Giá tăng chỉ là 'cơn sốt' nhất thời?

Giá tăng chỉ là 'cơn sốt' nhất thời?
TP - Đợt tăng giá sữa 3-10% vừa qua lại tiếp nối cho một đợt tăng giá mới khi người tiêu dùng, giới sản xuất đang lo ngại khi tin đồn xăng sẽ tăng giá vào đầu tháng 7 tới đang lan rộng.

>> 'Giải mã' tăng giá: Sao cứ sờ ngọn?

Trong khi các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá thì nhóm hàng “xa xỉ” như điện máy gồm TV LCD, máy ảnh, máy quay phim kỹ thuật số, tủ lạnh... quần áo “hàng hiệu”  và hóa mỹ phẩm lại giảm giá mạnh hoặc đứng yên.

Người tiêu dùng đang đứng trước cảnh “dở khóc, dở cười”: mặt hàng cần giảm lại tăng giá, hàng không cần thì lại giảm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng– Giám đốc chuỗi siêu thị Maxiximark tại TPHCM - cho biết: “Từ đầu quý 2/2007 đến nay, tuần nào chúng tôi cũng nhận được báo giá tăng giá hàng hóa từ phía các nhà cung cấp”.

Bà Hồng nói thường vào thời gian này các năm trước giá giữ nguyên hoặc không tăng nhưng năm nay giá các mặt hàng, nhất là thực phẩm, thủy sản, nhựa, dầu ăn, gia vị... đều tăng từ 3-10%.

Tại các siêu thị Co-op Mart, Citimart ... nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng đã tăng giá dần từ đầu tháng 6/2007. Đáng ngại nhất là những mặt hàng tăng giá đều liên quan đến cuộc sống hàng ngày của hàng triệu gia đình.

Giá gạo các loại đã tăng 200-500 đ/kg, thịt tăng từ 1.000-3.000 đ/ kg, dầu ăn tăng gần 500 đ/lít, cá các loại tăng từ 2.000 đ/kg, rau củ quả tăng 5-15%. Bà Lê Bích Hương (P17, Q. Bình Thạnh) than thở: “Thường tôi đi chợ 3 ngày cho 4 người ăn chỉ hết khoảng 120.000 đồng, 2 tuần nay cũng những món hàng tương tự tôi phải trả 140.000 đồng”.

Chị Đặng Thị Thu Hương (tiểu thương chợ Thị Nghè, Q. Bình Thạnh) phân trần: “Tụi tôi đâu muốn bán mắc nhưng mối bỏ hàng gì cũng tăng ít nhất 5% nên buộc phải tăng giá thôi”.

Ban quản lý chợ Tân Định (Q.1) khi nghe khách hàng kêu ca tiểu thương bán giá cao cũng đã đi kiểm tra và nhận ra đây là đợt tăng giá chung.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Tổng Giám đốc Saigon Co-op - thừa nhận các siêu thị trực thuộc cũng đang căng thẳng với các đợt tăng giá dồn dập từ trước đến nay vì “dù có đặt hàng từ lâu và đối tác cam kết giá không đổi nhưng với những đợt hàng mới chúng tôi được thông báo giá sẽ phải tăng”.

Trong khi đó thì hàng điện máy ít ai cần sắm sửa vào thời điểm này lại giảm giá rất mạnh.

Như TV LCD giảm giá nhiều loại đến 60-70%, hiện LCD 32” có loại chỉ còn 12-16 triệu đồng/ chiếc so với 30 -35 triệu/ chiếc dịp Tết, máy ảnh, quay phim KTS so với đầu năm 2007 giảm thấp nhất 1,5 triệu đồng/chiếc, tủ lạnh, máy giặt các loại giảm 20-30%, có những model cũ giảm trên 50%...

Hàng loạt siêu thị điện máy như Thiên Hòa, Idea, Chợ Lớn, Nguyễn Kim... đều có những chương trình giảm giá lớn. Nhiều trung tâm thưong mại chuyên bán hàng hiệu như Parkson, Zen, Diamon... đều “sale off” nhiều mặt hàng.

Không chỉ các mặt hàng thiết yếu mà vật liệu xây dựng, giá vận chuyển, nguyên liệu sản xuất... cũng đã tăng mạnh từ tháng 5 đến nay.

Từ đầu tháng 6/2007 đến nay các doanh nghiệp (DN) đã ba lần tăng giá thép, mỗi lần tăng 150.000-200.000 đồng/tấn.

Như vậy từ đầu năm 2007 đến nay, các DN đã ít nhất tám lần tăng giá thép, giá của mỗi tấn thép đã tăng từ  1,5 -1,6 triệu đồng so với cuối năm 2006.

Hiện giá thép cây giữ mức trung bình 9,65 triệu đồng/tấn, thép cuộn xấp xỉ 9,25 triệu đồng/tấn.

Theo nhiều DN, giá thép trong nước tăng sau khi Trung Quốc bỏ thoái thu thuế khi xuất khẩu thép, tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 10% lên 15%, sau đó là tăng thuế xuất khẩu thép thành phẩm từ 0% lên mức 10%. T

rong khi đó có đến 70-80% DN VN sản xuất thép nhập phôi từ Trung Quốc. Theo nhiều đại lý, giá thép sẽ còn tăng nữa khi nửa cuối năm mới là mùa xây dựng.

