Giảm áp lực, tăng sân chơi

Trẻ em bày tỏ chính kiến của mình tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia 2011. Ảnh: Hải Anh
Trẻ em bày tỏ chính kiến của mình tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia 2011. Ảnh: Hải Anh
TP - Đưa ra nhiều ý kiến sắc sảo, có tính phản biện, trẻ em đã thể hiện quyền và tiếng nói của mình tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia 2011 khi đối thoại với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước sáng qua (10-8).

> Trẻ em đối thoại với lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Trẻ em bày tỏ chính kiến của mình tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia 2011. Ảnh: Hải Anh
Trẻ em bày tỏ chính kiến của mình tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia 2011. Ảnh: Hải Anh.
 

Giảm bạo hành

Làm thế nào để loại bỏ tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em là chủ đề được các đại biểu nhí đưa ra nhiều câu hỏi nhất trong gần 3 tiếng đối thoại có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành.

Bạn Quang Đạo đến từ Phú Thọ hỏi các lãnh đạo có chia sẻ, giải quyết gì khi hiện trong nhiều trường học, giáo viên sử dụng bạo lực, lời nói thiếu văn hóa để trừng phạt, dạy dỗ.

“Tại sao một số giáo viên làm ngơ trước tình trạng bạo lực học đường, phải chăng học sinh phải thân thiện với giáo viên trước rồi mới nhận được sự hòa nhã?”, Nguyễn Thành Đạt (Quảng Ngãi) đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, trong nhà trường nghiêm cấm hành vi xâm phạm đến tình cảm, sức khỏe học sinh, giáo viên kỷ luật bằng cách đánh học sinh là sai, phải chịu hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến xử lý theo pháp luật.

Bạn trẻ đến từ Quảng Ngãi, Nguyễn Thị Thanh Lý lên tiếng: Ai là người bảo vệ trẻ em khi họ bị chính gia đình ngược đãi? Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Trần Thị Thanh Thanh khuyên các em hãy tìm cách tránh đòn, sau đó báo với người thân, bạn bè nhờ can thiệp trước khi tìm đến
chính quyền.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách được triển khai nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại trừ tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong đó có chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em. Bộ LĐ-TB&XH xây dựng thí điểm hệ thống chăm sóc trẻ em. Các em có thể báo cho lãnh đạo ngăn chặn những trường hợp xâm hại qua đường dây tư vấn, hỗ trợ 19001567.

Trả lời câu hỏi của em đến từ Kon Tum rằng làm sao để nhiều trẻ em Việt Nam không phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại, bà Mậu Diệp cho biết, chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em có riêng một phần về vấn đề này. Từ năm 2005- 2010, số trẻ em lao động nặng nhọc, nguy hiểm giảm từ 68.000 xuống còn
25.000 em.

Bà Mậu Diệp cho rằng, để loại bỏ tình trạng trẻ em lao động nặng nhọc, cần có nhiều giải pháp lồng ghép như chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ học phí cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ gia đình vay vốn giải quyết việc làm...

Rèn kỹ năng sống, giảm áp lực thi cử

Băn khoăn trước tình trạng trẻ em đang ngày càng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các trò chơi bạo lực, em Đỗ Thị Thúy (Hải Phòng) đề xuất nhà nước sớm có những bộ phim hoạt hình hấp dẫn dành cho thiếu nhi. Bạn Nguyễn Thúy Kiều (Cần Thơ) kiến nghị nhà nước đánh thuế các mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia... cao, lấy số tiền đó hỗ trợ phát hành thẻ xe bus miễn phí cho thanh thiếu niên, hạn chế tai nạn giao thông.

"Tại diễn đàn, trẻ em đang được khuyến khích thực hiện quyền tham gia của mình. Thông qua các sự kiện và hoạt động này, trẻ em thực sự chứng minh được khả năng đóng góp vào các vấn đề liên quan đến các em một cách ý nghĩa" - Bà Lotta Sylwanter, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam.

Một bạn đến từ miền Trung cho rằng, Bộ GD-ĐT nên có phương án giảm áp lực thi cử, có thể phân luồng học sinh chuyển cấp 2 sang cấp 3 theo lực học thay hình thức thi, vì học tài thi phận, một số tài năng có thể bị lu mờ.

Em Phạm Thảo Oanh (Ninh Thuận) biện luận muốn xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, nhưng nhiều trẻ em chưa được tiếp cận kỹ năng sống cần thiết nên mong nhà nước sớm có nhiều chương trình, tư vấn cho trẻ em về kỹ năng sống.

Việc thiếu sân chơi, điểm giao lưu văn hoá cũng được nhiều thiếu nhi nêu tại diễn đàn. Ông Trần Minh Chính (Cục Văn hóa cơ sở- Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch) cho biết, từ năm 2011-2016 sẽ có 100% trung tâm văn hóa cấp tỉnh đạt chuẩn về trang thiết bị; từ 2016-2020, 80% cơ sở cấp huyện, xã có điểm vui chơi văn hóa cho thiếu nhi.

Cũng theo ông Chính, thời gian tới sẽ có đội ngũ cán bộ trình độ ĐH được đào tạo để phổ cập sân chơi cho trẻ em và khuyến khích mở rộng những sân chơi từ trong nhân dân.

Bảy thông điệp đưa ra tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia 2011

1-Hãy nói không với bạo lực. 2-Hãy nói không với hệ lụy của game. 3-Đừng để khó nhọc đè nặng lên đôi vai trẻ. 4-Hãy cho chúng em một ngôi nhà bình yên, hạnh phúc. 5-Diễn đàn trẻ em- sân chơi nhỏ chắp cánh ước mơ lớn. 6- Tuổi thơ đẹp sẽ làm nên một tương lai sáng. 7-Hạnh phúc của chúng em là được quan tâm chia sẻ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...