Giãi bày của bác sỹ để quên kim trong bụng bệnh nhân

Ông Nguyễn Đức Ngọc - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thừa nhận chính ông là người trực tiếp mổ ca 9 năm trước để xảy ra việc để quên kim trong bụng. Ông Ngọc cho rằng, vì cái kim “nằm ở thành bụng nên phẫu thuật đơn giản, không cần hồ sơ”?!

Con người chứ đâu phải gà vịt?

Sau nhiều ngày “ra viện” mà không có bất cứ giấy tờ nào và cũng không một lời dặn dò của bác sỹ, bất an và lo lắng, gia đình đã tìm đến để được bệnh viện giải thích việc để quên kim khâu trong bụng năm nào và xin tờ giấy chứng nhận ca mổ vừa qua.

Giãi bày của bác sỹ để quên kim trong bụng bệnh nhân ảnh 1

BVĐK huyện Can Lộc - nơi xảy ra sự việc hy hữu khi "quên" kim 9 năm trong bụng bệnh nhân.

Khi PV có mặt tại BVĐK Can Lộc vào sáng 17/11 thì cũng là lúc chồng và người thân chị Hòa đã gặp được BS Nguyễn Đức Ngọc - Phó GĐ BVĐK huyện Can Lộc và BS Nguyễn Phước Chung, Trưởng khoa Ngoại.

Gặp những vị bác sỹ đã từng 2 lần mổ cho vợ mình (1 lần quên kim và 1 lần chữa cháy), anh Tiến (chồng chị Hòa) đã không giấu được sự nỗi lòng “vợ tôi chứ có phải con gà con vịt gì đâu mà thích là bác sỹ đưa đi mổ mà không cần hồ sơ, thủ tục gì”.

Theo lời ông Ngọc, thì năm 2005, ông là người mổ chính, BS Chung phụ mổ, ca mổ đã để quên kim trong bụng thai phụ Hòa. Còn mới đây thì ông Ngọc là người tổ chức mổ lấy lại kim còn BS Chung là người cầm dao mổ.

Giãi bày của bác sỹ để quên kim trong bụng bệnh nhân ảnh 2

Ông Nguyễn Đức Ngọc - Phó GĐ BVĐK huyện Can Lộc là người mổ để sót kim năm xưa và nay tổ chức mổ chữa cháy không hồ sơ. Cuộc trao đổi với gia đình chị Hòa, ông Ngọc nói rất nhiều nhưng không hề có một lời xin lỗi hay thông cảm gia đình nạn nhân.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Phước Chung lại cho biết, ông không liên quan đến ca mổ của chị Hòa năm 2005 và trong hồ sơ lưu sẽ chứng minh điều đó.

Ông Chung nói, hôm 7/11, vì là người có kinh nghiệm trong việc mổ lấy dị vật nên ông được mời đến để thực hiện ca mổ lấy kim ra khỏi bụng chị Hòa. Việc tổ chức là do bác sĩ Ngọc.

“Cái này (quên kim trong bụng bệnh nhân) có phải là hậu quả của cuộc mổ trước hay không thì đó là việc do hội đồng khoa học của BV xác nhận. Nếu do nguyên nhân của ca mổ này là hậu quả của ca mổ trước thì người đồng ca mổ: người cầm dao mổ và người phục vụ dụng cụ phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng sức khỏe bệnh nhân.

Lý do vì sao không có cam kết của gia đình mà vẫn triển khi mổ, bác sĩ Ngọc sẽ trả lời. Tuy nhiên, chắc chắn phải có sự đồng ý của gia đình”, vẫn lời ông Chung.

Về thủ tục mổ, ông Chung cho hay, ban đầu nghĩ rằng là một kỹ thuật cũng đơn giản nên không làm hồ sơ, nhưng khi bệnh nhân yêu cầu điều trị thì đã có chỉ đạo làm hồ sơ điều trị ngoại trú để có thuốc uống.

Tuy nhiên, khi gia đình yêu cầu xem hồ sơ “để cho an tâm”, thì ông Chung lại bảo nguyên tắc của ngành là không cho phép?!.

Không làm hồ sơ mổ vì… mổ đơn giản!?

Còn ông Nguyễn Đức Ngọc - Phó GĐ BVĐK huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bác sĩ CKI - người trực tiếp mổ cho chị Nguyễn Thị Hòa năm 2005 thì cho biết, vào năm 2005, chị Hòa đưa vào viện trong tình trạng khẩn cấp: bị phong huyết tử cung, choáng, mất máu nên BV làm rất khẩn trương để cứu mẹ.

“Trong quá trình cấp cứu có thể có những vấn đề sai sót. Và không hiểu sao nó (kim) lại nằm ngay thành bụng”, ông Ngọc nói.

Giãi bày của bác sỹ để quên kim trong bụng bệnh nhân ảnh 3

Gia đình anh Tiến, chị Hòa rất bức xúc trước cách làm việc của BVĐK huyện Can Lộc.

Theo ông Ngọc, ca mổ đẻ là do ông cùng với ông Nguyễn Phước Chung cùng một vài y tá nữa phụ trách. Trong đó, ông là người cầm dao mổ còn ông Chung phụ mổ. Còn ca mổ lần này (7/11), là do ông Chung cầm dao mổ nhưng ông vẫn là người chịu trách nhiệm chính.

Ông Ngọc cũng xác nhận, “khi chị Hòa đến chụp phim thì phát hiện đang còn 1 cái kim nằm thẳng ở thành bụng, ngay vết mổ cũ. Cái kim này là do khi phẫu thuật sơ suất rơi, không có việc gì phải chối cãi cả”.

“Một sơ suất to hay nhỏ cũng là của bệnh viện, do đó chúng tôi cũng tích cực giải quyết nhanh hậu quả. Mà nó cũng không phải là ca mổ lớn, không phải ở trong ổ bụng mà nằm ngoài thành bụng, chúng tôi giải quyết nhanh để mà cho về thôi. Nhưng sau gia đình yêu cầu cho chị Hòa ở lại thì BV cho chị điều trị ngoại trú”, BS Ngọc phân tích việc không làm hồ sơ mổ.

BS Ngọc tiếp tục phân trần, “nó mang tính tiểu phẫu chứ không phải là một ca mổ lớn mà cần phải cam đoan, cam kết gì cả. Nếu phản đối thì anh Tiến phải kéo vợ ra, chứ sao lại im lặng?”

“Cái cuối cùng là BV đã giải quyết hậu quả cho bệnh nhân rồi. Còn hồ sơ bệnh án thì chúng tôi làm bệnh án ngoại trú. Chúng tôi chỉ nghĩ chuyện nó nhẹ nhàng, đơn giản thì mình cũng làm giúp cho họ đỡ đau, đỡ lo lắng, chứ không biết nó nặng nề tới mức độ này”, lời BS Ngọc.

Vị PGĐ BV tiếp lời: “Sơ suất này (bỏ quên cây kim) là trong lúc mổ cấp cứu (năm 2005), phải cắt cả tử cung do đó hoạt động không được như mổ phiên, mổ này nọ đâu! Đôi khi phải hy sinh một tí, công tác chữa bệnh là thế. BV đã làm về kỹ thuật chắc chắn có sai sót, không riêng gì vợ của anh đây.

Nhiều người có cả những viên đạn nằm ở những vị trí nguy hiểm thì lúc ấy nó mới ảnh hưởng tới sức khỏe, còn nó nằm ở vị trí đó (thành bụng) thì không có ý nghĩa gì cả”.

Theo Văn Đức - Duy Tuấn

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.