Giải cứu thịt heo là nỗi đau

Người dân nuôi điêu đứng vì giá heo giảm mạnh. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Người dân nuôi điêu đứng vì giá heo giảm mạnh. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nếu dự báo thị trường tốt chưa chắc chúng ta phải giải cứu nông sản, thực phẩm nhiều như hiện nay, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Ty nhận định.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5, Chính phủ cho biết, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, sẽ tăng sản lượng khai thác dầu thô. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại đề nghị Chính phủ cân nhắc giải pháp trên. Nhiều ý kiến cũng lo ngại chúng ta phải liên tục giải cứu nông sản.

Dự báo tốt, chưa chắc phải giải cứu

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Do đó, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7%. “Với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thì đề nghị Chính phủ đánh giá lại một số vấn đề nổi lên gây bức xúc cho người dân gần đây, như chuyện giải cứu thịt heo vừa qua. “Tôi chỉ nói mỗi việc giá thịt heo thôi đã thấy việc giải cứu là nỗi đau của chúng ta”, ông Giàu nói. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng thời gian qua nhà nước phải thực hiện nhiều cuộc giải cứu dưa hấu, thịt heo...  vì nông dân khó khăn, Chính phủ không thể làm ngơ. Tuy nhiên, nếu nhiều vấn đề cần giải cứu thì cần xem lại tầm vĩ mô quản lý đã đúng chưa?

“Chính phủ cần đánh giá lại. Cấp vĩ mô như Chính phủ lại phải lao vào giải cứu thì khâu dự báo đã làm tốt chưa? Tôi nghĩ nếu dự báo tốt chưa chắc phải giải cứu thế này. Từ đầu năm 2017 đến nay đã giải cứu mấy lần, như thế là quá nhiều”, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nói. Ông Tỵ cũng đề nghị, Chính phủ phải đánh giá lại, đầu tư chỉ đạo vĩ mô dài hơi hơn, chủ động hơn để dân đỡ khổ. Nếu tính toán, dự báo tốt sẽ hạn chế thiệt hại cho dân. “Giải cứu phải là khi có tình huống lớn, liên quan đến thế giới, khu vực, chiến tranh hay thiên tai, chứ thông thường thế này vẫn giải cứu thì cần xem lại”, ông Tỵ nói.

Đối thoại để không hình thành điểm nóng

Đề cập đến các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã đề nghị phải rà soát công tác quản lý đất đai sau vụ việc Đồng Tâm (Hà Nội). “Qua vụ Đồng Tâm vừa rồi, rõ ràng quản lý đất đai có vấn đề nên phải rà soát sao cho chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Quan trọng nhất để cho dân thấy chính sách của ta là đúng và có trách nhiệm. Khi tình huống tương tự xảy ra thì xử lý thế nào? Đối thoại với dân ra sao? Nếu tình hình căng mà đối thoại với dân chậm thì bất lợi, càng kéo dài thì càng tạo cơ hội cho thế lực thù địch”, ông Tỵ nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, lưu ý cần đánh giá rõ vấn đề người dân tập trung phản đối chính quyền thời gian qua. “Tại sao những việc vừa qua lại để nặng nề như vậy? Tại sao nắng nóng như thế để trẻ em ra đường phản đối chính quyền?”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi. Theo bà Phóng chính sách, luật pháp về đất đai không phải là lý do chính dẫn đến người dân bức xúc, phản đối mà là do cách tổ chức thực thi các chính sách này. Đội ngũ cán bộ, công chức đã không giải quyết tốt, giải trình thuyết phục cho người dân.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, quy định của pháp luật về đất đai là đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai là không đúng. Ví dụ việc thông báo, triển khai thu hồi, đền bù đất đai không minh bạch, không đúng luật. Có khiếu nại, tố cáo thì không giải quyết đúng. Theo bà Hải, hiện tại công tác tiếp dân cũng rất đáng báo động vì nhiều địa phương không làm đúng. Cụ thể qua giám sát của Ban Dân nguyện cho thấy, nhiều Chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp dân 3 lần/năm trong khi quy định là 12 lần/năm, các buổi khác đều giao cho cấp phó tiếp.

Bà Hải cho hay, tình trạng này càng vi phạm nhiều hơn ở cấp huyện, cấp xã. Thậm chí có xã giao việc tiếp dân cho người không có thẩm quyền thực hiện. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá: Công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, công tác thu hồi, đền bù thiếu minh bạch và thiếu hợp lý tại cơ sở gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu tận thu, tận diệt chưa được kiểm soát chặt chẽ do sự buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành nên đã để cho các nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách.

MỚI - NÓNG