Giảm hàng chục nghìn biên chế, chấm dứt chạy chọt

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu kiên quyết tinh giản biên chế, chấm dứt tình trạng chạy chọt, tiêu cực. Ảnh: Như Ý
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu kiên quyết tinh giản biên chế, chấm dứt tình trạng chạy chọt, tiêu cực. Ảnh: Như Ý
TP - Ngày 15/1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngành Nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu trong năm 2019 phải kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế, sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế những người làm việc không hiệu quả, chấm dứt tình trạng chạy chọt, tiêu cực.

Chấn chỉnh từ khâu tuyển dụng

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn được đánh giá là một sự kiện nổi bật năm 2018, cơ cấu tổ chức các bộ, cơ quan đã giảm đầu mối, giảm tầng nấc trung gian. Bộ Nội vụ đã gương mẫu trong việc không tổ chức phòng trong vụ, giảm số lượng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của một số đơn vị để khắc phục chồng chéo.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, việc ban hành thể chế còn chậm, đặc biệt các văn bản trong lĩnh vực công vụ, công chức. Chủ trương tinh giản biên chế chưa gắn với đổi mới, đánh giá cơ cấu lại, đặc biệt nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; thi nâng ngạch tuy đã cải tiến nhưng còn bất cập, còn cán bộ vi phạm đạo đức công vụ, thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời phát hiện vi phạm. Bộ Nội vụ cần nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân bất cập và khắc phục những tồn tại này.

Năm 2019, với phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, Phó Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa các quy định về quản lý cán bộ công chức, viên chức, nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, rà soát vướng mắc trong quản lý cán bộ công chức viên chức. Đặc biệt lưu ý xác định vị trí việc làm, đảm bảo khoa học, chính xác, làm cơ sở cho tuyển dụng, bổ nhiệm, cải cách chế độ tiền lương. Trong tuyển dụng cần rà soát sửa đổi ngay các thủ tục bất hợp lý, tăng cường công khai minh bạch, chấm dứt tình trạng chạy chọt, tiêu cực.

“Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế các cơ quan theo tỷ lệ đã đề ra, thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Cần chấn chỉnh ngay từ khâu tuyển dụng đến đánh giá cán bộ, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế những người làm việc không có hiệu quả; nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện, phòng ngừa vi phạm trong công tác cán bộ”, ông Bình nhấn mạnh.

Cần thiết giảm “đinh, điền, tiền, triện”

Liên quan đến việc thực hiện tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, đến hết năm 2018 đã giảm được 40.500 người. Trong đó, số người hưởng chính sách về hưu trước tuổi gần 35 nghìn người và cho thôi việc ngay 5.483 người. Dự kiến năm 2019, tổng biên chế công chức, sự nghiệp giảm khoảng 44.510 người, trong đó biên chế công chức giảm hơn 5,5 nghìn người, biên chế sự nghiệp giảm 39 nghìn người.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, vẫn còn một số địa phương không thực hiện tinh giản biên chế theo trình tự quy định, có những trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản biên chế. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, một số nơi còn thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ.

Đáng lưu ý về cơ cấu tổ chức bộ máy, mặc dù số lượng vụ có giảm, nhưng số lượng cấp cục, tổng cục lại tăng lên. Theo thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ, đến cuối tháng 12/2018, số lượng vụ và tương đương thuộc bộ là 248, giảm 12 tổ chức; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 102 đơn vị, giảm 8 đơn vị. Trong khi đó, số lượng cục thuộc bộ, ngang bộ lại lên tới 125, tăng 7 tổ chức.

Còn cấp tổng cục có 29, tăng 2 đơn vị là Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương và Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT (không tính các tổng cục thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng). Do phình hai tổng cục, kéo theo số lượng vụ và tương đương thuộc tổng cục lên 219, tăng 6 tổ chức; cục và tương đương thuộc tổng cục tăng 2, lên 102 tổ chức; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục 128, tăng 5 đơn vị.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia ngành nội vụ cho rằng, điều quan trọng là phải giảm được 4 yếu tố: “Đinh, điền, tiền, triện”. Nghĩa là phải giảm số lượng người, giảm trụ sở, giảm chi tiêu và con dấu. “Tinh gọn bộ máy, nhưng nhìn tổng thể nhà nước vẫn lỗ, vì số lượng cục, vụ và tổng cục không giảm, thậm chí còn tăng lên”, vị chuyên gia đánh giá.

Hà Nội: Nếu 4 huyện lên quận sẽ giảm 2 nghìn đại biểu

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng kiến nghị Trung ương cho phép được thực hiện cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức như TP HCM đã được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, Hà Nội còn mong muốn được áp dụng ngay bộ máy huyện như mô hình quận, để sớm áp dụng quản lý theo đô thị như xây dựng, quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị… thay vì để các huyện tự phát thực hiện cho đến khi đủ tiêu chí theo quy định. Theo ông Sáng, nếu 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm sớm thành quận, theo định hướng quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sẽ giảm được 164 cán bộ chuyên trách, hơn 2 nghìn đại biểu HĐND cấp phường xã.

MỚI - NÓNG