Bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính:

Giá xăng có thể giảm thêm 1.500 - 2.000 đồng/lít?

Giá xăng có thể giảm thêm 1.500 - 2.000 đồng/lít?
TP- Theo ông Vũ Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam, nếu xăng giá dầu thế giới giảm xuống dưới 80 USD/thùng và DN không phải trích lãi để trả bù lỗ, thì xăng có thể giảm ở mức 1.500 đồng – 2.000 đồng/lít so với hiện nay.

>> Diễn biến giá xăng trong nước và quốc tế
>> Giá xăng ở Mỹ chỉ còn 14.306 đồng/lít

Giá xăng có thể giảm thêm 1.500 - 2.000 đồng/lít? ảnh 1
Người tiêu dùng đang mong chờ giá xăng giảm thêm

Còn phải chờ mức thuế

Ngày 11/10, giá dầu thô giao tháng 11/2008 đã giảm 8,89 USD xuống còn 77,70 USD/thùng và chạm mức thấp kỷ lục trong vòng 12 tháng qua. Việc giá dầu thế giới từ 100,83 USD/thùng (giá ngày 12/9) cho đến nay giảm tới hơn 30 USD/thùng (giá ngày 11/10) một lần nữa tạo thêm kỳ vọng cho các doanh nghiệp và người sử dụng xăng dầu trong nước về một đợt giảm giá xăng thứ 4 (tính từ đầu tháng 8/2008 đến nay) sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Trao đổi với Tiền phong, ông Vũ Ngọc Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết dù rằng cơ chế bù lỗ hay cơ chế thị trường thì với mặt hàng này vẫn phải chịu sự quản lý của Nhà nước và doanh nghiệp không hẳn được toàn quyền tự quyết định giá.

Theo cơ chế được quy định thì mỗi khi doanh nghiệp muốn tăng hay giảm giá bán đều phải báo cáo tổ điều hành của liên Bộ Tài chính- Công Thương. Đối với trường hợp giảm giá có trường hợp có lúc Nhà nước cho giảm giá nhưng có lúc đưa thuế vào thay vì giảm giá.

Việc đưa thuế vào để lấy nguồn bù lỗ cho giai đoạn trước đây. Vì vậy doanh nghiệp quyết định giá trên cơ sở có sự giám sát của Nhà nước.

Lý giải về việc vì sao giá dầu thế giới giảm mà thời gian qua các doanh nghiệp trong nước chỉ giảm 500 đồng/lít mà không giảm mạnh hơn nữa, ông Hải cho biết do có 2 lý do:

Giá xăng có thể giảm thêm 1.500 - 2.000 đồng/lít? ảnh 2
Bao giờ giá xăng tiếp tục giảm? Ảnh: Hồng Vĩnh

Một là Nhà nước phải đưa thuế nhập khẩu xăng dầu vào để lấy nguồn bù lỗ cho các doanh nghiệp khi giá dầu thế giới tăng trong khi giá trong nước những tháng đầu năm 2008 không tăng.

Thứ hai là do phải giải quyết bù lỗ tiếp cho xăng và dầu tồn kho của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vào thời điểm giá cao. Cùng với đó, việc các chuyên gia trong nước và nước ngoài dự báo giá dầu quý 4 sẽ có khả năng sẽ lên tới 200 USD/thùng khiến các doanh nghiệp phải tăng số lượng dự trữ tồn kho lên rất lớn để đề phòng đứt nguồn cung cấp cho thị trường vào quý 4.

Vì vậy giá dầu nhập khi đó so với hiện tại đã phát sinh lỗ và Nhà nước cũng phải tính bù lỗ cho các lượng hàng tồn kho này của doanh nghiệp. Giải quyết xong phần này thì mới có thể thực hiện cơ chế “thuyền nổi, nước nổi”, khi giá thế giới giảm thì doanh nghiệp sẽ giảm giá chứ không duy trì như hiện nay. Chính vì vậy việc giá dầu giảm đợt này cũng còn phải xem xét tiếp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc với giá dầu nhập ở mức làm tròn 80 USD/thùng ở thời điểm hiện tại thì mức giảm giá mà doanh nghiệp có thể đưa ra là bao nhiêu, ông Hải cho biết các doanh nghiệp hoàn toàn có thể giảm thêm từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/lít xăng so với giá hiện tại. Mức giảm này không tính đến việc doanh nghiệp phải trích lãi để trả số tiền bù lỗ đã được ứng.

“Nếu giá dầu dao động và ổn định trong mức 80 USD đến 90 USD/thùng thì chúng tôi lãi từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/lít. Với mức giá dầu thế giới giảm như hiện nay doanh nghiệp cần phải xem xét và tính xem mức thuế có nâng lên hay không thì mới có thể đưa ra quyết định có giảm tiếp giá xăng hay không. Mặt khác, việc Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp phải trích nguồn để trả số bù lỗ với mức bù lỗ bao nhiêu và thời gian bù lỗ ngắn hay dài cũng là yếu tố phải tính trong việc có giảm tiếp giá xăng hay không”- Ông Hải nói.

