Công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị:

Giám đốc Ban quản lý lấy đất dự án lập trang trại

Giám đốc Ban quản lý lấy đất dự án lập trang trại
TP - Dự án thủy lợi - thủy điện Quảng Trị có tên thủy điện Rào Quán, chính thức động thổ 29/8/2003. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh.

Dự án này hoàn thành sẽ điều tiết lưu lượng dòng chảy, bổ sung tưới tiêu cho 12.281 ha lúa và 1.600 ha màu; cấp nước sinh hoạt, giảm lũ cho hạ lưu, cung cấp điện lên lưới quốc gia phục vụ kinh tế-xã hội với tổng vốn 2.097,1 tỷ đồng do Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. 

Ngày 7/8/2002, Ban quản lý (BQL) dự án ra đời do Tiến sĩ Trang Dung làm Giám đốc để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư.

Nhưng trong quá trình thực thi, BQL dự án đã mắc nhiều sai phạm trong công tác đền bù di dân. Điển hình là việc ông Trang Dung lấy hơn 20 ha  đất của dự án để lập trang trại.

Sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư dự án thủy lợi-thủy điện Quảng Trị của Chính phủ, UBND tỉnh có công văn 2008 (ngày 14/11/2002) do Chủ tịch Nguyễn Minh Kỳ ký, nghiêm cấm việc cấp đất mới, xây dựng mới, trồng cây mới trong khu vực của dự án (gồm các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Sơn của huyện Hướng Hóa).

Thế nhưng, ông Dung lợi dụng chức Giám đốc BQL, Phó Ban thường trực Chỉ đạo công tác đền bù giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư giả mạo chữ ký em rể mình để được cấp 20,93 ha đất trong vùng dự án thuộc thôn Của (xã Hướng Tân) làm trang trại vào tháng 3/2004 (sổ đỏ do Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - ông Võ Xuân Keng ký).

Đặc biệt, trong khu vực  trang trại 20,93 ha đất được cấp trái phép này có cả hồ thủy lợi A Ven với hệ thống đê đã được đầu tư cải tạo bằng tiền ngân sách phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất cho dân xã Hướng Tân và khoảnh rừng già nguyên sinh đầu nguồn khoảng 5-6 ha. Tổng cộng trang trại của Giám đốc Trang Dung rộng 25 ha... 

Sau đó, ông Dung bày “chiêu” lấy tiền di dân tái định cư mở con đường rải nhựa kéo đường điện bề thế, dài 900 mét từ đường Hồ Chí Minh đến trang trại của mình, với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Trang trại của ông Dung tọa lạc ở địa thế lý tưởng, bởi nằm trong khu vực vành đai bao quanh lòng hồ thủy lợi-thủy điện.

Ngoài ra, Giám đốc Trang Dung còn “biến”  300 ha nuôi trồng thủy sản của người dân trong diện tích được đền bù thành 3.000 ha (gấp 10 lần) để ăn tiền dư dôi. Ông Dung cho lập dự toán tiền đền bù giải tỏa rừng cho dân vùng tái định cư lên đến hàng trăm triệu đồng, song thực tế không hề có rừng.

Hơn thế, ông Dung còn vi phạm nghiêm trọng Luật Ngân sách khi chỉ đạo kế toán diện hợp đồng ở tổ đền bù giải phóng mặt bằng đến Kho bạc Nhà nước tỉnh...  rút 2 tỷ đồng (qua mặt Kế toán trưởng BQL dự án).

Bây giờ, món tiền ấy không biết ai sử dụng và sử dụng vào việc gì. Trong khi đó cô kế toán đã cao chạy, xa bay… Thế nhưng đến giờ, ông Dung vẫn ung dung trên ghế Giám đốc của mình.

MỚI - NÓNG