Giải pháp cứu mũi Cà Mau

Giải pháp cứu mũi Cà Mau
TP - Bà con cất nhà ven biển Tây ở tỉnh Kiên Giang, Cà Mau vài năm phải chuyển nhà lui về bên trong vì bờ biển mất rừng, bị xói lở nghiêm trọng. Một dự án làm kè ngầm, tạo điều kiện khôi phục rừng, bảo vệ bờ biển cứu mũi Cà Mau đang được thực hiện.

Ông Phạm Văn Thảnh, PGĐ Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang, nói: “Kiên Giang có trên 252 km, trong đó 1/3 bờ biển không còn rừng, bị xâm thực, sạt lở có những đoạn dài 20 km, sâu đến chân đê”.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau cho biết, Cà Mau có 4 khu vực sạt lở, với chiều dài hơn 40 km trong tuyến bờ biển 254 km.

Chi cục Thủy lợi Cà Mau ghi nhận: Năm 2007, đỉnh triều cường 1,5 m, làm thiệt hại 4.886 ha diện tích sản xuất. Năm 2011, đỉnh triều cường đạt 2,1m, làm thiệt hại 19.653 ha hoa màu, vuông tôm, ao cá.

Mực nước tiếp tục dâng cao, thời gian tới sẽ có khoảng 90.000 đất sản xuất của huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân… bị ngập.

Chắn sóng, rừng mọc lên

Chi cục Thủy lợi Cà Mau cùng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thí điểm làm kè ngầm, tạo bãi, trồng rừng tại khu vực đê biển Tây (U Minh, Trần Văn Thời), cửa biển Gành Hào (Đầm Dơi), Mũi Cà Mau (Ngọc Hiển) với tổng chiều dài 1.857 m, vốn đầu tư 64,3 tỷ đồng.

Những cọc bê tông dài 6 m cắm xuống đất thành 2 hàng song song cách nhau chừng 2 m. Ở giữa chất đá hộc, sóng biển có thể vượt lên hoặc chui qua kè, nhưng sau khi rút, lượng phù sa đọng lại để tạo bãi, phát triển rừng ngập mặn.

Ông Hoai nói: “Kè ngầm chắn được sóng biển từ xa, giảm cường độ. Cái quan trọng là lượng phù sa đọng lại, tạo bãi bồi, phát triển đai rừng phòng hộ”.

“Khi cần thiết, bơm sình cưỡng bức vào bên trong kè để tạo bãi. Có bãi rồi, sẽ trồng cây mắm để tạo đai rừng phòng hộ. “Thực tế cho thấy, chỉ cần xây dựng kè ngầm, bãi sẽ bồi, rừng sẽ mọc lên và những loài thủy sản sinh sôi”, ông nói.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Chúng tôi đang kiến nghị Bộ NN&PTNT không di dời đê biển vào trong so với đê hiện hữu vì sẽ mất đất, bất ổn dân cư, sóng biển sẽ lấn dần. Kè ngầm chắn sóng, tạo bãi, phát triển đai rừng phòng hộ ven biển sẽ là bước đi bền vững”.

Ông Hoai tính: “Theo thời giá hiện nay, mỗi mét kè ngầm, trồng rừng tốn khoảng 35 triệu đồng. Nếu xây dựng kè những nơi sạt lở, mất rừng thì khoảng 40 km, rồi trồng rừng phòng hộ để bảo vệ bờ biển. Vừa chống sạt lở, môi trường bền vững và ổn định hàng ngàn hộ dân ven biển”.

PGS.TS Lương Văn Thanh, Viện Kỹ thuật Biển, cho biết: “Tháng 5-2013, công trình nghiên cứu về xói lở vùng đất mũi Cà Mau sẽ được Bộ KH-CN nghiệm thu. Giải pháp công nghệ khẳng định hoàn toàn có thể cứu được vùng đất mũi Cà Mau chứ không như những lo lắng vùng đất này sẽ bị biến mất vì sóng biển”.

Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, đã giải ngân được 1 tỷ đồng trong 10 tỷ đồng Trung ương bố trí cho dự án xây dựng đê biển bằng bê tông ở Bạc Liêu năm 2012. Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn xây dựng đê biển của tỉnh Bạc Liêu ước tính là 4.522 tỷ đồng.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, xây dựng đê bê tông suốt bờ biển là giải pháp không khả thi cả về tài chính lẫn kỹ thuật, còn có hại cho môi trường sinh thái.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.