Giá thuốc cao: Bị 'làm giá' từ nhà sản xuất

Giá thuốc cao: Bị 'làm giá' từ nhà sản xuất
TP - Giá thuốc tăng cao do bị nhà sản xuất nước ngoài làm giá trước khi cho nhập vào Việt Nam, chuyên gia nhận định tại cuộc họp được Cục Quản lý Dược và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng các ban ngành liên quan tổ chức ngày 20-4, tại TPHCM.

>> Thị trường tân dược: Độc quyền và tăng giá

Giá thuốc cao: Bị 'làm giá' từ nhà sản xuất ảnh 1

Quản từ ngọn

Thực tế theo các chuyên gia lĩnh vực dược, giá thuốc tăng cao là đã bị nhà sản xuất ở nước ngoài làm giá trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Quản lý Dược, cho biết: “Nhà sản xuất ký với nhà phân phối nhưng thực chất nhà phân phối không biết loại thuốc mình đang nắm giữ  được nhà sản xuất bán giá bao nhiêu nên nhà phân phối phải chấp nhận mức giá mà nhà sản xuất đưa ra. Vì vậy tìm hiểu giá thuốc từ nhà sản xuất là rất khó”.

Bất hợp lý hơn là hiện nay từ giá nhập khẩu đến giá bán buôn khi thuốc vào Việt Nam quá cao, trong khi từ bán buôn đến bán lẻ rất thấp. Theo đại diện của Sở Y tế Bình Dương, trên thế giới không áp dụng phương thức này mà họ kiểm soát giá chặt từ gốc đến bán buôn và bán lẻ theo khung nhất định.

Ông Lê Thanh Liêm - GĐ Sở Y tế Long An cho biết, Việt Nam lệ thuộc 90% nguyên liệu sản xuất thuốc từ nước ngoài nên rất khó kiểm soát giá.

Đó là chưa kể có các nhà cung cấp thuốc ở nước ngoài chọn nhiều nhà nhập khẩu thuốc vào VN, có khi đến 5 công ty nhập khẩu cùng nhập một mặt hàng.

Theo ông Trương Việt Khoa - GĐ Kinh doanh Cty Dược phẩm Sài Gòn, sau khi 5 công ty phân phối này đưa thuốc về Việt Nam, từng Cty kê khai giá thuốc khác nhau làm đảo lộn thị trường dược phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Chí Hùng- GĐ Bệnh viện Bình Dân TPHCM cũng cho rằng, Bộ Y tế nên nắm giá từ nhà sản xuất chứ không nên nắm giá từ nhà nhập khẩu.

Nên đấu thầu quốc gia

Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi - Phó GĐ BV Chợ Rẫy, cho rằng, tâm lý sính thuốc ngoại của người bệnh cũng làm cho giá thuốc bị đội lên. “Có hiện tượng, chiết khấu chi hoa hồng cao nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá thuốc” -  Bác sĩ Khôi khẳng định.

Theo ông Lê Thanh Liêm, nên thống nhất đấu thầu quốc gia tránh tình trạng mỗi nơi mỗi giá, phức tạp, tốn kém thời gian, gây rối rắm bởi trong hội đồng thầu cũng có người thích thuốc của công ty dược này nhưng có người lại thích công ty kia. Đại diện Sở Y tế Bình Dương cũng cho rằng, Bộ Y tế nên tổ chức đấu thầu thuốc quốc gia.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xem xét việc đấu thầu quốc gia các mặt hàng thuốc thiết yếu trình Thủ tướng. Tuy nhiên đến nay chưa thực hiện được.

Theo Cục Quản lý Dược, giá thuốc mỗi tỉnh mỗi khác bởi mỗi tỉnh có một phương án, hội đồng đấu thầu riêng nên mới có tình trạng cùng một loại thuốc nhưng giá tỉnh này khác tỉnh kia. 

MỚI - NÓNG