Giải ngân tốc độ 'rùa':Thu hồi vốn, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh Như Ý.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh Như Ý.
TP - Thảo luận tại QH ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với một số đơn vị giải ngân chậm cũng như kiên quyết thu hồi số vốn đã giao nhưng không triển khai thực hiện; công khai kết quả giải ngân của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương để theo dõi giám sát.

Nơi cần không có, nơi có lại không chịu tiêu

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 25/5, đề cập kế hoạch đầu tư công trung hạn, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nói rằng, một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận đang phơi mình trong nắng nóng, ĐBSCL đang oằn mình hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu... nhưng chưa được bố trí vốn đầu tư để triển khai dự án, đối phó trong khi nhiều công trình, dự án khác được ghi vốn, có tiền nhưng không giải ngân được. “Từ tình hình đó, tôi xin kiến nghị Chính phủ kiểm tra, rà soát lại các công trình, dự án không có khả năng hoặc chậm tiến độ giải ngân để điều vốn sang các công trình, dự án quan trọng cấp bách khác mà chưa được phân bổ về vốn”, ông Hận nói.

ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nói rằng, báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ, một trong những tồn tại, hạn chế hiện nay là việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 không đạt kế hoạch, 4 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 16,4% dự toán. Theo ông Tùng, việc nghiên cứu rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công là rất cấp thiết. Có làm vậy mới giảm bớt được các thủ tục rườm rà, tăng quyền chủ động cho địa phương, khắc phục vướng mắc trong giải ngân.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, 4 tháng qua, tỷ lệ giải ngân mới đạt 16,3%, thấp hơn so với cùng kỳ là 22,3%. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về quy định pháp lý, quy trình thủ tục, yếu tố thời vụ thấp vào đầu năm, cao vào cuối năm, nguyên nhân chủ quan rất lớn. Nhiều đơn vị trung ương và địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác triển khai, từ khâu giao kế hoạch chi tiết hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng đến khâu thanh toán giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt đối với việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và đã trực tiếp kiểm tra, rà soát tình hình giải ngân tại các đơn vị Trung ương, địa phương và có kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn chậm, để tìm ra những nguyên nhân cốt lõi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay, Chính phủ cũng đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với một số đơn vị giải ngân chậm cũng như kiên quyết thu hồi số vốn đã giao nhưng không triển khai thực hiện”, ông Dũng nói.

 Vượt tổng mức đầu tư, ai chịu trách nhiệm?

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lo ngại về tình trạng chi chuyển nguồn năm 2017 với con số trên 297.000 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm gần đây. Theo bà, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, đây là một khoản lãng phí, cần phải thu hẹp phạm vi chuyển nguồn, đảm bảo kỷ luật tài chính. Bên cạnh đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản có những thời điểm giải ngân rất khó khăn. Cụ thể, vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 chỉ giải ngân được trên 40%.

Một thực trạng đáng lo ngại khác là vượt tổng mức đầu tư. Theo Luật Đầu tư công, không được phép vượt tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, theo bà Mai, qua giám sát thực tế, chất lượng khảo sát, thiết kế ở một số dự án chưa đạt yêu cầu, hoặc do năng lực tư vấn còn hạn chế dẫn đến nhiều dự án phải tăng tổng mức đầu tư. Bà Mai nói rằng, Quốc hội sẽ phải xem xét nhiều dự án, trong đó có dự án Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương…

ĐB Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) cho biết, những năm qua, Đà Nẵng đầu tư xây dựng một số công trình lớn như nút giao thông ngã ba Huế, với tổng trị giá trên 2.000 tỷ đồng. Công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2015, nhưng đến nay, Chính phủ vẫn chưa cấp kinh phí để trả cho doanh nghiệp.

Ông Quang cho biết, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã chất vấn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, sau đó, Văn phòng Chính phủ có công văn, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc thanh toán vốn cho dự án này.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành giám sát tối cao vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Báo cáo giám sát đã chỉ ra nhiều ưu điểm cũng như hạn chế của Chính phủ trong đầu tư ở lĩnh vực này.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), từ đó đến nay đã 6 năm, nhưng việc khắc phục hạn chế mà báo cáo chỉ ra còn chậm; việc khống chế mức hạn điền trong Luật Đất đai là rào cản, làm ảnh hưởng lớn đến việc tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng chuyên canh lớn trong sản xuất nông nghiệp.

MỚI - NÓNG