Giấc mơ bay

Ông Bùi Hiển đang tập lái máy bay do ông chế tạo.
Ông Bùi Hiển đang tập lái máy bay do ông chế tạo.
TP - Không phải là người đầu tiên tự chế tạo máy bay tại Việt Nam, nhưng ông Bùi Hiển (ngụ Bình Dương) lại tự tin rằng, chiếc trực thăng của ông sẽ là máy bay “Made in Vietnam” đầu tiên được phép bay trên vùng trời Việt Nam và sẽ được đưa vào sản xuất đại trà.

Ông Hiển bảo: “Tôi bắt tay vào chế tạo máy bay với tâm thế của một người lính từng vào sinh ra tử, từng lăn lộn với mảnh đất miền Đông bao năm nên biết nhu cầu về máy bay của người nông dân cần thiết đến nhường nào”. 

Những sáng tạo cơ khí

Ông Bùi Hiển sinh năm 1954 ở Hà Tĩnh, nhưng ông gắn bó với mảnh đất miền Đông Nam bộ ngay từ tuổi thanh niên. Vào bộ đội, ông chiến đấu trên mảnh đất miền Đông từ năm 1972. Năm 1978, ông Hiển ra quân và tiếp tục chọn Đông Nam bộ để sinh sống. Ông làm thợ cơ khí ở Lâm trường Chiến khu D (Sông Bé), chuyên sửa chữa máy móc. Ông bảo nhà ông có nghề cơ khí mấy đời, bản thân ông cũng yêu thích cơ khí. 

Ở lâm trường, những chiếc máy cày, máy bơm cũ kỹ qua tay ông đều hoạt động ngon lành, dù vào những năm đó, phụ tùng luôn thiếu thốn và hư hỏng nhiều. Ông cảm thấy cần phải học thêm nên dù đang khó khăn, ông vẫn xin học đại học để nâng cao tay nghề. Suốt mấy năm, ngày nào ông lọc cọc đạp xe từ Sông Bé xuống Trường Đại học Nông lâm TPHCM theo học Khoa Cơ khí.

Khi ông Hiển ra trường, Lâm trường Chiến khu D giải thể, ông liền xin về làm tại Xí nghiệp Cơ khí Nông nghiệp Sông Bé. Tại đây, ông xây dựng đề án “Chuyển đổi ô tô tay lái nghịch thành tay lái thuận”. Ông kể: “Tôi về đúng thời điểm đơn vị đang làm ăn thua lỗ, công nhân thiếu việc làm. Tôi nghĩ phải tìm việc cho anh em. Thấy nhiều tài xế chạy ô tô tay lái nghịch khá nguy hiểm vì không phù hợp với luật giao thông Việt Nam và đang mong muốn được chuyển đổi tay lái nghịch, tôi quyết tâm nghiên cứu. 

Để tự làm, tôi đã phải giấu vợ bỏ hơn chục cây vàng mua một xe tay lái nghịch về tự nghiên cứu để chuyển đổi. Sau gần 1 năm, tôi đã thực hiện thành công và đề xuất cho đơn vị được thực hiện”. Ngày đó, vì chính sách của Nhà nước còn cho phép các công ty nhập khẩu được phép nhập xe tay lái nghịch (rẻ hơn nhiều so với xe tay lái thuận), nên đề án của ông đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ. 

Cả tỉnh Sông Bé chỉ có đơn vị ông làm được việc chuyển đổi này nên gần như tất cả các xe đều tập trung về nơi đây. Đơn vị của ông trở thành một trong những đơn vị làm ăn hiệu quả nhất của tỉnh Sông Bé, nhận được nhiều bằng khen của Nhà nước về sự năng động, sáng tạo.

Năm 1997, khi đang là cán bộ được đánh giá cao về năng lực và đã được cấp trên cân nhắc để bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Bình Phước, ông xin về hưu. Ông cảm thấy mình phù hợp với vai trò người thợ hơn và không có năng khiếu làm lãnh đạo. 

Về nhà, ông tiếp tục công việc cơ khí của mình, mở gara ô tô mang tên ông. Gara nhận sửa chữa mọi loại hỏng hóc của các loại xe. Ông hướng cho hai con theo nghề ông, cho con học Khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa, học thêm chuyên ngành ô tô để về cùng làm với ông. Năm 2010, sau hơn 10 năm kèm nghề cho con, ông giao lại gara cho hai con rồi chính thức nghỉ ngơi.

