Giảm ĐBQH chuyên trách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
TP - Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu giảm số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, có nhiều người còn “xin rút” khi được đưa vào quy hoạch các vị trí tại Quốc hội.

Đại biểu chuyên trách chưa đạt như mong muốn

Chiều 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hôi cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Liên quan đến tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Ban soạn thảo thấy rằng, hiện tại tuy luật đã quy định rõ tối thiểu 35% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu hoạt động chuyên trách nhưng trên thực tế, dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm song con số này đến nay vẫn chưa đạt được.

“Quốc hội khóa XIV hiện nay có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu Quốc hội (chiếm 34,5%) tổng số đại biểu Quốc hội. Do đó, nếu sửa đổi luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của luật”, ông Phúc cho hay.

“Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực các ủy ban của Quốc hội họ thường từ chối? Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều “xin đừng đưa em vào quy hoạch”.

          Ông Nguyễn Đức Hải

Về số lượng cấp phó và tỷ lệ Ủy viên Thường trực, theo Tổng Thư ký Quốc hội, loại ý kiến thứ nhất đề nghị Luật Tổ chức Quốc hội cần quy định cụ thể về số lượng cấp phó, tỷ lệ đại biểu là Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và từng Ủy ban của Quốc hội. Luật cần quy định cụ thể hơn về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng chức danh Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên kiêm nhiệm khác để làm rõ trách nhiệm và làm cơ sở xác định chế độ, chính sách đối với từng loại chức danh.

Tuy nhiên loại ý kiến thứ hai cho rằng, do tính chất đặc thù của các cơ quan của Quốc hội, thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trước hết phải là đại biểu Quốc hội được bầu từ đầu nhiệm kỳ nên trong quá trình hoạt động khi có biến động, thay đổi về nhân sự sẽ rất khó tìm kiếm, bố trí người thay thế. Nếu quy định cứng ngay trong luật về số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội, số lượng cụ thể Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách thì sẽ khó bảo đảm thực hiện trong suốt cả nhiệm kỳ.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định viện dẫn Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, đồng thời cho biết, có nội dung có thể quy định ngay trong luật, nhưng cũng có những nội dung nên được xác định, cụ thể hóa thông qua các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trong đề án cụ thể gắn với từng nhiệm kỳ Quốc hội. Ông Định ví dụ, như việc xác định tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hay việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp sẽ được ghi nhận trong các Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội trong từng nhiệm kỳ; việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội sẽ được quy định trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Xin không vào quy hoạch tại Quốc hội

Cho ý kiến về số lượng cấp phó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nếu được quy định cứng trong luật sẽ khó triển khai áp dụng. Bởi có những đơn vị như Ủy ban Kinh tế hay Ủy ban Pháp luật có quy mô lớn hơn, nên cần nhiều cấp phó hơn. Nếu quy định cứng sẽ khó, mà quy định khống chế cũng có điểm khó riêng, vì sẽ có đơn vị có nhiều, đơn vị có ít. “Theo tôi, chỉ nên quy định tối thiểu đại biểu Quốc hội chuyên trách 35% trở lên. Bây giờ cố gắng lắm đạt 34,5%. Công tác quy hoạch cán bộ phải được chú ý thực hiện từ sớm, để tránh khi cần không bố trí được”, ông Hiển nêu.

Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thì cho rằng, sửa luật phải làm sao để các cơ quan hoạt động chuyên trách hoạt động hiệu quả hơn chứ không phải “nhè” vào bộ phận này để giảm, sẽ khó tăng chất lượng được. “Ở đây nói giảm cấp phó, nhưng các Ủy ban của Quốc hội hiện nay chỉ có nhiều nhất 5 phó, tương tự như tại các Bộ hiện nay, thì sao chúng ta lại quy định không quá 4 cấp phó? Trong khi đó một số Ủy ban của Quốc hội việc rất nặng”, bà Hải nêu, đồng thời đề nghị cân nhắc lại thẩm quyền của chức danh chuyên trách trong Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, không nên quy định “lơ lửng”, sẽ khó thu hút đại biểu về làm chuyên trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, trung tâm của hoạt động Quốc hội vẫn là các cơ quan hoạt động chuyên trách. Trong khi tỷ lệ đại biểu Quốc hội đã thấp rồi, bây giờ lại nhằm vào các cơ quan chuyên trách để giảm nữa thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên nữa để đảm bảo chất lượng công việc.

“Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực các ủy ban của Quốc hội họ thường từ chối? Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều “xin đừng đưa em vào quy hoạch”, ông Hải nêu thực trạng. Đây cũng là vấn đề được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập. Theo bà Nga, có những cán bộ ở cơ quan khác, khi quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách ở Quốc hội thì họ thường “xin đừng cho em vào, rồi xin rút”.

MỚI - NÓNG