Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em

Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em
TP - Theo số liệu thống kê của nhiều bộ ngành, nạn bạo hành, ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em trên phạm vi cả nước đang ngày càng tăng và diễn biến phức tạp.
Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em ảnh 1
Trẻ em miền núi cần được quan tâm nhiều hơn nữa  - Ảnh: H.T

Theo Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), trong giai đoạn từ 2005-2007, các vụ xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vào năm 2007. Trong thời gian này, xâm hại, bạo lực gia đình tăng gấp 3 lần; ở cộng đồng tăng 7 lần; trong trường học tăng 13 lần.

Cũng theo thông tin từ Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), từ năm 2002 đến nay, số vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng (chiếm 56,3% tổng số vụ xâm hại), trong đó số vụ hiếp dâm trẻ em chiếm 65,5% số vụ xâm hại tình dục và chiếm 36,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Tổng cục Cảnh sát cho biết, trong 3 năm (2005-2007), trên phạm vi cả nước đã xảy ra 5.070 vụ, bắt giữ xử lý 6.215 đối tượng; có 5.188 em bị xâm hại (nam là 1.656 em; nữ 3.532 em). Trong đó, án giết trẻ em chiếm 5,2%; xâm hại tình dục 56,3%; cố ý gây thương tích 14,7%; còn lại là tội danh khác.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có khoảng 1.176.000 trẻ em sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực; 23.000 trẻ phải lao động và 16.000 trẻ đường phố. Ước tính có khoảng 8.500 trẻ trong độ tuổi từ 0-15 tuổi đang sống với HIV và 22.000 trẻ mồ côi do mất cha mẹ vì AIDS.

Trong các năm 2006, 2007 và đầu năm 2008, các vụ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em liên tiếp được phát hiện và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây bức xúc và thu hút sự quan tâm của xã hội.

Có nhiều vụ việc gây “sốc” dư luận xã hội do bạo lực và xâm hại diễn ra trong thời gian dài hoặc đối với nhiều trẻ em, trẻ quá nhỏ hoặc quá trái đạo lý, thuần phong mỹ tục.

Theo nhận định của Tổng cục Cảnh sát, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em trước hết do nhiều gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức xã hội kém hoặc mải lo làm ăn bỏ mặc con nhỏ nên dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo.

Mặt khác, công tác giáo dục đạo đức, nếp sống văn hóa bảo vệ chăm sóc trẻ em còn hạn chế ở nhiều địa phương, việc thực thi pháp luật có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, chưa nghiêm, đã tạo kẽ hở để tội phạm lợi dụng.

Ông Lê Kiến Thiết - chuyên gia của Viện nghiên cứu Thanh niên cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng xâm hại trẻ em thuộc về các điều kiện xã hội.

Theo ông Thiết, hiện tượng xâm hại trẻ em không phải là điều mới mẻ mà có thể xảy ra mọi nơi, mọi lúc và hầu như ai trong số người lớn chúng ta, chủ quan hoặc khách quan cũng đều có lỗi.

MỚI - NÓNG