Giấc mộng Everest của một người VN

Giấc mộng Everest của một người VN
Tôi nín thở để mở email của Quang. Anh vừa trở về sau hai tháng sang Nepal để chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới. Khuôn mặt cười hiện ra: “Còn sống y nguyên đây bạn hiền”...
Giấc mộng Everest của một người VN ảnh 1
Quang (ở giữa) trong chuyến chinh phục Everest bất thành

Đêm ấy, Quang tỉ tê tâm sự với tôi về một đời leo núi “cho thỏa tang bồng” của người học trò đất Gia Định…

...Tôi tên là Thân Trọng Quang, sinh tại Gia Định. Học hết chương trình trung học tại Thủ Đức thì may mắn xin được học bổng của một trường đại học bên Mỹ. Thành ra tuy nhà nghèo nhưng cũng được đi du học. Năm 1973, tôi lên đường đi học và cho tới giờ chưa có dịp về thăm xứ sở. Giờ tôi làm kỹ sư bảo vệ môi sinh cho tiểu bang California.

Từ nhỏ tôi đã mê chơi thể thao hết cỡ. Thật ra thì cũng có một chút khả năng về chuyện này. Trong trường trung học tôi chơi bốn môn: bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền và cầu lông. Mê nhất là bóng đá. Hồi nhỏ đọc cuốn tiểu thuyết Bồn Lừa của Duyên Anh, tôi say mê quá, chỉ mong một ngày nào đó nước Việt mình cũng vô địch thế giới về bóng đá như trong cuốn tiểu thuyết này. Và cuốn truyện này cũng làm cho tôi có một ước mơ, mơ một ngày nào đó sẽ có dịp đạt được một thành tích thể thao gì đó để làm rạng danh dân Việt mình.

Vào dịp Giáng sinh năm 1983, một cô bạn người Anh tặng tôi một quyển sách leo núi. Sách nói về chuyến leo núi Everest năm 1982 của một toán người Anh với kết quả rất bi thảm: hai người chết mất xác. Không hiểu sao tôi bị cuốn sách này hớp hồn. Từ đó, tôi bắt đầu mơ mình sẽ thành một tay leo núi cừ khôi, có thể leo tới các đỉnh núi cao nhất để cắm cờ VN lên đó.

Năm 1984, tôi đăng ký đi làm ở tiểu bang Alaska vì nghe nói nơi đây rất hoang dã và có nhiều núi non hùng vĩ, khí hậu lại lạnh lẽo và có tuyết đóng quanh năm. Tôi nghĩ rằng đây là nơi lý tưởng để học nghề leo núi và đi học hai khóa ở đại học cộng đồng của thành phố Anchorage. Từ đó, tôi miệt mài leo núi ở Alaska, gần như cuối tuần nào cũng đi vì còn độc thân. Dân leo núi trên Alaska ai cũng muốn leo núi McKinley (còn có tên là Denali) vì nó là núi cao nhất Bắc Mỹ: 20.320 feet (6.194m). 

Nhưng ngọn núi này không những cao mà còn lạnh tàn bạo vì nó nằm ngay Bắc cực. Họ còn nói dân châu Á chỉ có Nhật và Hàn Quốc là leo hay thôi. Tôi nghe tự ái dân tộc nổi lên cuồn cuộn, chỉ muốn có cơ hội để chứng minh cho thế giới thấy là người Việt mình chỉ chưa có cơ hội thôi chứ có chắc cũng không thua dân nào hết. Năm 1985, tôi qua Pháp với hai người bạn Mỹ để leo núi Mont Blanc (Bạch Sơn) cao nhất Tây Âu: 15.800 feet (4.810m). Tôi đã leo tới đỉnh của ngọn Bạch Sơn mà lúc xưa ở VN tôi có thấy trong cái nhãn của những lon sữa đặc có đường…

Giấc mộng Everest của một người VN ảnh 2
Dựng lều trên núi

Năm 1986, tôi đổi việc làm phải về sống ở tiểu bang Texas. Trước khi rời Alaska, tôi quyết định phải leo núi McKinley. Bạn bè leo núi của tôi ai cũng nghĩ là tôi sẽ không leo tới đỉnh vì khó khăn ghê lắm. Điều này lại càng làm tôi muốn đi, muốn chứng tỏ cho họ thấy là người VN cũng có đủ khả năng để leo đến đỉnh của ngọn núi đầy bất trắc này.

Sau hai tuần khó nhọc và lạnh lẽo, tôi đã thành công. Thế là VN mình đã có người đặt chân lên đỉnh cao nhất Bắc Mỹ vào tháng 5 -1986. Vào cuối chuyến đi này, tôi bị chảy máu mũi trầm trọng trên đường xuống núi. Cũng may là đã đến đích rồi, tôi cố lết xuống tới nơi và nhập viện vài ngày.