Về việc có hay không việc các doanh nghiệp bắt tay nhau khi cùng giảm 500 đồng/lít trong thời gian vừa qua, ông Hải cho biết vừa qua Petrolimex đã đề nghị xin giảm 1.000 đồng/lít dầu hỏa và 1.000 đồng/lít xăng nhưng phương án phê duyệt cuối cùng chỉ cho phép được giảm 500 đồng/lít chứ không có chuyện “bắt tay” giữa các doanh nghiệp để cùng đưa ra một mức giảm giá. Còn hiện nay việc đề nghị giảm giá tiếp hay không cũng phụ thuộc vào điều hành của Nhà nước.

Một đại diện Cty xăng dầu Quân đội cũng cho biết, việc giảm ngay giá xăng cần phải cân nhắc vì vướng việc phải bán hết phần tồn kho nhập về thời điểm giá cao và nay đang bị lỗ. Đó là chưa kể số lỗ cũ cộng dồn lại rất lớn chưa bù đắp được hết nên kế hoạch giảm cần tính toán kỹ.

Theo ông này, mặc dù giá dầu giảm nhưng cũng cần tính đến việc Nhà nước có tiếp tục nâng thuế nhập khẩu lên hay không trong thời gian tới và doanh nghiệp phải tính trích lãi để trả lại phần Nhà nước đã bù lỗ trước đó.

Bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính:

DN phải mất 6 tháng mới bù lỗ được 3.000 tỷ đồng của Nhà nước

Trong cuộc trao đổi với Tiền phong mới đây, bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết các doanh nghiệp đang đứng trước áp lực của việc giá dầu thế giới giảm mạnh nhưng vẫn chưa thể giảm giá xăng. “Nếu để các doanh nghiệp lãi ở mức 1.500 đồng/lít (không tính giá biến động của xăng dầu trong các tháng từ nay đến cuối năm) thì các doanh nghiệp kinh doanh phải mất tới 6 tháng mới có thể bù được số lỗ trên 3.000 tỷ đồng mà Nhà nước đã cấp cho họ để lấy vốn kinh doanh tính từ 21/7/2008 trở về trước.

 Nếu để họ có lãi nhiều thì họ càng trả nhanh cho Nhà nước còn không thì phải kéo dài đến hết 2009 các doanh nghiệp mới trả hết số tiền trên”-Bà Hương cho biết.

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả:

Khó khăn ở chỗ DN không công bố giá nhập khẩu xăng dầu

Việc buộc doanh nghiệp giảm giá là khó do có nhiều lý do trong đó yếu tố quan trọng là việc giá nhập về của các doanh nghiệp hiện không công bố. Với cách tính này nay giá xuống dưới 80 USD/thùng, giá xăng chắc chắn cũng phải hạ thấp xuống nữa chứ không phải như bây giờ.

Việc các doanh nghiệp không giảm giá ngay lỗi một phần là do chưa có cơ chế rõ ràng. Khi giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp xác định giá, cơ quan quản lý mới chú trọng khi tăng giá như thế nào chứ không có quy định ngược lại. Nay nếu buộc doanh nghiệp phải giảm giá thì không có cơ chế làm như thế.

Hơn nữa doanh nghiệp nêu lí do chưa giảm được vì đang bán hàng tồn kho. Rõ ràng doanh nghiệp khó tự giảm giá vì họ không bao giờ muốn giảm nên phải có cơ chế. Chỉ khi nắm được tài chính của doanh nghiệp mới “phán” được phải giảm giá bao nhiêu và mức giảm đã hợp lý.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Giá xăng có thể giảm thêm 1.500 - 2.000 đồng/lít? ảnh 3
Ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Người tiêu dùng cần biết các DN xăng dầu lỗ bao nhiêu

Việc giảm 500 đồng/ lít xăng vừa qua có phải là quá thấp thì câu trả lời là khó. Đứng về góc độ doanh nghiệp thì thời điểm này có vẻ như là không đủ. Với giá hiện nay khoảng 80 USD/ thùng nếu điều chỉnh nhanh giảm 1.000 đồng/ lít là hơi nhiều. Các Cty kinh doanh, xăng dầu của chúng ta yếu về quản trị doanh nghiệp nên dẫn tới tình trạng không điều chỉnh kịp với kinh doanh xăng dầu của thế giới.

“Vấn đề mà người tiêu dùng chấp nhận là cần thông tin cho họ biết từ đầu năm đến giờ các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu lỗ bao nhiêu, phương hướng chỉ đạo của Chính phủ là như thế nào. Bộ Tài chính phải nói rõ quan điểm của Nhà nước là có bắt bù lỗ 3.000 tỷ đồng từ đầu năm đến 21/7 hay không”.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.