Máy bay “Made in Vietnam”

Trong một lần theo bạn đi chơi máy bay mô hình, ông tự hỏi: “Tại sao họ lại không làm được chiếc máy bay giống như thế này và chở được người bay lên nhỉ?”. Ông xem xét chiếc máy bay mô hình và tự đánh giá là có thể làm được. Ông mày mò tìm tài liệu nói về máy bay. Đa số tài liệu bằng tiếng Anh, nên ông nhờ đến Google dịch. 

“Nhưng đâu phải nó dịch đã đúng và dễ hiểu đâu, tôi cứ dịch xong lại phải cầm theo cuốn từ điển kỹ thuật Việt- Anh, tra lại từng từ nên mất công lắm”. Hai năm trời nghiên cứu và mày mò tự chế, thử nghiệm cả ngàn lần, ông mới làm ra chiếc máy bay đầu tiên. Đó là một chiếc máy bay cánh quạt chồng lên nhau, chạy bằng động cơ của một chiếc xuồng máy. 

Theo ông chiếc máy bay này đủ công suất để bay lên. Nhưng ngay lần bay thử, chiếc máy bay chỉ nhúc nhích và đổ nghiêng. Lại tìm hiểu, ông mới biết là trong máy bay, tính cân bằng rất cao. Cân bằng của máy bay là cân bằng động lẫn cân bằng tĩnh, mà tài liệu thì lại ít nói về vấn đề này.

Giấc mơ bay ảnh 1

Ông Bùi Hiển đang giới thiệu các chi tiết của máy bay. 

Lại lang thang cả tháng trời trên mạng, ông mới tìm được video clip của một kỹ sư hàng không tại Đức đang thí nghiệm cân bằng trên cánh máy bay. Tải về nghiên cứu từng thông số, ông mới biết, để cân bằng cánh trực thăng, người ta phải làm thật chính xác độ nghiêng từng cánh. 

Nhưng làm như thế phải có thiết bị đo độ nghiêng chính xác mà trên thị trường Việt Nam không có sẵn. Tưởng chừng đã phải bỏ dở thì một hôm, ông may mắn tìm được phần mềm đo độ nghiêng dành cho người chơi nghiệp dư. Tuy nghiệp dư nhưng phần mềm này có thể đo chính xác tới 0,01% độ. 

Ông tải về, đo cân bằng bằng cách đặt mỗi cánh 1 chiếc điện thoại di động để cân bằng. Kết quả chính xác đến không ngờ, cánh máy bay quay nhanh mà vẫn êm, khi đạt đủ số vòng quay, nó tự nhấc mình lên khỏi mặt đất, thân máy vẫn êm ru. Chiếc trực thăng đầu tiên của ông hoàn thành. Đó là vào cuối năm 2013, sau hơn 3 năm trời ông mất ăn mất ngủ để nghiên cứu.

Theo ông Hiển, chiếc máy bay nặng 250kg (chưa tính người lái), dài 2,95m, rộng 1,2m, cao 2,4m, hai tầng cánh, độ dài sải cánh 4,52m. Công suất hơn 100 mã lực, tốc độ quay tối đa 12.000 vòng/phút, chỉ cần duy trì 6.500 vòng/phút là có thể bay ổn định. Theo tính toán của ông, khi bay trên trời với các điều kiện môi trường thuận lợi, đặc biệt là gió, chiếc trực thăng tự chế này có khả năng bay ở độ cao 200m, tốc độ bay 150-200km/giờ. Trung bình một giờ bay cần khoảng 15 lít xăng A92.

Thành công với chiếc máy bay đầu tiên, ông Hiển bắt tay chế tạo chiếc mới. Khác với chiếc cũ được thiết kế đồng trục, với chiếc mới, ông Hiển thiết kế theo kiểu trực thăng có đuôi kiểu hiện đại. Lần này, ông nhờ người mua giùm động cơ trực thăng từ nước ngoài, đồng thời tìm được những vật liệu bền hơn. Sau hơn 1 năm, chiếc máy bay thứ 2 đã hoàn tất và thử nghiệm bay thành công. 

Máy bay mới này có chiều dài 7,4m, cao 2,4m. Chiều dài cánh quạt chính là 6,6m và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1m. Khung, cánh quạt bằng inox cao cấp, kính chắn gió chịu lực. Vận tốc tối đa khi bay đạt 200 km/h, trần bay dưới 500m, tầm hoạt động liên tục trong hai tiếng. Động cơ được trang bị hệ thống giải nhiệt của xe hơi. Trọng lượng cất cánh có tải tối đa 500kg.