Về Texas được sáu tháng, tôi sang Argentina để tìm cách lên đỉnh Aconcagua cao 22.850 feet (6.965m).  Đây là ngọn núi cao nhất Nam Mỹ và tôi lại đơn thân độc mã lên đường. Người bạn định đi chung bận việc vào phút chót, biết làm sao được.

Vì đi một mình có dư chỗ trong lều nên hai lần tôi đã cứu được người leo núi khác đi lạc bị bão đánh gần chết. Tôi mời họ vào ngủ chung trong lều và mời dùng cơm nước cho đến khi những người bạn đồng hành tìm ra họ. Leo một mình trên ngọn núi lớn như thế này thật cực, vì vừa phải leo trèo, khiêng đồ, căng lều và nấu nướng… một mình.

Điều đáng sợ hơn là không có ai để trò chuyện, mà tôi thì có tật sợ ma nên luôn phải chui vào lều trước khi trời tối. Gần đến đỉnh, tôi có gặp người hồi xưa làm chung trên Alaska. Anh này thất bại, đang buồn bã đi xuống. Thuyết phục mãi, cuối cùng hai chúng tôi cũng lên đến đỉnh sau ba tuần cực khổ. Tôi ghi vô nhật ký của mình: tháng 1-1987, đã có người Việt lên đến đỉnh Nam Mỹ.

Năm 1988, tôi lập gia đình và dọn qua California sinh sống. Bà xã không muốn tôi tiếp tục leo núi vì vừa nguy hiểm, vừa tốn quá nhiều tiền. Những bất đồng về chuyện này cứ kéo dài hoài. Thêm vào đó tôi không muốn có con vì có con mà leo núi thì quá ích kỷ và có ngày con mình sẽ mồ côi cha. Bà vợ thì luôn muốn có con. Cứ lục đục hai chuyện này mãi, nên đến năm 1994 thì tụi tôi chia tay nhau.

Được độc thân trở lại, cuối năm đó tôi qua châu Phi, đến xứ Tanzania để tìm núi Kilimanjaro cao nhất lục địa đen này ở cao độ 19.340 feet (5.895m). Núi này coi vậy mà tốn ít thời gian, một tuần rưỡi thì đến đỉnh và tương đối ít nguy hiểm hơn những núi khác.

Sau đó thì tôi cứ thường xuyên leo núi với bạn bè. Tôi là hội viên của California Mountaineering Club nên có nhiều bạn bè để đi leo núi chung, nhưng chưa thấy có người Việt nào cả. Thật tình là tôi thèm có người bạn đồng hương nào đi chung để nói tiếng Việt cho đã mà chưa có cơ hội. Tôi thích mua vài cái bánh bao để lên núi ăn sáng và vài khúc bánh mì thịt để lên núi ăn trưa. Tiểu bang California có 15 ngọn núi cao hơn 14.000 feet, từ dễ đến khó. Tôi đã leo được 12 ngọn và định từ đây đến cuối năm sẽ leo hết ba ngọn còn lại.

Trong giới leo núi chuyên nghiệp thì tay nào cũng muốn leo cho được núi Everest nằm ngay biên giới Nepal và Tây Tạng. Núi này cao nhất thế giới: 29.035 feet (8.850m). Leo lên được nó thì rất là danh tiếng. Những quốc gia lớn ở châu Mỹ, châu Âu, châu Úc và châu Á đã có người xứ họ đặt chân lên trên núi này rồi. Giờ đến lượt các nước nhỏ ở châu Á và châu Phi. Năm 1997, người Indonesia đã lên đến đỉnh núi.

Họ bỏ ra cả triệu USD tuyển vận động viên khắp trong nước, lại thuê những tay leo núi nổi tiếng thế giới về làm huấn luyện viên và cuối cùng đã thành công. Người Malaysia cũng lên đến nóc nhà thế giới cùng năm 1997. Riêng Philippines thì chi hẳn 2 triệu USD để đưa vận động viên của mình ra nước ngoài tập luyện để chinh phục Everest vào năm 2007.

Mỗi lần nghe những tin này thì máu “Bồn Lừa” của tôi lại nổi lên vì ganh tị với những xứ này. Năm 2003 tôi đã quyết định leo Everest. Nhưng đúng là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Vào tháng hai năm đó, một tháng trước khi bắt đầu hành trình, tôi và một người bạn đi leo núi Rainier ở tiểu bang Washington để tập luyện. Tụi tôi lựa lúc thời tiết được dự báo là sẽ có bão to khủng khiếp để đi vì nghĩ rằng mình sắp đi Everest thì cần phải có khả năng đương đầu với mọi khó khăn. Trang bị đủ đồ nghề để đối phó, nhưng đi nửa đường thì gặp hai cô gái Mỹ cũng leo nhưng không có kinh nghiệm nên bị nạn.

