UBND TPHCM:

Giá xử lý rác ở Đa Phước không đắt

Giá xử lý rác ở Đa Phước không đắt
TP - Chiều 24/4, tại cuộc họp báo về kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TPHCM nói giá xử lý rác của Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) tại khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) không đắt so với các đơn vị xử lý rác tại TPHCM.

Ông Hoan nói: Là một nhà đầu tư nước ngoài, VWS đã tính toán rất kỹ và đầy đủ tất cả các yếu tố cấu thành giá, bao gồm cả phí vận hành sau khi bãi rác đóng cửa. Nhà đầu tư còn có một thời gian vận hành để xử lý triệt để mùi, không khí, nước…, khi tất cả đảm bảo mới bàn giao lại để TPHCM sử dụng vào mục đích khác.  Giai đoạn đầu, giá xử lý rác của VWS cao hơn nhưng đến nay giá đã ngang bằng với các đơn vị xử lý rác tại TPHCM. Cụ thể: giá xử lý rác của VWS là 20 USD/tấn, của Công ty Tâm Sinh Nghĩa: 27,8 USD/tấn và Công ty Vietstar là 19 USD/tấn.

“Sắp tới có khi giá xử lý rác của các đơn vị khác sẽ tăng cao, còn đối với VWS, mình cho phép tăng giá dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI tăng 3% thì VWS chỉ được tăng 3%. CPI âm thì VWS không được tăng giá. Từ năm 2006 đến nay, có những năm CPI rất cao như: năm 2008 tăng 19,8%, năm 2011 tăng 18,13% nhưng VWS chỉ được tăng 3%. Chính vì cách tính theo CPI nên TPHCM đã kìm giá xử lý rác của VWS trong thời gian rất dài” – ông Hoan nói.

Trả lời báo chí về việc TPHCM có ưu ái VWS, ông Hoan nói, việc triển khai xây dựng các bãi rác tại TPHCM là căn cứ vào quy hoạch được duyệt. Cụ thể: khu vực Tây Bắc trước đây là bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn), sau này là bãi rác Phước Hiệp. Khu vực phía Tây Nam là khu xử lý rác Thủ Thừa (Long An) và phía Nam của TPHCM là khu xử lý rác Đa Phước.

Bãi rác Đa Phước là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài. Việc triển khai dự án phải tuân thủ quy hoạch và trình tự, thủ tục đầu tư. Tất cả dự án đều có ý kiến, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Chẳng hạn dự án đầu tư nước ngoài có ý kiến của các bộ, ngành, từ giấy phép đầu tư đến triển khai thực hiện dự án, sử dụng công nghệ, đánh giá tác động môi trường… và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề pháp lý đã hoàn chỉnh. Đối với việc nâng công suất tiếp nhận của Đa Phước từ 3.000 tấn lên 5.000 tấn (công suất tối đa là 10.000 tấn) đã có ý kiến của các cơ quan chức năng và của Thủ tướng.

Riêng bãi rác Phước Hiệp, TPHCM đã triển khai 3 bãi chôn lấp số 1, 1A, 2 về cơ bản là đã hết khả năng tiếp nhận. TPHCM tiếp tục làm bãi chôn lấp số 3 từ năm 2013. Việc đóng bãi rác Phước Hiệp là xuất phát từ thực tế. Ông Hoan lý giải: Chủ trương của thành phố nếu làm được thì sẽ làm chứ không đóng, bởi tìm chỗ xử lý rác ở TPHCM là cực kỳ khó khăn. Quan điểm của TPHCM là phát huy tối đa khả năng tiếp nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì bãi rác Phước Hiệp trồi bọng lên, thoát nước rỉ rác ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường và người dân đã phản ứng gay gắt.

“Lúc HĐND, UBND TPHCM xuống kiểm tra thì không giải quyết nổi. Huyện Đức Hòa (Long An) cũng gửi văn bản đề nghị xem xét việc gây ô nhiễm của bãi rác Phước Hiệp. Như vậy, đóng cửa bãi rác này là xuất phát từ thực tiễn và những đòi hỏi của người dân” – ông Hoan cho hay. Theo ông Hoan, bãi rác Phước Hiệp còn ảnh hưởng đến khu đô thị Tây Bắc đã quy hoạch gần 6.000ha, vì nằm ngay bên cạnh, suốt thời gian dài TPHCM không triển khai được dự án nào. Việc kêu gọi đầu tư cực kỳ khó khăn.

Xuất phát từ những yêu cầu, thực tiễn, qua kiểm tra thực tế, UBND thành phố báo cáo và HĐND TPHCM có ý kiến là phải xem xét xây dựng lộ trình, tiến tới đóng cửa bãi chôn lấp số 3 bãi rác Phước Hiệp. Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM chỉ đạo trong lộ trình chỉ giảm từng bước và giải quyết việc làm cho người lao động. “UBND TPHCM không đóng cửa ngay mà làm từ từ. Hiện nay, tại bãi rác Phước Hiệp, Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Vietstar vẫn tiếp nhận mỗi ngày 500 -600 tấn rác/đơn vị” – ông Hoan nói.

Có hay không con số thiệt hại 1.000 tỷ đồng do đóng cửa bãi rác Phước Hiệp, ông Hoan cho biết, liên danh KABEC (Hàn Quốc) là đơn vị hợp đồng thi công, không liên doanh với công ty môi trường TPHCM nên phía Việt Nam không phải bồi thường. Vốn thực hiện dự án là vốn vay của công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM và vốn tự có của Công ty Môi trường đô thị.

MỚI - NÓNG