Giảm chi phí, tăng năng suất lúa trên đất dộc chua

Giảm chi phí, tăng năng suất lúa trên đất dộc chua
TP - Dộc chua là loại đất bạc màu “khó nhằn” với bà con nông dân. Tìm ra giải pháp giảm chi phí đầu tư, giảm công sức chăm bón mà vẫn tăng được năng suất cho vụ lúa trên đất dộc chua là điều mong muốn của người dân. 

Vụ xuân 2016, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Phú Thọ đã phối hợp với Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển và Trạm Khuyến nông các huyện Tân Sơn, Cẩm Khê và Phù Ninh triển khai xây dựng mô hình “Sử dụng phân bón Văn Điển cho lúa trên đất dộc chua tại các xã trên địa bàn”.

Mô hình này nhằm tạo điều kiện cho nông dân thêm lựa chọn một số loại phân bón chuyên dụng cho lúa trên các chân đất dộc chua, đất chua, trũng và lầy thụt. Phương pháp tiến hành trên cơ sở so sánh, đánh giá mô hình sử dụng phân bón Văn Điển theo quy trình khép kín kết hợp với phương pháp bón phân theo tập quán tại địa phương.

Qua quá trình theo dõi khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống lúa tại các điểm triển khai, TTKN Phú Thọ đánh giá, ở công thức bón phân Văn Điển cho kết quả lúa đẻ nhánh sớm hơn, số dảnh/khóm nhiều hơn, số dảnh hữu hiệu cao hơn và thời gian sinh trưởng được rút ngắn từ 2 – 3 ngày so với công thức bón phân theo tập quán. “Các công thức sử dụng phân bón Văn Điển lúa cứng cây hơn, lá có mầu xanh gừng còn công thức sử dụng phân bón theo tập quán địa phương cây lúa mềm hơn, lá xanh đậm hơn. 

Trong mô hình lúa đều nhiễm các đối tượng sâu bệnh chính là: bọ trĩ, bệnh khô vằn và rầy các loại. Tuy nhiên tại mỗi mô hình số lần phun thuốc của công thức bón phân Văn Điển đều giảm hơn so với công thức bón phân theo tập quán. Khi gieo cấy cùng giống, cùng mật độ thì sử dụng phân bón Văn Điển cho số bông/m2, số hạt/bông, số hạt chắc/ bông đều cao hơn so với bón phân theo tập quán. Năng suất trong mô hình tăng hơn so với đối chứng từ 10,5 – 11,4%”, TTKN Phú Thọ đánh giá.

Theo TTKN tỉnh Phú Thọ, mô hình “Sử dụng phân bón Văn Điển cho lúa trên đất dộc chua” tạo sự đồng đều về năng suất, nâng cao chất lượng lúa gạo mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần bổ sung thêm một số loại phân bón chuyên dụng cho lúa, đặc biệt sử dụng tốt trên các chân đất chua, dộc chua là chân đất vốn rất phổ biến trên các cánh đồng của tỉnh Phú Thọ.

Đồng thời mô hình này cũng góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật thâm canh giúp tăng năng suất, sản lượng lúa, tăng giá trị, hiệu quả trên một đơn vị diện tích, khử chua cho đất, bảo vệ đất và tăng độ phì nhiêu cho đất; phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững mà ngành nông nghiệp đã đề ra.

Theo TTKN Phú Thọ, Trung tâm đã đề nghị Sở NN&PTNT Phú Thọ có các chính sách hỗ trợ quy hoạch đồng ruộng, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, giống, vật tư, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này vào sản xuất. Công ty hỗ trợ bà con nông dân về vật tư, phân bón, tập huấn kỹ thuật sử dụng phân Văn Điển chuyên dụng cho lúa và các loại cây trồng khác, mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo.

MỚI - NÓNG