Chờ cất cánh

Ông Hiển chia sẻ: “Nhìn chiếc máy bay còn thô sơ của tôi, không ai dám ngồi lên vì sợ trục trặc. Nhưng tôi chế tạo ra nên tôi hiểu nó. Vì thế tôi sẽ làm phi công cho chiếc máy bay của mình”. Ông lại lên mạng, tải phần mềm lái trực thăng ảo để luyện tập. Khi đã thành thục, ông đến các trung tâm đào tạo phi công trực thăng, xin tài liệu cũng như nhờ phi công chuyên nghiệp hướng dẫn. 

Rồi ông tập lái trên chính chiếc máy bay của mình. Hơn nửa năm nay, hằng ngày, ông đều luyện tập đều đặn trong khoảng không gian nhỏ, từ việc cất cánh cho tới nghiêng phải nghiêng trái, chạy tiến chạy lùi. Ông bảo: “Từ khi tập lái, tôi mới thấy những khiếm khuyết của máy bay để chỉnh sửa. Nói chung, tới giờ, chiếc máy bay đã hoàn toàn có thể bay tốt và tôi cũng đã vững tay lái rồi, có thể lái tốt trên bầu trời. Tất cả chỉ còn chờ giấy phép cho tôi được bay mà thôi”.

Ông Hiển bảo: “Các cơ quan chức năng cũng tới kiểm tra mấy lần, và họ cho biết máy bay của tôi chế tạo thì được, nhưng để bay được thì phải chờ xem xét. Họ cũng không nói là xem xét đến bao giờ nên tôi chỉ biết chờ mà thôi”. Trong thời gian chờ, ông vẫn đều đặn tập bay, ngày vài tiếng. Tới nay, ông đã có đủ số giờ tập theo quy định của ngành hàng không để có thể được cấp phép bay. 

Hôm rồi, ông gọi điện thoại, thông báo chiếc máy bay của mình sắp được bay vì Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam đã kết nạp ông vào hội. Và Hội sẽ đứng ra lo giấy phép để ông Hiển có thể bay được. “Tôi vui lắm vì đây là cơ hội để chiếc máy bay của mình có thể chính thức cất cánh. Nếu thành công, tôi sẽ xây dựng một xưởng sản xuất máy bay trực thăng siêu nhẹ để sản xuất hàng loạt. Hiện dù chưa có máy bay nhưng đã có hàng chục người đăng ký đặt mua”, ông nói.

Năm nay ông 63 tuổi nhưng trông trẻ trung, khỏe mạnh như chỉ chừng 50. Ít ai biết trong người ông vẫn còn có 2 mảnh đạn nhưng không thể gắp ra vì dễ gây bại liệt. Mỗi khi trái gió trở trời, ông vẫn đau nhức. Nhưng ông rèn luyện để giữ sức khỏe và lấy công việc làm vui. Theo ông, chế tạo máy bay là công việc vô cùng ý nghĩa vì ở Việt Nam, nhu cầu dùng máy bay siêu nhẹ rất lớn. Máy bay của ông sẽ phù hợp túi tiền, nhu cầu sử dụng của nhiều người.

Ông Hiển kể, sau khi có thông tin chiếc máy bay của ông đã cất cánh thử, có đoàn cán bộ Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) cùng với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương đến tìm hiểu. Tại buổi tìm hiểu, kỹ sư hàng không Nguyễn Minh Quân (thành viên trong đoàn) cho rằng, chiếc trực thăng của ông Hiển đáp ứng tốt những vấn đề cơ bản của một phương tiện bay. Chiếc trực thăng có hình thức gọn, đảm bảo hài hòa yếu tố khí động học khi chuyển động. Cách chuyển đổi, vận hành lực từ động cơ ra cánh quạt và các chi tiết được chế tạo như cánh, trục ổn định hướng, bánh lái… đã được tính toán khoa học, đảm bảo đáp ứng mọi tính năng vận hành.

GS. TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, cho biết, Hội đã quan tâm chiếc máy bay của ông Hiển từ lâu. GS Cương cho rằng, những người tham gia sáng tạo khoa học kỹ thuật như ông Hiển rất đáng hoan nghênh, nhưng việc thử nghiệm bay thì một cá nhân không thể thực hiện được vì nhiều yếu tố liên quan. Cần có một tổ chức đứng ra bảo lãnh cho việc bay thử nghiệm. “Chúng tôi đã trao đổi, tư vấn anh ấy nên đứng ra đăng ký một đề tài khoa học, đồng thời giúp anh ấy chuẩn bị những tài liệu hoàn chỉnh cho đề tài, gồm bản vẽ thiết kế, công nghệ chế tạo, các số liệu cụ thể về thiết kế, chế tạo, tính năng, thông số... để có thể thực hiện đề tài”, ông Cương nói.

MỚI - NÓNG