dồi dào thì sẽ góp phần “giảm sốt” cho thị trường.

Vấn đề lớn đặt ra là phải tập trung thúc đẩy sản xuất, tăng mạnh nguồn cung để nông dân vẫn có lợi mà giá cả trên thị trường không bị sốt, giúp đảm đời sống của người tiêu dùng. Đây là  trách nhiệm mà Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng nếu các biện pháp kiềm chế này phát huy hiệu quả thì cuối 2008 liệu giá cả các mặt hàng thực phẩm có giảm?

Đối với những hàng hoá chúng ta thông thương với quốc tế sẽ dao động theo giá quốc tế. Còn những hàng hoá chỉ tiêu dùng trong nước khi chúng ta tăng mạnh nguồn cung thì giá sẽ giảm. Ví dụ giá rau trên thị trường đã giảm. Tôi hy vọng các thực phẩm của ngành chăn nuôi, thủy sản cũng sẽ như vậy.

Nếu tập trung ổn định giá cả trong nước thì chỉ tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp có bị ảnh hưởng?

Theo tôi, trong tháng 1, 2 xuất khẩu nông lâm, thuỷ sản vẫn tăng mạnh. Riêng trong tháng 3 có khó khăn nên tốc độ tăng có giảm xuống. Thống kê cho thấy xuất khẩu toàn ngành nông lâm, thuỷ sản 3 tháng đầu năm tăng 11,6%, nhưng riêng tháng 3 chỉ tăng 1,6%.

Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ để có hướng hỗ trợ. Đối với việc tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước có ảnh hưởng tới xuất khẩu hay không thì tôi cho rằng có thể không ảnh hưởng nhiều.

Ví dụ, gạo chúng ta có thể xuất khẩu được ít hơn nhưng giá trị lại tăng thì sẽ bù đắp lại được. Còn đối với các loại nông sản khác như cà phê, cao su, chè… chúng ta không có hạn chế, nên sẽ tiếp tục tăng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Phạm Tuyên- Đức Kế
thực hiện

MỚI - NÓNG