Giá ximăng mấy tuần qua cũng tăng trung bình 500-1.000 đồng/bao lên 52.000- 55.000 đồng/bao (tùy nhãn hàng).

Giá nhiều loại nguyên liệu ngành nhựa, sợi, kim loại... cũng tăng từ 5-15% từ giữa tháng 5 đến nay.

Ông Trần Kim Long – Giám đốc Cty nhựa Long Kim (Q.6, TPHCM) – nói: “Dầu tăng, nguyên liệu tăng, mọi chi phí đều tăng nhưng giá tăng thì không cạnh tranh nổi, giá cứ tăng kiểu này 2-3 tháng nữa không tăng giá thành phẩm chỉ có nước đóng cửa”.

Nhưng điều mà người tiêu dùng và doanh nghiệp lo ngại hơn cả là giá sẽ còn tăng và nhiều mặt hàng có lý do tăng giá không chính đáng.

Giá tăng mạnh kể từ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng lần thứ nhất vào đầu tháng 3 với mức tăng 900 đ/lít và lần 2 là 800 đ/lít vào ngày 7/5 vừa qua.

Nếu như sắp tới giá xăng tiếp tục tăng thì giá cả chắc chắc lại tăng theo. Tổng cục Thống kê tính rằng  giá xăng tính mức bình quân 12.000 đ/lít, tăng 9,1% so với trước ngày 7/5 thì chỉ riêng mặt hàng này đã khiến cho giá hàng hóa và dịch vụ tăng thêm 0,47%.

Sang tháng 7,8 và kéo dài đến cuối năm “mùa tăng giá” sẽ bắt đầu và chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá cả sẽ không tăng như mọi năm.

Chưa kể nếu thời tiết thất thường vào mùa mưa bão sắp tới cũng sẽ góp phần làm tăng giá.

Nhưng đáng ngại nhất là tình trạng tăng giá ăn theo giá xăng dầu và chi phí vận chuyển và tâm lý “mọi người tăng tôi cũng tăng theo” của khá nhiều ngành hàng.

Ông Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM- cho rằng: “Có doanh nghiệp, nhà cung cấp “ăn theo” các vấn đề như phí vận chuyển, giá nhiên liệu, thuế nhập khẩu... để tăng giá nhằm tăng lợi nhuận.

Có doanh nghiệp nhìn nhau, thấy đơn vị này tăng giá thì các doanh nghiệp khác tăng theo, tạo hiệu ứng cộng hưởng trên thị trường.

Cũng không loại trừ trường hợp doanh nghiệp tìm cách tăng giá trước khi giá xăng, điện tăng để hợp thức hóa và đỡ bị cơ quan quản lý để ý”.

Theo ông Trần Du Lịch, giá sữa là một dẫn chứng điển hình vì hầu hết DN trong nước đều nhập khẩu nguyên liệu theo hợp đồng giao dịch được thực hiện định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần, do đó giá nguyên liệu vào thời điểm hiện nay đã được các nhà nhập khẩu tính toán ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, TS Kinh tế Trần Hữu Dũng lại có phân tích: “Việc tăng giá do giá xăng dầu tăng từ khi Chính phủ cho phép các DN kinh doanh xăng dầu quyết định giá bán sẽ có lợi về lâu dài.

Chính phủ sẽ không can thiệp mạnh vào giá cả, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến nhiều người nhưng sau những “cú sốc” ban đầu, tình hình giá cả sẽ ổn định bền vững, phù hợp với quy luật cung cầu hơn”.

Ông Dũng còn khẳng định tăng giá chỉ là những biến động ngắn hạn khi người dân làm quen với cơ chế mới.

Về lâu dài, việc định giá theo cơ chế thị trường sẽ có tác động tích cực đối với thị trường và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Có lẽ đó cũng là mong mỏi của đông đảo người tiêu dùng khi phải “chịu đựng” những đợt tăng giá liên tiếp vừa qua.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,85%

Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 25/6, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2007 đã tăng  0,85% so với tháng 5/2007. Điều đó đồng nghĩa: CPI 6 tháng đầu năm 2007 đã tăng tới 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 1,02%. Trong đó, lương thực tăng 0,43% và thực phẩm tăng 1,44%. Nguyên nhân của việc tăng giá này chủ yếu là do dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại làm nguồn cung thực phẩm bị hạn chế và ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng khiến một số mặt hàng tăng giá theo.

Cùng đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,33%, nhóm dịch vụ văn hóa - thể thao - giải trí tăng 1,25%. Nhóm  phương tiện đi lại và bưu điện tăng thấp hơn ở mức 0,91%.

Các mặt hàng khác: dược phẩm và y tế (tăng 0,81%), may mặc - giày dép (tăng 0,48%), đồ dùng dịch vụ khác (tăng 0,49%). Trong tháng 6, chỉ số vàng tiếp tục giảm 1,97% trong khi USD tiếp tục tăng 0,26%.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.