Một cô đem theo găng tay không đủ dày nên bị cóng tay, thành ra bốn ngày trên núi tụi tôi phải giúp họ để cùng nhau sống còn. Cho mấy cô đó mượn găng tay, đồ nghề và lều, lúc đó không để ý lắm tới mình nên hai đứa tôi cũng bị cóng hết mấy ngón tay. Và thế là hết bão phải xuống núi, tôi vào bệnh viện để cứu mấy ngón tay. Mãi đến hơn bốn tháng sau mấy ngón tay mới bình phục, một ngón bị mất hết một chút nên nó ngắn hơn lúc trước khoảng 7mm. Và thế là giấc mơ Everest năm đó tan tành.

Lúc bay từ Thái Lan qua Hong Kong để về Mỹ sau thất bại Everest, mình đã bay ngang qua VN. Nhìn xuống thấy đất đai của quê hương mình đã xa trong suốt 32 năm, lòng cảm thấy lâng lâng. Thôi thì chắc trong tương lai gần sẽ ráng một chuyến về thăm xứ sở… Mình đã leo quá nhiều núi lớn nhỏ trên thế giới, nhưng còn núi ở quê thì chưa có dịp. Phải tính thôi, chắc là năm nay về VN để leo lên đỉnh Phanxipăng…

Trích nhật ký Thân Trọng Quang

Mùa xuân năm nay tôi quyết định tiếp tục tìm cách lên Everest. Đi rất tốn tiền, khoảng 25.000 USD. Cái giấy phép leo núi của Chính phủ Nepal cấp đã tốn hơn 10.000 USD rồi. Số tiền 15.000 USD còn lại là để mua lương thực, lều, dây, bình dưỡng khí, trả công các phu khuân vác khiêng đồ nghề đến chân núi cho mình…

Tôi rời Cali vào ngày 21/3, bay đến thủ đô Kathmandu của Nepal. Sau đó đi bộ một tuần mới đến chân núi. Toán của tôi có tất cả là bảy người: hai người Đức, hai người Nga, một người Anh, một người Tây Ban Nha, và tất nhiên, tôi là người VN. Cả nhóm bắt đầu leo vào ngày 2/4.

Từ chân núi, tụi tôi leo lên trại đầu tiên (Camp 1).  Trước khi đến được trại này thì phải đi qua một vùng tuyết lở tên là Khumbu.  Những ai đi ngang đây mà kém may mắn sẽ bị tuyết lở chôn vùi hoặc quật ngã, cực kỳ nguy hiểm.

Núi Everest rất cao nên không thể nào leo một mạch vài ngày từ chân núi lên đến đỉnh được. Leo như thế sẽ toi mạng vì cơ thể chưa quen được tình trạng thiếu dưỡng khí trên cao nên sẽ bị đau đầu kinh khủng, hoặc sẽ bị sưng phổi, nếu không đi xuống dưới thấp ngay thì sẽ chết. Vì thế, chương trình là chúng tôi leo lên Camp 1 xong sẽ xuống lại chân núi.

Vài ngày sau đó mới lên tiếp Camp 1 rồi Camp 2 và xuống núi lại. Sau đó tiếp tục leo dần lên theo lộ trình lên rồi lại xuống để cơ thể làm quen với cao độ sau khi đã ngủ ít nhất một đêm trên Camp 3. Sau đó thì xuống núi và chờ thời tiết tốt thì có thể leo một mạch lên đến đỉnh. Chính vì thế mà phải đi ngang vùng tuyết lở tới sáu lần.

Lần thứ nhì chúng tôi đi ngang qua suýt chút nữa bị tuyết lở chôn sống. Đợt này có một người Mỹ chết và một người Canada trong toán khác bị gãy chân. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt và nguy cơ tuyết lở gần như vây phủ. Mọi người tính toán mọi đường và quyết định rút lui sau cái chết của người bạn.

Tôi ao ước là một ngày gần đây sẽ có người VN đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest.  Người đó là tôi cũng được, không phải là tôi cũng không sao. Đúng ra không phải là tôi thì càng tốt vì như thế tôi không cần phải chinh phục Everest nữa vì mộng ước lớn nhất cuộc đời đã thành sự thật. Khi đó tôi sẽ chú tâm vào việc giúp đỡ tổ chức từ thiện Children of Peace International lo cho các em mồ côi ở VN. Bà xã tôi làm việc này nhiều năm rồi, năm nào cũng về quê để chăm sóc các trẻ mồ côi mà lần nào tôi cũng lần lữa vì đeo đuổi cái mộng Everest.

MỚI - NÓNG