Giảm chi công, tăng chăm lo người nghèo

Siêu thị Co-op Mart tham gia chương trình bình ổn giá, bán hàng giá rẻ cho người dân Ảnh: LT
Siêu thị Co-op Mart tham gia chương trình bình ổn giá, bán hàng giá rẻ cho người dân Ảnh: LT
TP - Sau hơn một tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, TPHCM đã đạt được một số thành quả bước đầu, trong đó nổi bật là cắt giảm chi tiêu công, tăng cường chăm lo đời sống các gia đình diện chính sách, hộ nghèo, thu nhập thấp.

>> Đã có 'cửa' mua USD

Siêu thị Co-op Mart tham gia chương trình bình ổn giá, bán hàng giá rẻ cho người dân Ảnh: LT
Siêu thị Co-op Mart tham gia chương trình bình ổn giá, bán hàng giá rẻ cho người dân. Ảnh: LT.

Theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, ước tính TPHCM tiết kiệm được trên 410 tỷ đồng nhờ giảm chi thường xuyên và tạm ngưng mua sắm ô tô, thiết bị đắt tiền, giảm tối đa chi phí điện, nước, xăng, dầu… trong đó thực hiện định mức tiết kiệm 10% chi thường xuyên là trên 196 tỷ đồng, tạm ngưng mua sắm thiết bị văn phòng: 212 tỷ đồng.

Giảm chi tiêu công, song TPHCM tăng cường thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình thuộc diện chính sách, người thu nhập thấp,… Cụ thể: TPHCM trợ cấp cho gần 7.000 nhân khẩu với 100.000 đồng/nhân khẩu/tháng đối với các hộ nghèo đặc biệt khó khăn.

TPHCM dành khoảng 176 tỷ đồng trợ cấp với mức 30.000 đồng/hộ cho các hộ nghèo; 50.000 đồng/người/tháng cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội và trợ cấp khó khăn đột xuất với mức 200.000 đồng/người/tháng cho gần 81.000 cán bộ, công chức, viên chức hệ số lương từ 3,0 trở xuống.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, đang phối hợp với Tổng Cty Điện lực TPHCM triển khai chính sách cấp bù giá điện với mức 30.000 đồng/hộ/tháng cho gần 37.000 hộ nghèo có mức thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm.

Ngoài ra, để giảm khó khăn cho các đối tượng là học sinh sinh viên, gia đình công nhân, gia đình lao động nghèo phải thuê nhà trọ, UBND các quận huyện đã vận động và đạt được thỏa thuận với gần 19.000 chủ nhà trọ. Theo đó, trong năm 2011, các chủ nhà trọ sẽ không tăng giá thuê phòng. Nhờ vậy, gần 400 nghìn sinh viên, công nhân, người nghèo đỡ chật vật trong tình hình giá cả nhiều mặt hàng leo thang.

Ngoài ra, từ cuối năm 2010 đến nay, TPHCM đã triển khai chương trình bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, gồm: lương thực-thực phẩm với 9 mặt hàng: gạo trắng thường, đường RE, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản... góp phần hỗ trợ các hộ nghèo duy trì được các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Để giúp cho những bệnh nhân nghèo có điều kiện điều trị bệnh, UBND TPHCM còn thực hiện chương trình bình ổn giá đối với các loại thuốc sản xuất trong nước, điều trị các bệnh thông thường.

UBND TPHCM cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai các chương trình miễn giảm học phí, bình ổn giá các mặt hàng dụng cụ học sinh, đồng phục, sách vở để hỗ trợ cho hàng vạn gia đình chính sách, hộ nghèo trong mùa tựu trường năm học 2011-2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG