Giá thuốc leo theo vàng, USD

Giá thuốc tăng bệnh nhân khốn khổ (trong ảnh: Chen lấn mua thuốc tại nhà thuốc BV Nhi đồng 2) Ảnh:LN
Giá thuốc tăng bệnh nhân khốn khổ (trong ảnh: Chen lấn mua thuốc tại nhà thuốc BV Nhi đồng 2) Ảnh:LN
TP - Cùng với 'cơn điên' của vàng, giá nhiều loại thuốc chữa bệnh trong những ngày qua cũng 'nhảy múa' theo. Nhiều loại thuốc dù chưa được ngành chức năng cho phép nhưng vẫn mặc sức tăng giá với cớ giá vàng, đô la leo thang.
Giá thuốc tăng bệnh nhân khốn khổ (trong ảnh: Chen lấn mua thuốc tại nhà thuốc BV Nhi đồng 2) Ảnh:LN
Giá thuốc tăng bệnh nhân khốn khổ (trong ảnh: Chen lấn mua thuốc
tại nhà thuốc BV Nhi đồng 2). Ảnh:LN.

Tăng trước xin sau

Hôm qua 10-11, Thanh tra Sở Y tế TPHCM lặng lẽ kiểm tra giá thuốc tại Trung tâm Bán sỉ Dược phẩm quận 10 và không cho báo chí tiếp cận. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, khi kiểm tra tại nhà thuốc số 1 của Cty TNHH-TM Dược phẩm Hiệp Phát, phát hiện hơn 10 loại thuốc tại đây tăng cao so với giá niêm yết.

Đoàn thanh tra đã tịch thu và niêm phong một bịch thuốc gồm nhiều loại bị nghi ngờ hết hạn sử dụng, không có hóa đơn chứng từ rõ ràng tại công ty này. Cùng ngày, cửa hàng thuốc của Cty TNHH Dược phẩm Thiên Sơn tại lô I8 Trung tâm Bán sỉ Dược phẩm Tô Hiến Thành (TPHCM), cũng bị kiểm tra nhưng khi tìm hiểu thông tin, thanh tra Sở Y tế TPHCM không cung cấp thông tin.

Không chỉ mặt hàng thuốc chữa bệnh thông dụng tăng giá, giá nhiều loại thuốc đặc trị cũng tăng chóng mặt. Nhiều bệnh nhân điều trị các bệnh mạn tính cho biết loại Eprex 4.000 đơn vị để tạo máu cách đây 1 tháng chỉ 700.000 đồng/ống nhưng nay tăng lên 910.000 đồng/ống, trong khi đó thuốc đặc trị ung thư như Avastin 100mg từ 8,3 triệu đồng/ống đã tăng lên 10 triệu đồng/ống. 

Trước áp lực tăng giá của vàng và đô la Mỹ, Cty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (đơn vị phân phối 11 mặt hàng của Cty Dược Novartis) mới đây tăng đồng loạt giá 10 mặt hàng. Trong tháng 9 và 10, nhiều lần Vimedimex có công văn xin kê khai tăng giá thuốc và được Phòng Quản lý Giá thuộc Cục Quản lý Dược đồng ý bằng miệng cho tăng 10 mặt hàng với thặng số bán buôn tăng trung bình 16.7%, nhưng Cty đã xé rào tăng mạnh.

Theo đó, thuốc Cataflam SCT 25mg hộp 10 viên tăng từ 3.114 đồng/viên lên 3.404 đồng/viên; dung dịch nhỏ mắt Okacin từ 50.742 đồng/lọ tăng lên hơn 61.000 đồng/lọ. Tăng mạnh nhất là Genteal eye từ 65.979 đồng/lọ lên gần 73.000 đồng/lọ…

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Cty Y dược phẩm Vimedimex, lý giải: "Trước ngày 1-11-2010 vẫn áp dụng giá bán buôn theo tỷ giá 17.460 đồng/USD. Đó là tỷ giá được kê khai từ tháng 10-2008. Tuy nhiên, nay giá USD tăng hơn 20.000 đồng/USD nhưng vẫn chưa được Cục Quản lý Dược xem xét".

Một số cửa hàng phân phối thuốc ở chợ dược quận 10 (TPHCM) cho biết, loại thuốc nhỏ mắt trị đục thủy tinh thể như Vitreolent tăng từ 38.000 đồng/lọ lên 200.000 đồng/lọ hay thuốc thuốc nhỏ mắt Lomac do Ấn Độ sản xuất cũng tăng 20.000 đồng/lọ lên 185.000 đồng/lọ. Các đơn vị phân phối nói nhà sản xuất cho rằng nguyên liệu tăng, giá vàng và đô la Mỹ nhảy vọt nên không thể không tăng giá.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nhiều loại thuốc chưa được Cục Quản lý Dược đồng ý với mức tăng chóng mặt trên. Thuốc giảm nhiệt Sensacool của Indonesia tăng 25.000đồng lên 200.000đồng/hộp; Panadol Extra tăng 10.000 đồng/hộp lên 75.500đồng/hộp. Tất cả các loại thuốc này đều tăng giá theo kiểu té nước theo mưa.

Kìm cương giá thuốc

Ngoài việc, giá vàng, đô la Mỹ tăng mạnh, theo ông Nguyễn Tiến Hùng, giá thuốc tăng là vì giá nguyên liệu đã tăng từ nhiều tháng qua. Ông nói: "Giá một số nguyên liệu nông sản như nghệ vàng từ đầu năm chỉ 25.000 đồng/kg nay tăng lên hơn 200.000đồng/kg, trong khi thanh hao hoa vàng và atiso… cũng tăng gần 100%". Phòng Quản lý Dược (Sở Y tế TPHCM) trong một tháng qua tiếp nhận hàng chục hồ sơ xin khai lại giá thuốc nhưng hội đồng thẩm định vẫn chưa họp để xem xét có cho phép tăng hay không.

Theo tìm hiểu của PV, không ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược lấy cớ giá ngoại tệ biến động té nước theo mưa. Có doanh nghiệp nhập thuốc từ hồi đầu năm khi ngoại tệ chưa biến động tăng hoặc nhập khẩu nguyên liệu dự trữ từ 6 tháng đến 1 năm trước đó nhưng vẫn vin vào cớ biến động tỷ giá để tăng giá thuốc.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc hạn chế tối đa việc tăng giá thuốc, đồng thời tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý giá thuốc, kê khai lại giá thuốc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn. Theo ông Cường, việc tăng giá bất hợp lý, đầu cơ, găm hàng sẽ bị xử lý nghiêm.

MỚI - NÓNG