Giải quyết trên bàn nhậu và phong bì

Hội thảo quốc gia về thị trường và quản lý phân bón ngày 12/10. Ảnh: VOV
Hội thảo quốc gia về thị trường và quản lý phân bón ngày 12/10. Ảnh: VOV
TP - “Khi có vấn đề gì, họ gọi nhau ra giải quyết trên bàn nhậu, bằng phong bì. Và cuối cùng, nông dân phải lãnh hậu quả”- TS Nguyễn Đăng Nghĩa nói tại hội thảo quốc gia về thị trường và quản lý phân bón ngày 12/10.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nghiên cứu về đất, phân bón 40 năm nay cho rằng: “Nông dân Việt Nam còn phải hứng chịu nạn phân bón giả, kém chất lượng dài dài, nếu sau hội thảo này, mọi thứ đâu lại vào đấy”. Ông Nghĩa cho biết thêm: “Khi trao đổi với các chuyên gia nước ngoài, họ bảo Việt Nam giỏi thế! Vì quản lý tới hơn 5.000 loại phân bón trong danh mục; còn loại chưa vào danh mục, chắc cũng từng đấy nữa. Tôi là người nghiên cứu sâu, mà còn mờ mịt trước ma trận về phân bón, vậy nông dân biết thế nào, làm sao quản lý đây?”- ông Nghĩa nói.

Các chuyên gia cho biết, phân bón lãng phí trên đồng ruộng ở Việt Nam mỗi năm khoảng 2 tỷ USD. Chưa kể, việc dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan sẽ hủy hoại đất nông nghiệp, môi trường nông thôn, chất lượng nông sản ảnh hưởng.

Theo tính toán của TS Nghĩa, ở Việt Nam trong ngành nông nghiệp khoảng 10 chủng loại cây trồng, mỗi loại chỉ cần 4 loại phân bón chuyên dùng. Như vậy, cả nước chỉ cần 40 loại. “Nếu cho thoải mái, chỉ cần khoảng 100 loại là cùng. Với con số đó, anh chỉ cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, phục vụ. Thế là cơ quan quản lý cũng nhàn, chứ phức tạp đến hàng nghìn loại phân bón như hiện nay mà chi”- ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho rằng, về nhãn mác bao bì, nhiều đơn vị sản xuất phân bón trong nước “nổ” ngất trời, giật gân như: Công nghệ Mỹ, Canada, Nhật, Đức… nhiều cơ sở nói không đúng sự thật. Nhiều cơ sở dùng cuốc xẻng, máy trộn bê tông để sản xuất phân bón.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đến tháng 2/2016, Bộ phải rà soát cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón theo Nghị định 202. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát về cấp quy chuẩn hợp quy, cấp cho đúng đối tượng, giúp sàng lọc bớt các doanh nghiệp, cơ sở làm ăn chụp giật.

MỚI - NÓNG