Giảm điều kiện cấp thẻ nhà báo lần đầu

QH thông qua luật báo chí sửa đổi
QH thông qua luật báo chí sửa đổi
TPO - Sáng 5/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Báo chí sửa đổi với tỷ lệ tán thành cao, trong đó đã sửa đổi quy định và giảm thời gian công tác từ 3 năm xuống 2 năm đối với người được cấp thẻ lần đầu.

Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, về cấp thẻ nhà báo, có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên” đối với người công tác tại cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo; đề nghị giảm điều kiện phải có thời gian công tác từ 3 năm xuống còn 2 năm đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu; đề nghị bổ sung quy định trường hợp người được xét cấp thẻ nhà báo là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự bị kết án mà hết thời hạn thi hành án. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý theo hướng này tại điều 27.

Cụ thể, Điều 27 quy định điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo như sau:

Người công tác tại cơ quan báo chí quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 của Luật này được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

 Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

Tốt nghiệp đại học trở lên; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;

Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật;

Được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Những trường hợp quy định được xét cấp thẻ nhà báo phải đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn:

Là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Có ít nhất mười hai tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương từ 02 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

Được đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Các trường hợp sau đây không được xét cấp thẻ nhà báo: Đã vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Đã bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động mà chưa hết thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ; Là đối tượng liên quan trong các vụ án chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà chưa được xóa án tích; Bị thu hồi thẻ nhà báo do vi phạm quy định của pháp luật mà thời gian thu hồi thẻ chưa quá 12 tháng kể từ ngày ra quyết định đến thời điểm xét cấp thẻ.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Theo bà Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật.

“Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó”, bà Hải cho hay.

Có ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo (Điều 28). Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tế hiện nay, có một số trường hợp, người được cấp thẻ nhà báo nhưng không còn làm công việc liên quan đến báo chí, mà vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ như dự thảo Luật.

Về hoạt động báo chí, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật không nên để Chính phủ quy định hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước mà cần quy định nội dung này ngay tại Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 38 dự thảo Luật đã quy định về nguyên tắc chung của việc cung cấp thông tin cho báo chí mà các cơ quan hành chính nhà nước phải tuân thủ. Ngoài ra, việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước còn có thêm nhiều nội dung như: người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn; trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo trong việc đăng, phát nội dung phát ngôn; hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, bất thường. Mỗi nội dung này lại kèm theo quy trình, thủ tục liên quan.

Thêm vào đó, hoạt động này còn đang trong quá trình nghiên cứu thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

MỚI - NÓNG