Giám định tài chính: Rối rắm

Giám định tài chính: Rối rắm
TP - Hiện nay, không ít vụ án bị việc giám định tài chính làm rối rắm thêm.
Giám định tài chính: Rối rắm ảnh 1
Phòng Quản lý Đô thị Ninh Kiều  Ảnh: Sáu Nghệ

Điển hình nhiều kết luận giám định tài chính phải kể đến vụ án “lập quỹ trái phép” tại Phòng Quản lý Đô thị Quận Ninh Kiều, sáu bản. Vụ án khởi tố ngày 24/5/2006, sau đó khởi tố bị can 11 cán bộ (chức vụ cao nhất là PGĐ Sở Xây dựng).

Giữa năm 2007, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ có kết luận điều tra chuyển sang Viện KSND TP Cần Thơ, xác định, lập quỹ trái phép hơn 6,4 tỷ đồng. Sau đó, thêm ba kết luận điều tra bổ sung. Đến ngày 27/2/2009, vụ án được đình chỉ.

Trong thời gian điều tra, các kết luận giám định tài chính nối tiếp nhau xuất hiện và liên tục cãi nhau. Có một khoản tiền hơn 761 triệu đồng, giám định viên (GĐV) Bộ Tài chính kết luận không gây thất thoát cho ngân sách, GĐV Sở Tài chính Cần Thơ kết luận có gây thất thoát. Dĩ nhiên, GĐV Bộ Tài chính đúng.

Các kết luận giám định tài chính của Sở Tài chính Cần Thơ luôn bất nhất về con số nên độ tin cậy không cao. Về trình tự thủ tục giám định cũng cãi nhau, tự làm mất giá trị của nhau.

Bản kết quả giám định tài chính ban đầu và bổ sung kế đó do một cán bộ lãnh đạo Sở Tài chính ký. Nhưng vị cán bộ này không phải là GĐV, nên các bản giám định không có giá trị pháp lý.

Kết quả giám định tài chính bổ sung lần thứ hai do một GĐV ký, cũng không có giá trị pháp lý, bởi bổ sung cho những văn bản không có giá trị pháp lý.

Tiếp theo là giám định tài chính bổ sung do hai GĐV ký vẫn không có giá trị pháp lý vì nguyên nhân tương tự. Ở đây, còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật bởi, khi được yêu cầu giám định bổ sung, người ký kết luận giám định trước đó phải tiếp tục làm.

Tóm lại, vụ án khởi tố gần ba năm, có sáu bản giám định tài chính, duy nhất bản của GĐV Bộ Tài chính đúng về nội dung và trình tự thủ tục. Các kết quả giám định của Sở Tài chính Cần Thơ chỉ làm cho vụ án thêm rối như canh hẹ, cuối cùng phải đình chỉ.

Giám định tài chính: Rối rắm ảnh 2
Quyết định đình chỉ vụ án ở Phòng Quản lý Đô thị Ninh Kiều

Vi phạm tố tụng

Ngày 5/12/2008, GĐV Sở Tài chính Cần Thơ có kết luận giám định tài chính lần thứ ba về vụ án “lập quỹ trái phép” và “tham ô” ở Trường Nghiệp vụ TDTT Cần Thơ.

Vụ án khởi tố năm 2006, đầu năm 2007 Viện KSND Quận Ninh Kiều (Cần Thơ) có cáo trạng đề nghị tòa án xử tội một số người. Đến nay, tòa chưa thể xử sau nhiều lần hoãn, do điều tra chưa xác định được con số thiệt hại.

Ngày 17/9/2007, GĐV Sở Tài chính Cần Thơ kết luận thiệt hại gần 783 triệu đồng. Chưa đủ độ tin cậy, tòa án trả hồ sơ yêu cầu giám định lại. Ngày 2/1/2008, Sở Tài chính Cần Thơ có công văn trả lời: “Tổ chức giám định tài chính đã giải thể, chỉ tồn tại giám định viên hoạt động độc lập, đã được cấp thẻ.

Do đó, Sở Tài chính không thể thành lập hội đồng giám định tài chính TP Cần Thơ để giám định lại theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT”. Cơ quan CSĐT liền trưng cầu giám định tài chính cấp trung ương.

Nhưng khi cấp trung ương chưa trả lời, ngày 17/1/2008, GĐV Sở Tài chính Cần Thơ lại có kết luận, xác định số tiền thiệt hại như cũ. Ngày 19/6/2008, TAND Quận Ninh Kiều mở phiên xét xử phải hoãn lần nữa do giám định thiếu chính xác.

Trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung, hội đồng xét xử viết: “Kết luận giám định ngày 17/1/2008 dựa trên cơ sở của kết luận điều tra, lời khai của các bị cáo để xác định ra kết luận chứ không căn cứ trên những chứng cứ thu chi và cũng không được cung cấp các chứng cứ.

Hội đồng xét xử nhận thấy lời trình bày của GĐV tại tòa thì kết luận chưa được khách quan, nên cần điều tra và yêu cầu cơ quan giám định tuyến trên giám định lại”.

Ngày 5/12/2008, kết luận giám định tài chính lần thứ ba xác định số tiền thiệt hại chỉ còn gần 454 triệu đồng (giảm 42 phần trăm). Kết luận có hai GĐV ký tên, trong đó một GĐV từng ký kết luận lần trước.

Điều này vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 159, Khoản 2: “Việc tiến hành giám định lại phải do người giám định khác tiến hành”.

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG